Nỗ lực biến 'vùng đất chết' thành cánh đồng dược liệu, trồng hoa màu
Bỏ ngang công việc kế toán, chị Nguyễn Thị Thu (SN 1988) đã trở về quê hương ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội), nỗ lực biến 'vùng đất chết' thành cánh đồng dược liệu, trồng hoa màu.
Ngã rẽ cuộc đời
Nhờ áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, sáng tạo trong chế biến, năm 2020, sản phẩm Bột rau củ sấy lạnh Tâm An của Hợp tác xã Tâm An do chị Thu thành lập đã được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Đây là dấu ấn thành công đầu tiên sau 5 năm khởi nghiệp của chị.
Không chỉ vậy, Nguyễn Thị Thu còn là nhà sáng lập Công ty Cổ phần hỗ trợ sáng kiến kinh doanh tạo tác động MEVI, hệ sinh thái dựa trên nền tảng thương mại sản phẩm nông sản. Với vai trò người kết nối và kiến tạo khởi nghiệp, chị Thu đã đồng hành với nhiều người từ các chuyến tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng khoa học vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, mở rộng tiêu thụ.
Với niềm đam mê thảo dược, giảng viên Hoàng Thị Tú Oanh (SN 1980) đã có một bước rẽ quan trọng khi quyết định rời giảng đường để chuyên tâm nghiên cứu, sáng tạo và đưa ra thị trường các loại thảo dược thiên nhiên, phục vụ người tiêu dùng trong và ngoài nước.
"Nhiều người nói tôi quá mạo hiểm. Nhưng vì niềm đam mê với những dược liệu cổ truyền của Việt Nam, tôi muốn phát huy giá trị của nó trong đời sống hàng ngày, giúp cải thiện các vấn đề sức khỏe của người tiêu dùng", chị Oanh nói.
Được thành lập vào năm 2016, đến nay, Công ty cổ phần Tinh dầu và hương liệu FAMILY của chị Oanh đã cho ra đời hơn 60 loại sản phẩm. Trong bối cảnh chuyển đổi số, chị Hoàng Thị Tú Oanh đã đẩy mạnh việc tận dụng các nền tảng số để bán hàng, qua đó giúp doanh thu của công ty không ngừng tăng.
Hàng nghìn phụ nữ khởi nghiệp được hỗ trợ chuyển đổi số
Thời gian qua, các cấp Hội LHPN thành phố Hà Nội đã tổ chức hàng nghìn buổi tập huấn, truyền thông về ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hơn 10.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh được trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử.
11.500 phụ nữ khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và thương mại điện tử. 3.250 phụ nữ được hỗ trợ khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Trên 200 dự án sản phẩm sáng tạo đã được hỗ trợ phát triển...
Ngoài việc xây dựng mạng lưới chuyên gia công nghệ giúp chị em có kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội còn tổ chức tập huấn, hướng dẫn chị em hưởng ứng cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh" năm 2024; đồng thời kết nối hỗ trợ việc hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ…
Bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội, cho biết, từ nay đến cuối năm 2024, cùng với việc tổ chức các hoạt động hỗ trợ đào tạo nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, kinh doanh, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử… cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ, Hội LHPN thành phố sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức truyền thông đến những nhóm đối tượng phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp.
Đặc biệt quan tâm tới phụ nữ vùng xa trung tâm, phụ nữ khối chợ; hướng dẫn phụ nữ lập kế hoạch kinh doanh, xây dựng các dự án, sản phẩm sáng tạo để tìm kiếm cơ hội hiện thực hóa ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp.