Không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới
Lúc 15 giờ chiều nay (18-12), vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 11,3 độ vĩ Bắc; 114,3 độ kinh Đông, cách Bình Định khoảng 615km, cách Khánh Hòa khoảng 580km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất cấp 14-15 (150-185km/ giờ), giật cấp17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25km/giờ.
Tất cả tàu thuyền đã trú tránh an toàn
Trước diễn biến nhanh của cơn bão số 9, các đơn vị BĐBP đã khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó, kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu cá đang hoạt động trên biển di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm, vào nơi neo đậu, trú tránh an toàn. Đồng thời tổ chức sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại các bến tàu, âu cảng. Chủ động triển khai phương án ứng phó với ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất do hoàn lưu của bão và bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.
Đến 16 giờ ngày 18-12, các đơn vị BĐBP từ Thanh Hóa đến Bình Thuận đã thông báo, hướng dẫn cho 58.720 tàu/298.360 lao động của các địa phương từ Quảng Bình đến Bình Thuận biết diễn biến của bão để di chuyển tránh trú hoặc neo đậu an toàn. Có 1.871 tàu/ 12.241 người đang hoạt động trên biển. Các phương tiện này đã nhận được thông tin về hướng đi của bão, đang di chuyển vòng tránh, không đi vào vùng nguy hiểm. Còn lại 56.939 tàu/286.119 lao động đang neo đậu tại bến.
BĐBP các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Bình Thuận duy trì trực 4.588 cán bộ, chiến sĩ/ 247 phương tiện (39 tàu, 120 xuồng, ca nô, 88 ô tô) sẵn sàng tham gia xử lý có tình huống xảy ra.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm trong 24 giờ tới. Tuy nhiên, 54 tàu/632 người neo đậu tại quần đảo Trường Sa (Quảng Nam: 3 tàu/106 người, Quảng Ngãi: 41 tàu/456 người, Bình Định: 10 tàu/70 người) cần quan tâm neo đậu an toàn theo hướng dẫn của cơ quan chức năng.
Hơn 5.000 phương tiện trú bão tại Quảng Ngãi
Trước diễn biến phức tạp của bão số 9, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân ở các địa phương ven biển, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ngãi đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống thiên tai trên toàn tuyến; tổ chức lực lượng kêu gọi, sắp xếp, neo cột hơn 5.000 tàu thuyền vào bến neo đậu trú tránh.
BĐBP Quảng Ngãi triển khai trên 100 cán bộ, chiến sĩ phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, cảnh báo thiên tai cho ngư dân; hỗ trợ ngư dân neo cột tàu thuyền.
Tại cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi, Đồn Biên phòng Sa Huỳnh, BĐBP Quảng Ngãi cùng lực lượng dân quân tổ chức chằng chống va đập, neo buộc ngư lưới cụ cho gần 1.300 phương tiện thuộc phường Phổ Thạnh và xã Phổ Châu đã vào bến trú bão. Ngoài ra, đơn vị cũng đã giúp người dân nuôi trồng thủy sản đưa lồng bè vào vị tí an toàn.
Thiếu tá Lê Minh Trọng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Huỳnh cho biết: “Ngay từ chiều hôm qua, 17-12, đơn vị đã triển khai lực lượng hướng dẫn các chủ lồng bè đưa lồng bè ngoài cửa biển vào bên trong để đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào. Đồng thời yêu cầu các chủ bè nuôi trồng khi bão đổ bộ vào không được ở trên lồng bè, để bảo đảm tính mạng”.
Thông qua các phương tiện liên lạc hiện có, BĐBP Quảng Ngãi đã kêu gọi 5.400 phương tiện/33.657 ngư dân vào bờ tránh trú bão số 9. Phối hợp với ban quản lý các cảng cá, vũng neo trú tàu thuyền tuyên truyền, hướng dẫn, sắp xếp vị trí cho ngư dân đưa phương tiện vào neo đậu đảm bảo an toàn; đồng thời yêu cầu các lao động chủ động rời tàu khi có sóng to, gió lớn.
BĐBP Quảng Ngãi cũng đã phân công cán bộ, chiến sĩ thường trực tại các bến bãi, âu tàu nhằm hỗ trợ nhân dân ứng phó kịp thời với những tình huống xấu.
BĐBP Tiền Giang trực 100% quân số
Theo số liệu tổng hợp của BĐBP Tiền Giang, trên khu vực biên giới biển tỉnh Tiền Giang có tổng số 748 phương tiện với 5.249 người khai thác thủy sản xa bờ.
