Không dễ cô lập Nga

Sự né tránh của nhiều quốc gia, bao gồm cả những đồng minh quan trọng như Ấn Độ, đối với việc ủng hộ các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine, đã phần nào phơi bày thực tế ảnh hưởng của phương Tây trên toàn thế giới.

Từ Con đường Ấn Độ

Cuối tháng 3 vừa qua, cả Mỹ, Anh và Nga đã cử các phái đoàn tới Ấn Độ để tập hợp sự ủng hộ đối với lập trường của họ về cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn kiên định trung lập và liên tục bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp quốc (LHQ) trong việc lên án chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu vào ngày 24/2/2022.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Sputnik

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Sputnik

Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Daleep Singh, người đã đến thăm New Delhi vào ngày 30 - 31/3, thậm chí cảnh báo về hậu quả đối với bất kỳ quốc gia nào tìm cách “lách hoặc lấp liếm” các lệnh trừng phạt đối với Nga, đồng thời tuyên bố thêm rằng Washington sẽ không chấp nhận bất kỳ sự gia tăng đột biến nào trong việc nhập khẩu năng lượng hay các mặt hàng khác từ Nga của Ấn Độ.

Ngoài các cuộc tập trận quân sự hàng năm với Mỹ, Ấn Độ còn là một phần của Bộ tứ QUAD, cùng với Australia và Nhật Bản. Quan hệ đối tác của 4 quốc gia này, bắt đầu từ những năm 2000, ngày càng được coi là một khối chính trị và an ninh linh hoạt nhằm kiềm chế Trung Quốc, trong khi các thành viên đã gia tăng các cuộc tập trận cùng nhau trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, quyết định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong việc tránh lên án Nga đã phản ánh cam kết của New Delhi trong việc duy trì “quyền tự chủ chiến lược” của mình. Để cân bằng mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar của nước này đã kêu gọi một lập trường “kết giao với Mỹ, chia sẻ với Trung Quốc, vun đắp châu Âu, trấn an Nga, chơi cùng Nhật Bản”, trong cuốn sách “Con đường Ấn Độ: Chiến lược cho một thế giới không chắc chắn” của ông.

Phía sau đường lối pha trộn đó là một lịch sử đầy khó khăn của Ấn Độ với phương Tây trong vài thế kỷ qua. Ấn Độ giành được độc lập từ Anh vào năm 1947, nhưng quan hệ giữa nước này và phương Tây do Mỹ dẫn đầu vẫn phức tạp trong Chiến tranh Lạnh. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, khi Mỹ điều động Hạm đội 7 của mình đến hỗ trợ Pakistan, mặc dù đã tránh tham gia vào các cuộc chiến. Dễ hiểu lý do vì sao New Delhi giữ thái độ cảnh giác khi bị thuyết phục về chính sách đối ngoại.

Điều này trái ngược với mối quan hệ lịch sử tương đối tích cực giữa Ấn Độ và Nga đã phát triển trong Chiến tranh Lạnh. Mặc dù Ấn Độ là một trong những nhà lãnh đạo của Phong trào Không liên kết, quan hệ giữa Moscow và New Delhi đã phát triển mạnh mẽ, cùng với Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác Ấn-Xô chính thức hóa quan hệ đối tác của 2 nước vào tháng 8/1971.

Khi Chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971 nổ ra chỉ vài tháng sau đó, chính sự hiện diện của Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô tại Vịnh Bengal đã đẩy Hạm đội 7 của Mỹ vào thế điêu đứng. Liên Xô cũng cung cấp cho Ấn Độ các lô hàng vũ khí, hỗ trợ đáng kể cho chương trình không gian của Ấn Độ và chính thức hóa hơn nữa hợp tác song phương thông qua Chương trình hợp tác dài hạn tổng hợp (ILTP) vào năm 1987.

Mối quan hệ Ấn Độ - Nga mang tính xây dựng vẫn tồn tại sau khi Liên Xô sụp đổ. Việc nuôi dưỡng mối quan hệ đối tác này kể từ đó đã trở nên cấp thiết ở Moscow, khi Điện Kremlin muốn thúc đẩy quan hệ với các cường quốc khi quan hệ với phương Tây đang giảm mạnh.

