Không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở!

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục tập trung cao độ ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở đất và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống

Chiều 9-9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp chỉ đạo việc tập trung khắc phục hậu quả và chủ động ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất do ảnh hưởng của bão số 3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì cuộc họp.

Chủ động ứng phó

Sau khi nghe đại diện Văn phòng Trung ương Đảng báo cáo nhanh tình hình thiệt hại sau bão số 3, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện ngay trước mắt, cũng như công việc cần phải chuẩn bị về lâu dài trên tinh thần bảo đảm an toàn và ổn định đời sống người dân là trên hết, trước hết.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục tập trung cao độ thực hiện kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3 với 5 mục tiêu. Thứ nhất, tập trung cao độ cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số. Thứ hai, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa; không để học sinh thiếu lớp, thiếu trường; không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh. Thứ ba, khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác. Thứ tư, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời. Cuối cùng là ứng phó hậu quả của hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún...

Sạt lở đất ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: QUỐC HỒNG

Sạt lở đất ở thôn Hòa Sử Pán 1, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: QUỐC HỒNG

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục huy động tối đa nguồn lực và các lực lượng để ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Trước mắt, các địa phương vùng bị ảnh hưởng bão hạn chế các hoạt động khác, tập trung cứu trợ, cứu nạn; tiếp cận nhanh người dân ở vùng bị chia cắt để hỗ trợ đồ ăn, nước sạch; hỗ trợ kịp thời gia đình khó khăn, có người già, trẻ nhỏ, người ốm đau... Các lực lượng chủ động bám sát tình hình để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã ký Quyết định của Thủ tướng về việc hỗ trợ khẩn cấp khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ 100 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho 5 địa phương để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống cho người dân sau cơn bão số 3, gồm Nam Định: 20 tỉ đồng, Thái Bình: 30 tỉ đồng, Hải Dương: 20 tỉ đồng, Yên Bái: 20 tỉ đồng và Hưng Yên: 10 tỉ đồng. Riêng tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng đã báo cáo về việc tự cân đối nguồn lực của địa phương để khắc phục hậu quả của bão.

Ít nhất 71 người chết, mất tích

Hoàn lưu bão số 3 đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hàng loạt địa phương ở khu vực miền núi phía Bắc.

Từ ngày 7 đến 9-9, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có mưa lớn tại nhiều địa phương như TP Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Văn Bàn, huyện Bảo Thắng, huyện Bát Xát... Theo thống kê ban đầu, mưa lũ làm 23 người chết, 13 người bị thương; hư hỏng 444 nhà ở; hơn 700 ha đất trồng, thủy sản bị thiệt hại; nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, công trình thủy lợi bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, ngày 9-9, tại buổi kiểm tra, làm việc với huyện Bát Xát, ông Trịnh Xuân Trường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai - yêu cầu huyện tiếp tục huy động lực lượng "4 tại chỗ" để tích cực tìm kiếm, cứu trợ nạn nhân của bão và khẩn trương di chuyển, cưỡng chế các hộ thuộc diện phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Chủ động các phương án phòng chống thiên tai, ứng phó với diễn biến thời tiết trong những ngày tới.

Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TTXVN

Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Ảnh: TTXVN

Tại tỉnh Yên Bái, mưa lũ đã khiến 3 người tử vong. Ngoài ra, 5.687 nhà tại các huyện Mù Cang Chải, Yên Bình, Trạm Tấu, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, TP Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ bị sập đổ, hư hỏng; 1.914,71 ha cây trồng bị thiệt hại; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở, chia cắt; nhiều xã, thôn, bản bị cô lập hoàn toàn.

Ông Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái - cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực địa một số địa điểm ngập úng cục bộ; thăm hỏi, động viên, trấn an người dân. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các cấp huy động lực lượng, phương tiện đường thủy, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhu yếu phẩm, giúp người dân ổn định cuộc sống.

Với tỉnh Cao Bằng, mưa lũ cũng gây ra hậu quả nghiệm trong về người và tài sản. Đặc biệt, sáng 9-9, trên Quốc lộ 34 thuộc địa phận xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, một xe khách của Nhà xe Việt Trang đang lưu thông thì gặp sạt lở đất tràn xuống mặt đường. Chiếc xe bị rơi xuống vực cao trên 300 m, trong xe chở khoảng 20 người. Đến chiều 9-9, cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể 4 nạn nhân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết qua báo cáo nhanh từ các địa phương phía Bắc, tính đến chiều 9-9, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã làm 49 người chết, 22 người mất tích và 732 người bị thương. Bên cạnh đó, 136.228 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 26.252 ha hoa màu bị ảnh hưởng; 6.887 ha cây ăn quả bị hư hại; trên 1.536 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.

Hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất

Thăm hỏi đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng bởi bão số 3, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong cơn bão dữ, tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", tình yêu thương đồng bào, bản lĩnh sức mạnh của lực lượng vũ trang, tinh thần quả cảm của nhân dân đã góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, nhất là những nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc "tình dân tộc, nghĩa đồng bào".

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung cao độ triển khai các kế hoạch, phương án khắc phục hậu quả bão số 3. Trong đó, lưu ý bảo đảm an ninh trật tự, xử lý nghiêm hành vi gây mất an ninh, trật tự, trục lợi liên quan hỗ trợ đền bù thiệt hại.

Đồng thời, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước phát huy mạnh mẽ "tình dân tộc, nghĩa đồng bào", hỗ trợ cao nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất, đến tận tay các gia đình bị thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

B.T.V

Đề phòng lũ đặc biệt lớn, lũ khẩn cấp

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia vừa phát đi cảnh báo lũ đặc biệt lớn và lũ khẩn cấp trên nhiều sông ở phía Bắc.

Theo đó, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái duy trì ở trên mức báo động 3; lũ trên sông Cầu tiếp tục lên trên báo động 2; sông Thương lên mức báo động 3; sông Thái Bình tiếp tục lên trên báo động 1.

Lũ trên sông Lô tại Tuyên Quang tiếp tục lên nhanh, vượt mức báo động 3 vào sáng 10-9 và tại Phú Thọ tiếp tục lên nhanh, vượt mức báo động 3 vào chiều 10-9. Đến đêm 10-9, lũ trên sông Cầu tiếp tục lên mức báo động 3, sông Thương lên trên báo động 3, sông Thái Bình tiếp tục lên trên báo động 2 và trên sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên nhanh ở mức báo động 1.

Từ nay đến ngày 11-9, trên các sông khác ở khu vực Bắc Bộ xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La lên mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái...; lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc ở khu vực vùng núi Bắc Bộ, Thanh Hóa.

Ngày 10-9, vùng núi và trung du Bắc Bộ sẽ tiếp tục có mưa rất lớn nên nguy cơ rất cao xảy ra lũ lớn, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét và ngập lụt cục bộ.

PHẠM DƯƠNG - VĂN DUẨN - LÊ THÚY

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khong-de-ai-thieu-an-thieu-mac-thieu-cho-o-196240909222222402.htm