Hiện tại, có 286 phương tiện với 2.101 người đang tham gia đánh bắt trên biển. Trong đó, hoạt động ở khu vực vùng biển Tây Nam là 74 phương tiện/487 người; khu vực Trường Sa, DK1 có 212 phương tiện/1.614 người.
Số lượng phương tiện hoạt động ven bờ, đánh bắt đi về trong ngày có 462 phương tiện với 3.148 người.
Ngoài ra, Tiền Giang còn có 71 chòi giữ nghêu cùng với 38 phương tiện và 593 hộ/2.484 nhân khẩu sống ngoài đê.
Chấp hành các Công điện của Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh Quân khu 9 và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang về phòng, chống bão số 9, Bộ Chỉ huy BĐBP Tiền Giang đã nhanh chóng triển khai kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng phòng, chống bão số 9. Qua đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh yêu cầu các đơn vị duy trì trực 100% quân số, chủ động nắm, theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Chỉ huy BĐBP Tiền Giang cũng chỉ đạo các đồn, trạm, Hải đội 2 phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thông báo cho các chủ phương tiện, thuyền trưởng tàu cá đang hoạt động trên biển biết vị trí diễn biến, hướng đi của bão để các phương tiện chủ động thoát ra hoặc tránh khỏi vùng nguy hiểm vào bờ tìm nơi tránh, trú bão an toàn.
Tổ chức kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện đánh cá vào các bến neo đậu, trú tránh an toàn để không gây thiệt hại về người và tài sản.
BĐBP Bình Định mở đài canh 24/24 giờ
Để đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân, tàu thuyền, BĐBP Bình Định đã và đang khẩn trương triển khai hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền tránh bão số 9 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại gây ra trên tuyến biên phòng của tỉnh Bình Định.
Tính đến chiều 18-12, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định đã phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương thông báo, kêu gọi, hướng dẫn hơn 2.395 phương tiện/ 17.894 lao động đã vào bờ tránh bão. Hầu hết các chủ phương tiện và thuyền trưởng đã nắm thông tin và hướng di chuyển, thường xuyên liên lạc với gia đình và đài trực canh của BĐBP tỉnh.
Hiện, Bộ Chỉ huy BĐBP Bình Định, Chi cục Thủy sản, Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn, các huyện, thành phố ven biển tiếp tục phối hợp với gia đình chủ tàu thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng các tàu cá di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị mở đài canh 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin, kiểm soát tàu thuyền, hướng dẫn các chủ phương tiện tránh trú hoặc không đi vào vùng nguy hiểm của bão.
Các đơn vị Biên phòng chủ động phân công cán bộ bám địa bàn và phối hợp với chính quyền địa phương trong phòng, chống bão; chỉ đạo các Trạm kiểm soát Biên phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết không làm thủ tục xuất bến cho các phương tiện, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển.
Tiếp tục thống kê, kiểm đếm tàu thuyền (tàu cá, tàu vận tải, tàu chở khách du lịch), lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, số lượng khách du lịch hiện còn đang ở địa bàn.
BĐBP Bình Định cũng chỉ đạo các đơn vị huy động ca nô và cán bộ, chiến sĩ duy trì 100% quân số sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giúp dân khi có tình huống xảy ra.
Lên phương án sơ tán hơn 51.032 hộ dân
Để ứng phó với bão số 9, 11 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận đã có lệnh cấm biển và đang khẩn trương triển khai các biện pháp tiếp theo nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Theo thống kê, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận có tổng 18.599ha nuôi trồng thủy sản và 177.592 lồng bè. Các địa phương đã chỉ đạo việc gia cố, chằng néo, di dời, sẵn sàng phương án đưa dân dân lên bờ để đảm bảo an toàn.
Về hệ thống đê điều, trong khu vực Từ Quảng Bình đến Bình Thuận có 707,8km đê biển, đê cửa sông (453km đê biển; 255km đê cửa sông). Qua rà soát của các địa phương, hệ thống đê còn tồn tại 44 trọng điểm, vị trí đê điều xung yếu; có 15 công trình đê, kè đang thi công dở dang. Các địa phương đã lên phương án và các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình trên.
Hiện, khu vực ven biển miền Trung có 129 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm/171,7km (một số tỉnh có khối lượng lớn: Quảng Bình 41,47 km; Quảng Trị 16,85km; Thừa Thiên Huế 11,7km). Các địa phương đã có phương án di dời dân gần khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn.
Để ứng phó bão, các địa phương trong khu vực dự kiến kế hoạch sơ tán đảm bảo an toàn cho 51.032 hộ/238.345 người tại các lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản, khu vực ven biển và đã có phương án đảm bảo an toàn. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát cập nhật và sẽ sơ tán theo diễn biến thực tế của bão.