Là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, Ấn Độ là thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất vũ khí. Nga vẫn là nhà cung cấp hàng đầu của Ấn Độ và thương mại đã tăng mạnh trong thế kỷ XXI khi nền kinh tế Ấn Độ phát triển. Mối quan hệ này càng được củng cố bởi hiệp ước quốc phòng 10 năm, được ký kết bởi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Modi vào tháng 12/2021.

Ấn Độ cũng có thể dựa vào sự hậu thuẫn của Nga trong các diễn đàn và thể chế toàn cầu, khi Moscow trong lịch sử đã sử dụng quyền phủ quyết của mình tại Hội đồng Bảo an LHQ để thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Ấn Độ, đặc biệt là tranh chấp với Pakistan về Kashmir. Ấn Độ cũng coi Nga là bên có ảnh hưởng nhất định đối với Trung Quốc.

Nga và Ấn Độ cũng đã thực hiện các bước để mở rộng quan hệ năng lượng trong những năm gần đây. Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga và các công ty khác của Nga đã đảm bảo mua lại công ty dầu Essar của Ấn Độ trị giá 13 tỷ USD vào năm 2017. Trong khi vào năm 2020, Ấn Độ lần đầu tiên đã đồng ý nhập khẩu dầu hàng năm từ Nga, cho nỗ lực đa dạng hóa các dòng cung cấp của mình. Kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine bắt đầu, Ấn Độ đã mua 13 triệu thùng dầu từ Nga so với mức dưới 16 triệu trong cả năm 2021.

Nga cũng cung cấp cho Ấn Độ phần lớn than của nước này, trong khi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trực tiếp đầu tiên của Nga đã đến Ấn Độ vào năm ngoái - sau khi ký hợp đồng 20 năm. Trong khi các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra về một thỏa thuận thương mại tự do tiềm năng giữa Ấn Độ và Liên minh Kinh tế Á -Âu do Nga dẫn đầu, 2 nước được cho đang tìm hiểu khả năng xây dựng một hệ thống thanh toán bằng đồng rupee - ruble để giảm bớt ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt hiện nay.

“Phương Tây” không là cả thế giới

Thực tế, không chỉ New Delhi tỏ ra cẩn trọng trước lời kêu gọi trừng phạt Nga của Mỹ và châu Âu. Tờ Global Times của nhà nước Trung Quốc lưu ý trong một bài viết gần đây rằng, 140/190 quốc gia thành viên LHQ - hơn một nửa dân số thế giới - đã né tránh các lệnh trừng phạt Nga. Cùng với Ấn Độ và Trung Quốc, Mexico và 2 quốc gia thành viên khối Các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) là Brazil và Nam Phi cũng đã không tham gia vào các nỗ lực chống lại Moscow.

Làm thế nào thế giới có thể tiếp tục tin tưởng: Các quốc gia đã tạo ra SWIFT - một hệ thống chuyển giao tài chính nhằm bảo vệ các giao dịch kinh tế nhằm chống lại sự can thiệp chính trị - để rồi sau đó loại bỏ khỏi hệ thống đó một quốc gia vì lý do chính trị? Các “ông lớn” tự cho mình quyền tịch thu tài chính và dự trữ vàng của các quốc gia có chủ quyền như Afghanistan, Venezuela, và bây giờ là Nga? Các nền dân chủ luôn coi tự do ngôn luận như một giá trị phổ quát bất khả xâm phạm, nhưng lại ngay lập tức kiểm duyệt truyền thông đi ngược lại lợi ích của họ?

Cuối cùng, nhìn lại 2 cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX, khi châu Âu là gốc rễ của vấn đề thì khoảng 4 triệu binh lính tham chiến là người châu Phi và châu Á. Hàng nghìn cái chết không phải người châu Âu là cái giá phải trả của những cư dân ở các thuộc địa xa xôi, những người đã hy sinh trong các cuộc chiến mà họ không hề quan tâm. Để thấy, trong cả quá khứ hay hiện tại, thế giới thực luôn rộng lớn hơn nhiều so với những gì được thể hiện qua lăng kính lợi ích của châu Âu và Bắc Mỹ - nơi vẫn thường được gọi bằng cái tên quyền lực: “Phương Tây”.

"Đây là thời điểm để kết giao với Mỹ, chia sẻ với Trung Quốc, vun đắp châu Âu, trấn an Nga, chơi cùng Nhật Bản." - Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar viết trong cuốn sách “Con đường Ấn Độ: Chiến lược cho một thế giới không chắc chắn”

Hương Thảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-co-lap-nga.html