Không dám làm thì đứng sang một bên

Đây được xem là thông điệp rất mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ nhằm xác định trách nhiệm đối với chức trách, nhiệm vụ được giao của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thông điệp này cũng đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại một hội nghị quan trọng của Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Thông điệp trên thể hiện rất rõ quan điểm và quyết tâm của Đảng nói chung, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói riêng đối với phẩm chất và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covdi-19. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp lần thứ 18 Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covdi-19. Ảnh: TTXVN

Vì sao trách nhiệm của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu lại trở thành vấn đề được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong tình hình hiện nay? Bởi, thời gian qua, nhiều cán bộ đã bị cơ quan chức năng điều tra, khởi tố do vi phạm pháp luật; do lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để trục lợi, để làm giàu bằng chính mồ hôi, công sức của người dân. Điều này chắc hẳn sẽ tác động ít nhiều đến tâm lý của một bộ phận cán bộ, nhất là những người có động cơ không trong sáng, vụ lợi. Cán bộ có động cơ không trong sáng thì làm gì cũng chỉ muốn mang lại lợi lộc cho chính mình mà quên hết mọi lợi ích của cộng đồng, của nhân dân và xã hội. Vì vậy, trước quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, một bộ phận cán bộ này lo sợ, thể hiện tư tưởng “mũ ni che tai”, chờ thời là điều rất dễ hiểu.

Không ít người cho rằng, do hệ thống pháp luật còn chồng chéo, thiếu đồng bộ nên gây khó khăn trong việc triển khai nhiệm vụ. Điều này không thể phủ nhận, do điều kiện lịch sử nên cần phải có đủ thời gian để phấn đấu, để hoàn thiện. Tuy nhiên, khi mới giành được chính quyền, lập nên nhà nước công nông đầu tiên, có thể nói hệ thống pháp luật của nước ta thời kỳ đó chưa hoàn thiện, thống nhất, khoa học như bây giờ. Vậy mà cán bộ đâu có nhiều vi phạm pháp luật? Bởi cán bộ thời đó đều thực thi công việc bằng thái độ và tinh thần trách nhiệm rất cao, tất cả vì quyền và lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Họ sẵn sàng bỏ qua quyền lợi riêng, vì lợi ích chung; sẵn sàng nhận việc khó, việc khổ về mình; sẵn sàng nhường lại phần tiêu chuẩn của mình cho người khác...

Đảng đã có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì quyền lợi chung. Hệ thống pháp luật của Nhà nước cũng từng bước hoàn thiện, đồng bộ, hạn chế đến mức thấp nhất những khiếm khuyết trong quản lý xã hội. Trình độ cán bộ hiện nay rất cao, được đào tạo bài bản cả trong và ngoài nước. Những yếu tố và điều kiện đó đủ để tạo dựng nên môi trường làm việc lành mạnh; đủ để mỗi người phát huy hết khả năng, năng lực của mình trong thực thi công vụ. Điều duy nhất còn lại và mang tính quyết định là động cơ làm việc của mỗi người cán bộ. Nếu ai cũng làm việc vì dân, vì lợi ích chung của đất nước, chắc hẳn không có chuyện lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và quyết liệt đến vậy.

LÊ LONG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-dam-lam-thi-dung-sang-mot-ben-710425