Không dạy học trước 5/9, học sinh có 3 tháng nghỉ hè

Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian khai giảng năm học mới là ngày 5/9, các trường không tổ chức dạy học trước khai giảng và thời gian thực học các cấp THCS, THPT là 35 tuần.

Tại cuộc họp báo thông tin về những chỉ đạo, điều hành của ngành giáo dục đào tạo trong 6 tháng đầu năm 2020, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Trần Quang Nam thông tin, Bộ đang xây dựng Dự thảo Quyết định ban hành Khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, thay thế cho Quyết định số 2071/QĐ-BGD&ĐT.

Bộ GD&ĐT sẽ quy định thống nhất các trường công lập không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng (Ảnh minh họa)

Bộ GD&ĐT sẽ quy định thống nhất các trường công lập không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng (Ảnh minh họa)

Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5/9/2020; không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Thời gian tập trung học sinh để chuẩn bị cho khai giảng năm học mới sớm nhất là ngày 1/9/2020.

Theo quy định mới, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. Nếu không chịu tác động của yếu tố khách quan, năm học sẽ kết thúc trước ngày 31/5/2021.

Đặc biệt, quy định này sẽ áp dụng từ năm học 2020-2021 trở về sau, trên tinh thần để học sinh, giáo viên có thêm thời gian nghỉ hè, tham gia các hoạt động trải nghiệm.

Những năm trước, học sinh nghỉ hè từ 31/5 và thường tựu trường vào đầu tháng 8. Học sinh có 2 tháng để nghỉ hè. Với quy định mới, tựu trường sớm nhất từ 1/9, thì học sinh sẽ được nghỉ hè trọn vẹn 3 tháng

Đối với trường tư thục, Bộ GD&ĐT sẽ xem xét, sửa đổi quy định hiện hành (Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT) cho phù hợp hơn.

Riêng năm học 2020 - 2021 kết thúc muộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các trường tư thục có thể báo cáo với sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường nhưng cần lưu ý thời gian cho học sinh nghỉ hè.

Luật Giáo dục có hiệu lực thi hành với nhiều điểm mới

So với quy định Luật Giáo dục hiện hành, Luật Giáo dục, chính thức có hiệu lực từ 1/7, có nhiều điểm mới quan trọng.

Theo đó, về chính sách học phí đối với học sinh diện phổ cập, theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Luật Giáo dục quy định giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục.

Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc (Ảnh minh họa)

Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc (Ảnh minh họa)

Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc (Điều 14).

Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trẻ em mầm non 05 tuổi ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được miễn học phí và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện đối với trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở (Điều 99).

Về quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt đối với học sinh, sinh viên sư phạm, Luật Giáo dục quy định học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí nhà nước đã hỗ trợ.

Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí. Quy định này nhằm khắc phục những hạn chế của chính sách không phải đóng học phí của học sinh, sinh viên sư phạm quy định tại Luật Giáo dục hiện hành (Điều 85).

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/khong-day-hoc-truoc-5-9-hoc-sinh-co-3-thang-nghi-he-d158782.html