Không để đứt gãy các khâu trong chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh
'Hợp tác để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, không để đứt gãy các khâu trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp' là trong những nội dung chính cần tập trung trong triển khai hợp tác Mekong - Lan Thương.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ ba được tổ chức theo hình thức trực tuyến, diễn ra ngày 24/8/2020 tại Hà Nội, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, hợp tác Mekong - Lan Thương cần tập trung vào ba nội dung chính. Đó là: Hợp tác để hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, không để đứt gãy các khâu trong chuỗi cung ứng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về Covid-19 thường xuyên, kịp thời, minh bạch; hợp tác sản xuất và tạo thuận lợi cho việc tiếp cận vaccine; hợp tác sử dụng, quản lý nguồn nước Mekong và tìm kiếm giải pháp lâu dài cho sự phát triển bền vững của lưu vực; chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn cả năm; tăng cường mạng lưới các trạm quan trắc tự động tài nguyên nước; củng cố hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai; phối hợp với Ủy hội sông Mekong và các đối tác quốc tế.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo tái khẳng định quyết tâm cùng xây dựng khu vực Mekong - Lan Thương hòa bình, ổn định, phát triển bền vững, thịnh vượng và nhất trí đẩy mạnh hợp tác trên ba trụ cột hợp tác. Cụ thể:
Thứ nhất, về an ninh-chính trị, duy trì trao đổi cấp cao, tăng cường đối thoại giữa các đảng chính trị, quốc hội, chính phủ và địa phương, đẩy mạnh hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, hợp tác về y tế cộng đồng ứng phó đại dịch Covid-19 và phục hồi tăng trưởng kinh tế. Hội nghị hoan nghênh đề xuất của Trung Quốc về thành lập Quỹ đặc biệt MLC về y tế cộng đồng để hỗ trợ các nước MLC ứng phó với đại dịch Covid-19 và trong lĩnh vực y tế nói chung sau này.
Thứ hai, về kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy kết nối khu vực cả về hạ tầng cứng và mềm; tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư, hợp tác công-tư; đẩy mạnh hợp tác phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, hợp tác năng lực sản xuất, phát triển kinh tế số và khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học.
Thứ ba, về văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân, triển khai các hoạt động hợp tác giáo dục, các chương trình đào tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0; xúc tiến hợp tác du lịch và giao lưu văn hóa.
Các nước cũng nhất trí tận dụng hiệu quả hơn nữa Quỹ đặc biệt Hợp tác Mekong - Lan Thương, nâng cao chất lượng, tính thực tiễn của dự án, qua đó mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân sáu nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung Quốc.