Không đặt mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung bình bằng ASEAN-4

Góp ý cho Dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Nhà nước có nhiều ý kiến cụ thể, chi tiết, trong đó có các nội dung liên quan đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay, áp dụng các công cụ thị trường hơn trong điều hành chính sách tiền tệ…

Ảnh T.L

Ảnh T.L

Không neo mục tiêu lãi suất vào ASEAN-4

Tại tờ trình về dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ 18 bộ, ngành và 41 địa phương. Về cơ bản, các bộ, ngành, địa phương nhất trí với các nội dung của dự thảo Kế hoạch. Một số bộ, ngành, địa phương đã có ý kiến góp ý, chỉnh sửa. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có khá nhiều các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa chi tiết, cập nhật vào nội dung của Đề án.

Một trong số đó là, ở phần mục tiêu, NHNN đề nghị bỏ mục tiêu "giảm lãi suất cho vay trung bình bằng mức so với các nước ASEAN-4". Bởi theo NHNN, đánh giá tại Đề án cho thấy lãi suất cho vay của Việt Nam năm 2020 đã tương đương với các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng. Ngoài ra, diễn biến lãi suất của 1 quốc gia tăng/giảm còn phụ thuộc lớn vào diễn biến kinh tế vĩ mô, cấu trúc nền kinh tế, năng lực cạnh tranh nội tại của từng quốc gia, trong khi đó diễn biến kinh tế vĩ mô, cấu trúc kinh tế của Việt Nam có nhiều điểm khác biệt khá lớn so với ASEAN-4 như cấu trúc thị trường tài chính và mức độ phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, độ mở cửa của dòng vốn, năng lực cạnh tranh và trình độ quản trị doanh nghiệp ảnh hưởng đến mức rủi ro trong cho vay, kỳ vọng lạm phát của nền kinh tế...

Về lý thuyết kinh tế học thuần túy đã khẳng định chênh lệch lãi suất giữa 2 quốc gia được thể hiện bởi chính sự biến động của tỷ giá của đồng tiền của 2 quốc gia đó, vì vậy, nếu đặt "giảm lãi suất cho vay trung bình bằng mức so với các nước ASEAN-4" thì đồng nghĩa với việc cố định tỷ giá VND với đồng tiền của ASEAN-4, "điều này là hoàn toàn phi thực tế trong bối cảnh độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất lớn", NHNN cho biết.

Do đó, NHNN cho rằng định hướng "giảm lãi suất cho vay trung bình bằng mức so với các nước ASEAN-4" là trái với các nguyên lý cơ bản của kinh tế thị trường, không phù hợp với tính chất điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phù hợp với diễn biến thị trường và tương quan cấu trúc kinh tế giữa Việt Nam với các nước ASEAN-4.

Nhất trí với lý giải của NHNN, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết mục tiêu của Kế hoạch là hướng đến thay đổi cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, do đó Bộ đã chỉnh sửa mục tiêu này cho phù hợp và linh hoạt hơn, không neo vào ASEAN-4.

Chưa nghiên cứu áp dụng các công cụ thị trường trong điều hành chính sách tiền tệ

Ở phần nhiệm vụ trong Kế hoạch, một trong nhiều góp ý của NHNN là đề nghị bỏ nhiệm vụ của NHNN về "Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo nghiên cứu các điều kiện áp dụng các công cụ thị trường hơn trong điều hành chính sách tiền tệ (dỡ bỏ các biện pháp hạn mức tín dụng, lãi suất trần, tỷ giá, v.v.)". Đồng thời, bỏ nội dung "Báo cáo nghiên cứu các điều kiện áp dụng các công cụ thị trường hơn trong điều hành chính sách tiền tệ (dỡ bỏ các biện pháp hạn mức tín dụng, lãi suất trần, tỷ giá, v.v.)".

Nhiều lý do được NHNN đưa ra giải thích cho đề nghị này. Thứ nhất, theo NHNN, việc tự do hóa các biện pháp quản lý đòi hỏi nền kinh tế và tất cả các phân đoạn thị trường phải được tái cấu trúc hiệu quả, vận hành nội bộ, hoàn toàn theo các qui luật, cơ chế thị trường và không có sự can thiệp của Nhà nước (ngoại trừ một số lĩnh vực đặc biệt cần vai trò cung cấp hàng hóa công cộng của Nhà nước).

Nếu không đảm bảo được điều kiện này thì việc đưa ra các yêu cầu đặc thù nêu trên là thiếu đồng bộ nên có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của thực thi, thiếu tính đồng bộ hóa và có thể không đảm bảo được khả năng kiểm soát của Nhà nước (NHNN) trong một số lĩnh vực đặc thù.

NHNN cũng nhấn mạnh việc điều hành, đổi mới các công cụ chính sách tiền tệ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục theo chức năng nhiệm vụ được giao của NHNN; trên cơ sở bám sát điều kiện diễn biến của thị trường quốc tế và trong nước, NHNN chủ động, linh hoạt sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ đề ra trong từng thời kỳ...

Để các ngân hàng trung ương thực hiện được nhiệm vụ quan trọng là kiểm soát lạm phát, NHNN nêu rõ xu thế phát triển trên thế giới là ngân hàng trung ương ngày càng độc lập trong điều hành chính sách tiền tệ. Chính vì vậy, Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đưa ra định hướng nâng cao dần mức độ độc lập của NHNN.

Do đó, để phù hợp với mục tiêu tổng quát về tái cấu trúc kinh tế, nâng cao năng lực hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế, phù hợp với Quyết định 986/QĐ-TTg, NHNN cho rằng việc không quy định nội dung này tạo điều kiện để NHNN nâng cao tính độc lập, chủ động, linh hoạt về hệ điều hành chính sách tiền tệ như xu thế phát triển chung trên thế giới.

Góp ý này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu./.

Dương An

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/tien-te-bao-hiem/2021-06-09/khong-dat-muc-tieu-giam-lai-suat-cho-vay-trung-binh-bang-asean-4-105462.aspx