Không để cá nhân có thu nhập khủng từ YouTube, Google, Facebook... 'quên' nộp thuế

Việc cơ quan thuế sẽ làm việc với các công ty đối tác của Facebook, Google, YouTube… tại Việt Nam thay vì làm trực tiếp với từng cá nhân như trước đây, được kỳ vọng sẽ là giải pháp này gia tăng hiệu quả thu thuế thương mại điện tử trong thời gian tới.

Doanh thu khủng nhưng “quên” đóng thuế

Những năm trở lại đây, việc sản xuất video, mở kênh YouTube kiếm tiền đã trở thành một nghề thu hút nhiều người tham gia. Để thu hút người xem, tăng nguồn thu, không ít cá nhân đã sản xuất, đăng tải nhiều nội dung giật gân, phản cảm.

Gần đây nhất là sự việc YouTuber Thơ Nguyễn (Nguyễn Thị Hồng Thơ) đã đăng tải 2 clip có nội dung về búp bê giống Kumanthong lên mạng xã hội TikTok, gây bức xúc dư luận.

Bên cạnh nội dung của nhiều kênh YouTube “có vấn đề” dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến việc chấp hành pháp luật thuế của các YouTuber này khi thời gian qua, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều trường hợp cá nhân có thu nhập “khủng” từ kinh doanh qua mạng hoặc phát sinh doanh thu từ YouTube cá nhân nhưng “quên” kê khai thuế.

Điển hình như Cục Thuế TP.HCM phát hiện và truy thu thuế của một cá nhân kênh YouTube có thu nhập lên 19 tỷ đồng từ năm 2016 - 2018; một trường hợp khác nhận thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 – 2017; hay một cá nhân ở tỉnh Quảng Nam thu nhập 17 tỷ đồng…

Riêng với trường hợp YouTuber Thơ Nguyễn, đại diện Tổng cục Thuế cho biết đã có kết quả ban đầu về rà soát, kiểm tra việc chấp hành nghĩa vụ thuế của YouTuber này.

Theo đó, trong các năm 2019, 2020 và 2021, Nguyễn Thị Hồng Thơ (YouTuber Thơ Nguyễn) đã kê khai, nộp thuế, với số tiền khoảng 2 tỷ đồng. Cơ quan thuế sẽ tiếp tục xác minh, rà soát việc chấp hành thuế của YouTuber Thơ Nguyễn để có kết luận cuối cùng.

Hiện kênh YouTube Thơ Nguyễn đang có tới hơn 8,7 triệu lượt đăng ký theo dõi, trong đó có nhiều nội dung hướng đến đối tượng là trẻ em. Theo trang Social Blade (website theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội), kênh của Thơ Nguyễn thu về hơn 1,7 tỷ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng. Qua đó, doanh thu tương đương 16 tỷ đồng/năm.

YouTuber Thơ Nguyễn là một trong những người có doanh thu lớn nhất từ YouTube tại Việt Nam

YouTuber Thơ Nguyễn là một trong những người có doanh thu lớn nhất từ YouTube tại Việt Nam

Cùng với Thơ Nguyễn, thống kê của Social Blade cũng cho thấy nhiều YouTuber khác có doanh thu khủng như: Tony TV 21 tỷ đồng; Pdq Troll 10 tỷ đồng; Hành tinh đồ chơi doanh thu 9,5 tỷ đồng; Hậu Hoàng 9 tỷ đồng…

Sẽ khấu trừ từ các công ty đối tác

Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số trên, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020) đã quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng sẽ nộp 7% tính trên doanh thu.

Để tăng cường quản lý thuế đối với các cá nhân, tổ chức này, Tổng cục Thuế cho biết, đã có nhiều văn bản chỉ đạo cục thuế các địa phương tăng cường nhiều giải pháp quản lý thu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo đó, các cá nhân có thu nhập khủng từ các trang mạng xã hội đều đã được cơ quan thuế nắm bắt, theo dõi.

Trước đây, các cá nhân nhận được thu nhập từ những hoạt động trên các nền tảng này sẽ tự kê khai và nộp thuế. Tuy nhiên, từ 5/12/2020, Nghị định 126 hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực đã thêm quy định mới về trách nhiệm của công ty đối tác trong nước của Google, Facebook, YouTube... có mặt tại Việt Nam thực hiện khấu trừ, kê khai và nộp thay thuế cho cá nhân trong nước.

Riêng trường hợp các cá nhân trong nước nhận tiền trực tiếp từ Google, Faceboo, YouTube... thì cá nhân tự khai và nộp thuế.

Cơ quan thuế các địa phương cũng đã phối hợp với các ngân hàng thương mại để kiểm soát dòng tiền từ nước ngoài chuyển về cho các tổ chức, cá nhân (thực chất là chi trả lợi tức, thu nhập, lương…)

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thuế như trên, Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua, ngành Thuế đã thu được một số kết quả đáng khích lệ, nhất là với mô hình hoạt động kinh doanh dịch vụ quảng cáo trực tuyến của các tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như Google, YouTube, Facebook.

Cụ thể, năm 2020, số thu từ các tổ chức Việt Nam ký hợp đồng quảng cáo trên mạng với tổ chức nước ngoài đã thực hiện khấu trừ nộp thay cho các tổ chức nước ngoài số chi phí quảng cáo trên mạng là 1.143 tỷ đồng (trong đó thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng).

Trong đó, riêng tại Cục Thuế Hà Nội, tính đến tháng 12/2020, hệ thống dữ liệu của ngành Thuế đã quản lý thu của các cá nhân có hoạt động từ Google, Facebook. Youtube… với tổng doanh thu của các cá nhân nhận lên tới 2.200 tỷ đồng. Trong đó, đã có 333 cá nhân đã nộp thuế với số thuế đã nộp là 148 tỷ đồng, cá biệt, một cá nhân có doanh thu hơn 330 tỷ đồng đã nộp số thuế 23 tỷ đồng.

Hà Loan

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/khong-de-ca-nhan-co-thu-nhap-khung-tu-youtube-google-facebook-quen-nop-thue-post460626.antd