Không để bệnh khảm lá sắn lây lan ra diện rộng

Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), đến thời điểm này toàn tỉnh đã có hơn 230 diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Để kịp thời khống chế dịch bệnh, công tác phòng trừ và nghiên cứu giống sắn thay thế đang được các cơ quan chuyên môn tích cực triển khai.

 Kiểm tra cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.Q

Kiểm tra cây sắn bị nhiễm bệnh khảm lá tại xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng - Ảnh: T.Q

Trao đổi với chúng tôi khi đang chăm sóc, làm cỏ cho diện tích trồng sắn hơn 5 sào của gia đình, bà Hoàng Thị Kim ở tại thôn Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng cho biết, sau khi xuống giống được khoảng 1 tháng, hầu hết các cây sắn trong ruộng của bà đã bị nhiễm bệnh khảm lá với các dấu hiệu đặc trưng như mặt lá cây sắn bị xoăn, cong queo, nhăm nhúm, vàng loang lổ. Theo bà Kim, có khả năng nguồn bệnh đã nhiễm trong đất do năm nay gia đình bà sử dụng hom giống mới được hợp tác xã (HTX) cung cấp về nhưng dịch bệnh vẫn xảy ra. “Theo hướng dẫn của UBND xã thì cần nhổ bỏ mang đi tiêu hủy những cây nhiễm bệnh nhưng gia đình vẫn chưa thực hiện do chưa biết trồng cây gì thay thế cho hiệu quả. Còn trồng lại cây sắn thì có khả năng dịch bệnh sẽ tiếp diễn. Thời vụ trồng cũng đã trễ, nếu trồng sẽ không kịp thu hoạch trước mùa mưa bão”, bà Kim cho hay.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Chánh Bùi Đức Hòa cho biết, sau gần 3 tháng xuống giống thì đến thời điểm này, trong gần 160 ha diện tích trồng sắn toàn xã đã có khoảng 30% diện tích bị nhiễm bệnh khảm lá sắn với biểu hiện mặt lá cây sắn bị xoăn lại, có màu vàng loang lổ. Theo ông Hòa, để khống chế dịch bệnh, UBND xã đã khẩn trương chỉ đạo các HTX hướng dẫn các biện pháp phòng trừ như nhổ bỏ mang đi tiêu hủy những cây bị bệnh; phun thuốc diệt bọ phấn trắng là môi giới truyền bệnh. Đồng thời, vận động nông dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như ngô, lạc… phù hợp theo từng chân đất. Tuy nhiên, do không được hỗ trợ của nhà nước, đất trồng sắn đa số là đất xấu, không phù hợp với các loại cây trồng khác nên người dân vẫn để lại tiếp tục chăm sóc, bón phân để cây sắn có thể phục hồi và cho thu hoạch. “Bình quân 1 ha trồng sắn nếu chăm sóc tốt có thể cho thu nhập từ 40 - 45 triệu đồng; nếu năng suất có giảm đến 50% thì vẫn thu được 20 triệu đồng/ ha. Do vậy, hầu hết người dân không tiêu hủy mà vẫn tiếp tục chăm sóc các diện tích bị bệnh khảm lá”, ông Hòa thông tin thêm.

Dự báo bệnh khảm lá sắn có khả năng lây lan nhanh và bùng phát thành dịch trong thời gian tới. Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn thông tin, trước những diễn biến phức tạp của bệnh khảm lá sắn, đơn vị đã tăng cường cán bộ về các địa phương trực tiếp kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn nông dân cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ, xử lý. Đồng thời, đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo nông dân trồng dặm lại bằng hom giống sạch bệnh hoặc nghiên cứu có kế hoạch chuyển đổi cây trồng khác nhằm hạn chế bỏ đất trống không sản xuất. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân nhập, gieo trồng giống sắn nhập từ các tỉnh khác về phải khai báo để thực hiện các biện pháp kiểm dịch.

Theo Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV Bùi Phước Trang, bệnh khảm lá sắn là một loại bệnh nguy hiểm, làm mất trắng hoặc giảm năng suất từ 30 - 70% tùy theo giai đoạn xâm nhập của bệnh vào cây sắn. Bệnh phát tán và lây lan nhanh chóng qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.

