Không để có đơn vị xuất dầu thô, đơn vị khác lại phải nhập để chế biến
Trước tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi lại xuất khẩu dầu thô, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này.
Sáng ngày 11/3, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã có buổi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) để nghe báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như giải quyết đề xuất, kiến nghị của Petrovietnam.
Theo báo cáo của Tập đoàn do Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng trình bày, năm 2021, hoạt động sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn được duy trì ổn định, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Trữ lượng dầu khí gia tăng đạt 14,15 triệu tấn quy dầu, vượt 17,9% kế hoạch năm. Khai thác dầu thô đạt 10,97 triệu tấn, vượt 1,25 triệu tấn, (vượt 12,8%) kế hoạch năm.
Sản xuất phân bón đạt 1,91 triệu tấn, vượt 286.000 tấn (vượt 18%) kế hoạch năm. Sản xuất xăng dầu đạt 6,37 triệu tấn, vượt 0,1% kế hoạch năm.
Tổng doanh thu đạt 627.200 tỷ đồng, vượt 28% kế hoạch năm, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020.
Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn đạt 112.500 tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đạt khoảng 46.000 tỷ đồng, vượt 2,7 lần kế hoạch năm, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020.
"Trong 2 tháng đầu năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam luôn bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu kế hoạch đề ra. Tất cả các đơn vị trong Tập đoàn đều hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, thông suốt", ông Lê Mạnh Hùng nói. Trong đó, khai thác dầu tháng 2 đạt 0,84 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch; lũy kế 2 tháng đạt 1,78 triệu tấn, vượt 24% kế hoạch.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 2/2022 ước đạt 54.980 tỷ đồng, vượt 26% kế hoạch tháng, lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 118.7300 tỷ đồng, vượt 34% kế hoạch 2 tháng và tăng 46% so với cùng kỳ 2021.
Nộp ngân sách toàn Tập đoàn 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 18.000 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch 2 tháng và tăng 48% so với cùng kỳ 2021.
Tại buổi làm việc, Petrovietnam cũng đã báo cáo Phó thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện các dự án Nhiệt điện: Thái Bình 2, Long Phú 1, Nhơn Trạch 3 & 4, Miền Trung 1 & 2; đồng thời kiến nghị những khó khăn, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.
Cũng trước diễn biến phức tạp của giá dầu thế giới, Phó thủ tướng đề nghị Tập đoàn rà soát lại kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính, lợi nhuận của năm 2022, với tinh thần là "thời cơ đến thì phải tiến công". Tập đoàn phấn đấu tăng trưởng 10% so với năm 2021.
Hiện có thực tế là giá dầu thô đang ở mức cao; xu thế toàn cầu đang nỗ lực chuyển đổi, giảm nhanh các nguồn năng lượng hóa thạch để ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Do đó, giá trị của các nguồn năng lượng hóa thạch nếu không được phát huy ở thời điểm hiện tại sẽ vĩnh viễn mất đi trong tương lai.
Trữ lượng dầu khí của nước ta đứng thứ 26 thế giới (khoảng 1,5 tỷ m3) nhưng sản lượng khai thác hiện nay chỉ đứng thứ 34 thế giới. Như vậy, tốc độ hiện thực hóa tiềm năng dầu khí chưa cao. Phó Thủ tướng cho rằng, "phải đưa được nguồn tài nguyên này vào phục vụ nền kinh tế hiệu quả nhất, phải chế biến sâu hiệu quả nhất".
Hiện nay, Việt Nam vẫn đang xuất khẩu phần lớn dầu thô khai thác được, trong khi phải nhập khẩu chủng loại khác để chế biến. Tổng công suất của cả hai nhà máy lọc dầu cũng chỉ đáp ứng 70% nhu cầu thị trường trong nước.
Phó thủ tướng yêu cầu Petrovietnam
khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu Công nghiệp Long Sơn để bảo đảm đáp ứng đủ
nhu cầu xăng dầu trong nước.
Đặt vấn đề về tình trạng phải nhập khẩu dầu thô để lọc hóa trong khi lại xuất khẩu dầu thô, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành có biện pháp tháo gỡ vướng mắc này, "dứt khoát phải đổi mới, nếu vướng ở cơ chế, chính sách thì sửa cơ chế, chính sách. Không thể có chuyện trong cùng tập đoàn mà vừa khai thác, xuất khẩu dầu thô, trong khi đơn vị khác lại phải đi nhập khẩu dầu thô để chế biến".
Do đó, Phó thủ tướng yêu cầu Tập đoàn khẩn trương đầu tư xây dựng dự án tại Khu công nghiệp Long Sơn để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu xăng dầu trong nước.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Tập đoàn xây dựng Đề án Phát triển điện gió ngoài khơi để phát huy kinh nghiệm, trang thiết bị và công nghệ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng phương án khai thác hiệu quả nguồn khí khai thác được để bảo đảm hiệu quả cao nhất.
PVN cũng được yêu cầu tập trung chỉ đạo, có phương án xử lý dứt điểm các dự án đầu tư kém hiệu quả, trước mắt sớm đưa các nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1 vào hoạt động.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ này, đòi hỏi lãnh đạo và từng cán bộ, công nhân viên Tập đoàn phải có tầm nhìn dài hạn, có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, có động lực, bản lĩnh và khát vọng phát triển ngành dầu khí Việt Nam.