Không để bến thủy nội địa không phép tồn tại

Địa bàn Đồng Nai hiện có nhiều bến thủy nội địa hoạt động tập trung chủ yếu dọc các tuyến sông. Trong đó, có một số bến không phép vẫn hoạt động lén lút. Tình trạng này không chỉ dẫn tới nguy cơ gây ra tai nạn giao thông đường thủy mà còn là nơi chứa chấp, tiêu thụ vật liệu xây dựng của những đối tượng khai thác trái phép.

Một bến thủy nội địa có giấy phép hoạt động trên sông Đồng Nai, đoạn qua P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải

Một bến thủy nội địa có giấy phép hoạt động trên sông Đồng Nai, đoạn qua P.Tân Hạnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: T.Hải

* Còn nhiều bến không phép hoạt động

Theo Sở TN-MT, trên địa bàn tỉnh hiện có 85 đơn vị, bến bãi hoạt động kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đá), trong đó có 38 bến thủy có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, 47 bến bãi chưa có giấy phép hoạt động. Các địa phương có nhiều bến thủy nội địa không phép như: TP.Biên Hòa (18 bến), H.Vĩnh Cửu (5 bến), H.Long Thành (8 bến), H.Nhơn Trạch (8 bến)…

Trong khi đó, qua báo cáo của Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 32 trường hợp và buộc đình chỉ hoạt động tại 15 bến thủy nội địa hoạt động trái phép, tự phát trên địa bàn tỉnh với số tiền hơn 300 triệu đồng. Dù lực lượng chức năng đã xử phạt các trường hợp vi phạm cũng như đóng cửa các bến trái phép nhưng vì lợi nhuận “khủng” từ việc kinh doanh này mà các bến bãi vẫn hoạt động bất chấp quy định của pháp luật.

Các cơ quan chức năng nhận định, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động mua bán vật liệu xây dựng tại các bến thủy nội địa không phép khó xử lý đó chính là mức phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, cần tăng chế tài xử phạt ở mức cao hơn nhằm ngăn chặn việc khai thác, chứa chấp, làm nơi tiêu thụ vật liệu xây dựng không phép.

Theo các cơ quan chức năng, việc xử lý những bến thủy nội địa không phép hoạt động khá phức tạp, bởi Đồng Nai là tỉnh có hệ thống sông ngòi khá dày, phương tiện đường thủy đa dạng và đông đúc. Nhiều tuyến có mật độ cảng, bến thủy nội địa tập trung lớn khiến công tác xử lý gặp nhiều khó khăn.

Ghi nhận thực tế cho thấy, trên sông Đồng Nai đi qua địa bàn các phường: Tân Hạnh, Hóa An, Bửu Hòa, Bửu Long… của TP.Biên Hòa vẫn còn các bến thủy kinh doanh vật liệu xây dựng hoạt động không phép. Tình trạng này diễn ra nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm gây bức xúc dư luận xã hội.

Theo một cán bộ công an thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh, tại các bến này, cát, đá được cần cẩu vận chuyển từ sà lan lên bờ, sau đó chuyển lên xe tải ben chở về các công trình, hoặc điểm bán vật liệu xây dựng. Không chỉ hoạt động “chui” vào ban đêm mà một số bến còn ngang nhiên hoạt động cả ban ngày. Minh chứng là hằng ngày xe tải chở vật liệu xây dựng vẫn di chuyển vào ra các bến thủy nội địa này.

Khi hoạt động thì các bến thường tổ chức mua cát, đá vào ban đêm bằng đường sông; ban ngày cho xe chở hàng từ bến đến các nơi tiêu thụ. Một số trường hợp khi bị lực lượng chức năng phát hiện đã phóng xe bỏ chạy nhằm trốn tránh việc bị xử lý. Nhiều chủ bến tìm cách đối phó như: không thường xuyên hoạt động, ngưng hoạt động một thời gian hay đóng cửa, vắng chủ doanh nghiệp…

* Cần giám sát chặt chẽ, xử lý triệt để

Hiện nay, việc cấp phép và giám sát hoạt động các bến thủy nội địa ngoài các lực lượng chức năng thì còn có vai trò của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác này chưa được thực hiện quyết liệt. Các bến thủy nội địa không phép vẫn hoạt động và tồn tại suốt thời gian dài nhưng không được phát hiện và ngăn chặn kịp thời. Nhiều người cho rằng, chính sự quản lý thiếu chặt chẽ nên trên địa bàn tỉnh vẫn còn các bến thủy nội địa không phép hoạt động.

Việc tồn tại các bến thủy không phép đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an toàn giao thông đường thủy. Ở một số bến còn là nơi tập kết, thu mua cát của “cát tặc” góp phần gây nên sự sạt lở trên một số đoạn sông, ảnh hưởng đến dòng chảy và an toàn giao thông đường thủy.

Chánh thanh tra giao thông Sở GT-VT Nguyễn Phan Trong cho biết, để tăng cường công tác quản lý tại các bến thủy nội địa nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, Thanh tra giao thông đã tiến hành ra quân kiểm tra về tình hình hoạt động bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Thời gian qua, các lực lượng liên ngành gồm: Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đường thủy, Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực III… còn phối hợp, tăng cường kiểm tra các cảng, bến có phép, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng trái phép.

Cùng với đó, lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan lĩnh vực hoạt động đường thủy đến chủ bến, chủ khai thác bến và người lái phương tiện. Đồng thời, kiên quyết xử lý các phương tiện không đảm bảo đủ điều kiện an toàn giao thông vào cảng, bến bốc dỡ cũng như rời bến.

“Ngoài việc kiên quyết đóng cửa những bến hoạt động “chui”, các bến này sẽ được tiến hành bàn giao cho chính quyền địa phương giám sát. Đặc biệt sẽ kiến nghị các địa phương lắp camera tại các khu vực có nhiều bến thủy hoạt động để theo dõi không để các bến này tái hoạt động” - ông Trong nhấn mạnh.

Thanh Hải

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/khong-de-ben-thuy-noi-dia-khong-phep-ton-tai-3034214/