Hiện tại chưa có thuốc đặc trị để phòng trừ. Do vậy, ngay từ đầu niên vụ mới, Chi cục TT&BVTV đã tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền đến hộ trồng sắn nhận biết biểu hiện, tác hại của bệnh khảm lá sắn và các giải pháp phòng trừ hiệu quả. Hướng dẫn nông dân vùng bị nhiễm bệnh tiến hành thu gom toàn bộ tàn dư cây sắn sau thu hoạch để tiêu hủy bằng cách đốt, chôn… để tiêu diệt nguồn bệnh; không để tàn dư cây sắn bị bệnh trên các bờ thửa, hàng rào vì đây là nguồn bệnh sẽ lây lan cho vụ sau.

Phối hợp với các địa phương trong việc kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn từ các tỉnh khác đến; hướng dẫn nông dân tuyệt đối không mua, bán, trao đổi, vận chuyển hom sắn từ các vùng bị bệnh về làm giống; nghiêm cấm việc vận chuyển thân, lá sắn từ nơi nhiễm bệnh sang các địa phương khác, đồng thời cung cấp thông tin những khu vực, diện tích sắn đã bị nhiễm bệnh để người dân biết không sử dụng nguồn giống sắn đó để làm giống. Khuyến khích người dân tập trung trồng các giống sắn có năng suất cao, chống chịu tốt với bệnh như KM94, KM98-1…; không trồng các giống sắn mẫn cảm với bệnh khảm lá sắn như HLS-11, HLS-12, KM 419, KM60, KM140.

Ông Trang cho biết, đến thời điểm này toàn tỉnh đã trồng được hơn 10.000 ha sắn, trong đó có hơn 230 ha bị nhiễm bệnh khảm lá với tỉ lệ bệnh phổ biến từ 7 - 10%, nơi cao 50%, cục bộ có nơi lên đến 70 - 100%, tập trung chủ yếu ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và thị xã Quảng Trị. Bệnh phát sinh chủ yếu trên các vườn sử dụng giống tự để lại của các vùng bị bệnh năm trước. Cộng với tâm lý chần chừ, “tiếc công, tiếc của” khi phải nhổ bỏ số sắn nhiễm bệnh do chưa hiểu đúng bản chất bệnh, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh chóng. Để hạn chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng, ông Trang đề nghị các địa phương cần chỉ đạo nông dân kiên quyết nhổ bỏ và tiêu hủy cây sắn bị nhiễm bệnh; trồng lại bằng hom giống sạch bệnh; nếu thiếu giống sắn thì có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây khác như ngô, rau đậu các loại. Nếu phát hiện có bọ phấn thì tiến hành phun thuốc trừ bọ phấn trên ruộng sắn bị nhiễm bệnh và những ruộng xung quanh để ngăn chặn bọ phấn di chuyển sang nơi khác truyền bệnh. Đối với những vùng chưa phát hiện bệnh và chuẩn bị trồng mới cần tăng cường hướng dẫn các biện pháp phòng chống; tiến hành ra soát kỹ các diện tích trồng sắn để kịp thời phát hiện, tiêu hủy nguồn bệnh; kiểm soát chặt chẽ nguồn giống, tuyệt đối không sử dụng hom sắn ở các vùng đã bị bệnh khảm lá sắn để làm giống.

Ông Trang cho biết thêm, hiện nay, Chi cục TT&BVTV đang triển khai trồng thử nghiệm 2 giống sắn HN3 và HN5 tại các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh trên diện tích 1 ha. Đây là 2 giống sắn được đánh giá có khả năng kháng bệnh khảm lá sắn tốt; đã được trồng thử nghiệm tại tỉnh Tây Ninh, nơi có áp lực bệnh rất cao nhưng 2 giống này vẫn cho năng suất và hàm lượng tinh bột tương đương với các giống khác như KM94, KM140… “Trên cơ sở đánh giá khả năng sinh trưởng, thích ứng với điều kiện khí hậu đất đai… của 2 giống sắn HN3 và HN5, Chi cục TT&BVTV sẽ có phương án nhằm nhân rộng trong các niên vụ tới”, ông Trang nhấn mạnh.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156980&title=khong-de-benh-kham-la-san-lay-lan-ra-dien-rong