Không để dịch sốt xuất huyết lan rộng
Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền trung, Tây Nguyên, trong đó nhiều ca diễn biến nặng, tử vong. Chính quyền các địa phương đang tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng; tổ chức phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Tỉnh Quảng Nam hiện nay được ghi nhận là địa phương có ca mắc SXH cao nhất khu vực miền trung, Tây Nguyên. Ông Trần Văn Kiệm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 251 ổ dịch SXH ở 113 xã, phường, thị trấn của 18/18 huyện, thị xã, thành phố, với hơn 13.700 ca bệnh, 1 ca tử vong. Nhiều địa phương có ca mắc tăng cao như: Thăng Bình (2.715 ca), Điện Bàn (2.329 ca), Tam Kỳ (1.839 ca), Đại Lộc (1.309 ca), Duy Xuyên (1.264 ca). Hiện tại tất cả huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã vượt mức 150 ca SXH Dengue/100 nghìn dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân yêu cầu Sở Y tế Quảng Nam theo dõi, giám sát chặt chẽ, đánh giá tình hình, dự báo diễn biến dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh; chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh SXH một cách khoa học, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế...
Tại tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận 7.935 ca mắc SXH, tăng 9,4 lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có 1 ca tử vong. Dịch bệnh đã xảy ra ở 204/220 xã, phường, thị trấn thuộc 17/17 huyện, thị xã, thành phố… Hiện, ngành y tế tỉnh Gia Lai đang tích cực phối hợp các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách xử lý 303 ổ dịch SXH, quyết tâm cao nhất khống chế dịch bùng phát và lây lan trên diện rộng; tiếp tục triển khai giám sát công tác phòng, chống SXH tại các huyện có số ca mắc tăng cao.
Trong khi đó, dịch bệnh SXH cũng bùng phát mạnh tại tỉnh Quảng Bình với 6.508 ca được ghi nhận tại tất cả các địa phương, tỷ lệ mắc tăng gấp 32 lần so với cùng kỳ năm 2021, có 1 ca tử vong do SXH là trẻ em. Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Y tế Quảng Bình huy động đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế tuyến huyện tích cực triển khai các hoạt động giám sát tại cộng đồng, nhất là các vùng đang xảy ra ổ dịch; tập trung phun hóa chất diệt muỗi chủ động, xử lý các ổ dịch SXH ở các địa phương có số ca mắc cao; đồng thời tăng cường giám sát phát hiện sớm, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, hạn chế các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Tỉnh Phú Yên ghi nhận 3.519 ca mắc SXH, tăng gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; đáng chú ý số ca mắc SXH tăng hầu hết tại 9 huyện, thị xã, thành phố và đã ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Ngày hội "Chung tay phòng, chống SXH an toàn và hiệu quả, bảo vệ sức khỏe gia đình" vừa được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhằm cập nhật kiến thức về bệnh SXH, trong đó nhấn mạnh vai trò của gia đình, cộng đồng trong phòng ngừa lây nhiễm bệnh, điều trị đúng cách để bảo đảm an toàn sức khỏe.
Tại thành phố Đà Nẵng, từ đầu năm 2022 đến nay ghi nhận 7.593 ca mắc SXH, nhiều gấp 19 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhiều ca có biến chứng nặng, chưa ghi nhận ca tử vong. Ngành y tế đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống SXH, nhất là tại các địa phương có số ca mắc cao trên địa bàn; phân công cán bộ đứng điểm để theo dõi, đánh giá tình hình và phối hợp chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; xác định diệt loăng quăng (bọ gậy) là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động phòng, chống SXH.
Theo báo cáo của các địa phương, qua kiểm tra, các địa phương đều ghi nhận nhiều hộ gia đình có ổ loăng quăng không được xử lý, người dân có tâm lý chủ quan, xem nhẹ dịch bệnh SXH; chỉ số mật độ muỗi và loăng quăng vượt ngưỡng; trong khi đó hiện nay hầu hết các địa phương đều thiếu hóa chất, trang thiết bị, dịch truyền cao phân tử...
