KHÔNG ĐỂ 'ĐẮT THẾ, LỢN ƠI'...

Kiên quyết giảm giá thịt lợn để ổn định thị trường và bảo đảm đời sống người dân là chỉ đạo nhiều lần của Thủ tướng Chính phủ trong hai tháng qua, bởi hiện nay, giá thành sản xuất thịt lợn thấp và chỉ cần bán 60.000 đồng/kg lợn hơi thì người chăn nuôi đã có lãi lớn.

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Công Thương phải làm rõ trách nhiệm việc để tăng giá thịt lợn và có giải pháp hiệu quả để giảm giá; 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết đưa giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg và hàng vạn nông dân cũng xuất lợn hơi với mức giá xấp xỉ như vậy.

Nhưng thực tế cho thấy giá bán thịt lợn ở các chợ, cửa hàng và cả các siêu thị vẫn cao chót vót! Thậm chí, khi một số người mua thắc mắc còn nhận được câu trả lời: “Muốn rẻ thì… lên ti vi mà mua”!?!

 Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Thừa nhận giá thịt lợn tăng ở thời điểm này là do nhiều nguyên nhân khách quan, như việc tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, thịt lợn nhập khẩu để bổ sung còn chậm, dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người dân có tâm lý mua dự trữ… Nhưng dù lý do gì đi nữa thì việc giá thịt lợn thành phẩm cao gấp gần 3 lần giá lợn hơi và gấp tới 4-5 lần chi phí sản xuất là không thể chấp nhận. Chưa kể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nguồn cung thịt lợn cơ bản đáp ứng nhu cầu chứ không quá thiếu.

Chiêu “té nước theo mưa” để nâng giá, giữ giá và mua rẻ, bán đắt là bí quyết kiếm tiền của nhiều người kinh doanh. Bởi thế, ở nước ta thường xuyên có chuyện nông dân cung cấp sản phẩm họ làm ra với giá rất rẻ, nhiều khi còn bị tư thương ép giá, đành chịu lỗ; nhưng đến người tiêu dùng thì lại giá “cắt cổ” bởi qua khâu kinh doanh.

Để tránh tình trạng trên, có lẽ nên xem lại cách quản lý, điều hành giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nói chung, thịt lợn nói riêng. Cụ thể, thay vì chỉ khống chế giá bán lợn hơi của người chăn nuôi như hiện nay, cần khống chế giá bán thịt lợn thành phẩm theo từng loại đến người tiêu dùng (như đối với giá bán lẻ xăng, dầu) trên cơ sở tính toán để bảo đảm hài hòa lợi nhuận của các khâu. Khi quản lý được giá đầu ra thì cả cơ sở chăn nuôi, chế biến và người bán lẻ thịt lợn đều không thể tùy tiện tăng giá và người dân sẽ không còn phải thốt lên “đắt thế, lợn ơi”...

HUY QUANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khong-de-dat-the-lon-oi-614691