Không để đầu năm thong thả, cuối năm tất tả

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công tháng 1.2025 chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2024, chỉ đạt hơn 10.382 tỷ đồng, bằng 1,18% kế hoạch và bằng 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đầu tư công luôn được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Cụ thể, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, cứ 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng 1% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,06 điểm phần trăm.

Năm nay, tổng số vốn đầu tư công được Quốc hội quyết nghị và phân bổ cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 829.365 tỷ đồng. Còn kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương là 825.922,3 tỷ đồng bao gồm vốn ngân sách Trung ương 350.195 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 475.727 tỷ đồng. Kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương năm 2025 các địa phương giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là gần 52.394 tỷ đồng. Tính chung, tổng kế hoạch giao năm 2025 là hơn 878.316 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn tới 26/47 bộ, cơ quan Trung ương; 50/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết hơn 84.840 tỷ đồng, chiếm 10,27% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách Trung ương là hơn 40.082 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 44.758,4 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy áp lực giải ngân vốn đầu tư công trong năm nay rất lớn, thậm chí có thể coi là thách thức. Điều này thể hiện rõ nhất qua việc dù đã hết tháng 1 nhưng vẫn còn nhiều bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn.

Thực tế, giải ngân vốn đầu tư công luôn trong tình trạng phải chạy đua với kế hoạch. Điển hình như năm 2024, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đã đề ra nhiều giải pháp nhưng theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31.1.2025, ước giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt gần 635.580 tỷ đồng, bằng 93,06% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao - không đạt kế hoạch giải ngân 95% đã đề ra.

Để khắc phục tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm tất tả” trong giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025 trong đó nêu rõ, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công - tư. Tăng cường phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, manh mún và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí.

Kiên quyết thu hồi vốn đã bố trí cho các dự án không triển khai theo kế hoạch phê duyệt hoặc các dự án chưa thực sự cần thiết, đầu tư chưa phát huy hiệu quả; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các công trình kết nối các tỉnh, kết nối vùng, kết nối quốc gia, quốc tế, nhất là kết nối các trung tâm kinh tế và các địa phương là cực tăng trưởng…

Khi vốn đã có, địa chỉ cũng đã rõ ràng, thì vấn đề còn lại như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là cần có giải pháp cụ thể, gắn trách nhiệm thực hiện để đổi mới quản lý đầu tư công. Chính phủ cần bảo đảm giải ngân được số vốn đã giao dự toán và bổ sung trong bối cảnh giải ngân đầu tư công là khâu yếu kéo dài nhiều năm và đặc thù của năm 2025 là vốn đầu tư công bố trí ở mức cao, nhiều dự án trọng điểm hoàn thành hoặc chuẩn bị đầu tư.

Ninh Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khong-de-dau-nam-thong-tha-cuoi-nam-tat-ta-post404936.html