Không để ai bị bỏ lại phía sau
Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (NQ68). Theo đó, khoản trợ cấp 26.000 tỉ đồng được Chính phủ xác định hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch.
Trao đổi với Báo Phú Yên về việc triển khai NQ68 trên địa bàn tỉnh, ông Võ Văn Binh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết:
Ông Võ Văn Binh
- Không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ, NQ68 còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Thực hiện NQ68 và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (QĐ23), để kịp thời hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai trên địa bàn tỉnh.
* Đến thời điểm này, việc thực hiện NQ68 và QĐ23 theo kế hoạch của UBND tỉnh được triển khai như thế nào, thưa ông?
- Hiện TP Tuy Hòa và các huyện, thị xã trong tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cho các nhóm đối tượng theo NQ68. Sở LĐ-TB-XH cũng đã có văn bản gửi UBND các địa phương và tập trung triển khai ngay đến các nhóm đối tượng theo NQ68.
Bên cạnh việc tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng là công nhân, người lao động, người sử dụng lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, chính sách hỗ trợ cũng bao phủ tới nhóm đối tượng lao động khu vực phi chính thức, lao động không có giao kết hợp đồng lao động, lao động tự do, trẻ em phải điều trị do mắc COVID-19 hoặc cách ly y tế, người lao động đang mang thai, đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, hướng dẫn viên du lịch, giáo viên thất nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh, hộ kinh doanh có đăng ký thuế…
* Vấn đề cấp thiết hiện nay là làm thế nào để đưa NQ68 sớm đi vào cuộc sống, khẩn trương, kịp thời chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Sở LĐ-TB-XH đã có giải pháp gì, thưa ông?
- Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh tập trung hỗ trợ trước cho những nhóm có thể thực hiện ngay. Trước tiên là hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo là hỗ trợ cho người dân đang cách ly tập trung hoặc đang cách ly điều trị tại các cơ sở y tế các địa phương…
Theo báo cáo Cục Thuế tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 15.490 hộ kinh doanh cá thể. Trong đó, khoảng 90% là hộ đủ điều kiện được hỗ trợ theo NQ68. Chính vì vậy, các địa phương đang tập trung hoàn tất thủ tục để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này trước.
Đối với việc hỗ trợ cho người dân đang cách ly tập trung hoặc cách ly điều trị tại cơ sở y tế các địa phương, các sở ngành cũng đang tích cực hoàn tất thủ tục để ưu tiên hỗ trợ. Qua báo cáo của các địa phương và ngành Y tế, số đối tượng này hiện có hơn 5.000 người. Từ nay đến 30/7, Sở LĐ-TB-XH cùng các sở, ngành liên quan sẽ tập trung giải quyết hỗ trợ cho các nhóm trên.
Các nhóm còn lại căn cứ vào điều kiện, tiêu chí, các doanh nghiệp sẽ rà soát, lên danh sách, có xác nhận của cơ quan BHXH, trên cơ sở đó gửi UBND cấp huyện để báo cáo tỉnh phê duyệt và thực hiện.
Riêng đối với nhóm hỗ trợ cho lao động tự do, Sở LĐ-TB-XH đã phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng UBND các địa phương thống nhất về tiêu chí, đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ cho các đối tượng này. Chúng tôi đang chờ quyết định của UBND tỉnh.
* Các nhóm đối tượng đã được quy định rõ ràng. Vậy việc giải ngân sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- NQ68 đã quy định cụ thể 11 nhóm đối tượng được hỗ trợ và cũng chỉ rõ nguồn kinh phí thực hiện. Cơ quan tài chính có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh bố trí và phân bổ về các địa phương để hỗ trợ cho các đối tượng. Riêng nhóm lao động tự do, kinh phí hỗ trợ thuộc ngân sách của địa phương.
Ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, nhiều tiểu thương ở chợ phường 7 (TP Tuy Hòa) tạm nghỉ buôn bán. Ảnh: KIM CHI
Qua rà soát, đối tượng này trên địa bàn tỉnh có khoảng 22.000 người, kinh phí dự kiến hỗ trợ gần 30 tỉ đồng. Sở LĐ-TB-XH đã làm việc với các sở, ngành liên quan, đặc biệt là Sở Tài chính, để sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định, các địa phương rà soát, tổng hợp, báo cáo thì UBND tỉnh sẽ đảm bảo cân đối để giải quyết kịp thời cho bà con.
* Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi đang thực hiện giãn cách xã hội. Theo ông, làm thế nào để chuyển tiền hỗ trợ cho các nhóm đối tượng vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa an toàn cho người dân?
- Việc chuyển kinh phí trợ cấp chi trả trực tiếp cho người dân đã được quy định và hướng dẫn cụ thể trong NQ68. Trước hết là ưu tiên chi trả thông qua hệ thống không dùng tiền mặt (chi trả qua ATM). Theo tôi, trên tinh thần NQ68 thì người lao động, hộ kinh doanh hầu hết đều có tài khoản hoặc thẻ ATM, nên tỉnh sẽ tập trung và ưu tiên chi trả thông qua hệ thống này.
Còn lại những trường hợp khác không có tài khoản hoặc chưa tiếp cận được qua hình thức chi trả này thì các địa phương sẽ chi trả bằng tiền mặt, nhưng phải đảm bảo đầy đủ các quy định về giãn cách xã hội, đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo quyết định của các cơ quan, ban ngành. Việc triển khai hỗ trợ đảm bảo nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để ai bị bỏ lại phía sau.
* Xin cảm ơn ông!
Sở LĐ-TB-XH tham mưu UBND tỉnh tập trung hỗ trợ trước cho những nhóm mà có thể triển khai thực hiện ngay. Trước tiên là hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo là hỗ trợ cho người dân đang cách ly tập trung hoặc đang cách ly điều trị tại cơ sở y tế các địa phương…
KIM CHI (thực hiện)
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/261550/khong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau.html