Không để ai quá khổ!

Trong Hội nghị Chính phủ với địa phương, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cơ quan trong hệ thống tài chính quốc gia tổ chức 'bơm' thêm tiền lo an sinh xã hội, không để ai quá khổ, quá khó khăn vì đại dịch Covid-19...

Thủ tướng gợi ý sử dụng các công cụ hỗ trợ như Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, quỹ phát triển việc làm một cách hiệu quả trong giai đoạn này để sớm ổn định và chăm lo cho người lao động.

Sáu tháng đầu năm 2020 là một thách thức lớn đối với Chính phủ trong việc điều hành phát triển kinh tế trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Tất cả các hoạt động giao thương quốc tế bị đình trệ vì đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến Việt Nam, tuy nhiên, tăng trưởng của Việt Nam dù thấp nhưng vẫn đứng đầu thế giới vì tăng trưởng thế giới đang ở mức âm.

Có thể thấy, việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 và ổn định kinh tế đã khiến Việt Nam trụ vững trong khi nhiều nền kinh tế lớn của thế giới lao đao. Trong khó khăn, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đã có được sự tin tưởng hỗ trợ lẫn nhau vượt qua thách thức. Đây như một chiến thắng kép cho chính phủ, là thành công khiến người dân thêm tin tưởng vào bộ máy lãnh đạo của Nhà nước và nâng tầm uy tín của Việt Nam trên trường Quốc tế. Câu slogan: “Không một ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, với nhiều hành động, việc làm thiết thực của chính phủ như: gói hỗ trợ 62 ngàn tỷ cho người lao động, đưa người Việt ở nước ngoài về nước, miễn phí khám chữa bệnh cho người bị nhiễm bệnh Covid-19, miễn phí cho những người bị cách ly... đã khiến hình ảnh Việt Nam đẹp nhân văn hơn hẳn.

 Hội nghị Chính phủ với địa phương, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2020 - Ảnh: VGP

Hội nghị Chính phủ với địa phương, đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2020 - Ảnh: VGP

Để có được thành quả đó, có sự cố gắng rất lớn từ các Bộ, Nghành, từng địa phương và sự đồng hành của Doanh nghiệp, người dân cả nước. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn đang ở phía trước khi mà tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn đang diễn biến phức tạp. Những nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục, tăng trưởng vẫn đang ở mức âm và nhiều nghành kinh tế chưa có dấu hiệu khôi phục hoạt động. Đó cũng là một thách thức cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng với sự linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, vận dụng thông minh dựa trên tình hình thực tiễn của lãnh đạo các Bộ nghành, doanh nghiệp và sự cần cù chịu khó sáng tạo của người dân, chúng ta có thể tin tưởng rằng sẽ vượt qua năm 2020 với sự phát triển ổn định của kinh tế, xã hội trong cả nước. Để đầu tư phát triển kinh doanh, thúc đẩy thu nhập, vai trò của các doanh nghiệp rất quan trọng, Chính phủ, các Bộ nghành, địa phương cần tập trung hỗ trợ hiệu quả các loại hình doanh nghiệp và thành phần kinh tế, không để đứt gãy kinh tế.

“Sức bật và sự năng động của kinh tế tư nhân là vấn đề rất lớn. Các đô thị lớn cũng phải là đầu tàu của cả nước”, Thủ tướng đã tổng kết, ông cũng mong muốn các địa phương đầu tàu như Hà Nội, TPHCM phải sáng tạo, linh hoạt và có thêm các quyết sách thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, gánh một phần không nhỏ cho nền kinh tế cả nước và đảm bảo an sinh xã hội.

Đan Hà

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/goc-nhin-cong-ly/khong-de-ai-qua-kho-48632.html