Hàng nghìn ca bệnh SXH đã gây áp lực rất lớn đối với ngành y tế các địa phương. Ghi nhận của phóng viên tại nhiều bệnh viện, tình trạng bệnh nhân SXH nhập viện điều trị tăng mạnh, trong đó, nhiều trường hợp do chủ quan để đến lúc biến chứng nặng mới đến bệnh viện khiến tình trạng bệnh càng thêm nặng, ảnh hưởng đến tính mạng. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, hiện trung bình mỗi ngày, Khoa Y học nhiệt đới tiếp nhận, điều trị hơn 40 bệnh nhân mắc SXH. Bệnh viện không chỉ tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc SXH tại Đà Nẵng mà còn tiếp nhận, điều trị nhiều ca mắc SXH biến chứng nặng được chuyển đến từ các tỉnh trong khu vực. Do số ca bệnh tăng nhanh, khoa này đã đưa vào sử dụng cơ sở 2 để tiếp nhận bệnh nhân SXH. Toàn bộ 45 giường ở đây trở thành khu điều trị cho các bệnh nhân SXH và hiện không còn chỗ trống. Bác sĩ Trương Thị Hoa, Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới cho biết, so với tháng trước và cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXH nhập viện tăng mạnh, trong đó có nhiều ca mắc SXH đã trở nặng. "SXH chia ra các mức độ nhẹ, có dấu hiệu cảnh báo và trở nặng. Nhiều bệnh nhân bị SXH ở mức độ nhẹ thường chủ quan không đi khám, điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này hết sức nguy hiểm, bệnh rất dễ trở nặng gây ra biến chứng nguy hiểm như xuất huyết nội tạng, tổn thương não, tổn thương gan, thận, thậm chí là tử vong", bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Tình trạng bệnh nhi mắc SXH biến chứng, trở nặng đang báo động ở Gia Lai. Theo đánh giá của ngành y tế Gia Lai, năm nay, bệnh nhân SXH không chỉ gia tăng mạnh mà nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng. Bệnh nhân bị sốc sớm, tái sốc nhiều hơn, số ca suy gan, xuất huyết nặng tăng phải chuyển lên khu hồi sức tích cực. Bác sĩ Phan Thị Thùy Trang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi Gia Lai, thông tin: "Bệnh nhân SXH vẫn đang gia tăng và tỷ lệ bệnh trở nặng, biến chứng, sốc SXH cũng ghi nhận nhiều hơn so với những năm trước. Tại khoa ghi nhận nhiều bệnh nhi sốc giảm thể tích do hiện tượng thoát mạch, tổn thương gan, tổn thương đa cơ quan như não, tim… Vì vậy, công tác điều trị gặp nhiều khó khăn".
Trẻ em bị SXH rất nguy hiểm vì nhiều phụ huynh hay nhầm lẫn với các bệnh cảm, sốt thông thường khi chuyển mùa nên điều trị tại nhà, đến khi bệnh chuyển nặng mới đưa vào viện cấp cứu. Theo bác sĩ Nguyễn Đình Tiến, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Quảng Ngãi, từ đầu tháng 10 đến nay, số ca mắc SXH ở trẻ em nhập viện điều trị tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh tăng cao, có thời điểm gần 100 trẻ. Nhờ chủ động nhân lực, bố trí các trang thiết bị y tế và chẩn đoán, điều trị kịp thời nên không xảy ra trường hợp tử vong, trong đó điều trị thành công một ca SXH thể não.
Theo nhận định của bác sĩ Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình, mặc dù đã có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương nhưng công tác chống dịch SXH gặp một số khó khăn. Ở một số địa phương, người dân còn tâm lý chủ quan, chưa chủ động trong phòng, chống dịch bệnh SXH. Mặt khác, việc đấu thầu, mua sắm hóa chất phục vụ chống dịch gặp khó khăn do đơn vị cung ứng ít hoặc không tham gia làm cho việc cung cấp vật tư, hóa chất chậm. Các đơn vị y tế không có nguồn hóa chất để phun chủ động diệt muỗi trưởng thành, nên nguồn bệnh vẫn lưu hành và lây lan trong cộng đồng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khong-de-dich-sot-xuat-huyet-lan-rong-post724116.html