Không để giá cả 'nhảy múa' theo lương

Theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng lên 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng/tháng trước đây. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ các cơ sở kinh doanh, tiểu thương lợi dụng để tăng giá hàng hóa. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh, giá hàng hóa vẫn cơ bản bình ổn, không xảy ra hiện tượng tăng giá theo lương.

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Winmart, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn

Theo đánh giá tình hình thị trường của ngành công thương tỉnh, đến thời điểm hiện tại, tình hình giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn được giữ ở mức ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tỉnh chỉ biến động tăng nhẹ (tăng 2,98%) ở một số nhóm mặt hàng như: lương thực; thực phẩm; đồ uống; giao thông... Tuy vậy, nguyên nhân chính dẫn đến tăng giá không phải do tác động từ thông tin thực hiện chính sách cải cách tiền lương mà do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng vào các dịp lễ, tết; ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và một số loại hoa quả mất mùa (vải, xoài...) dẫn đến giá cả các mặt hàng thực phẩm trên thị trường tăng.

Ông Lã Đức Đoàn, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương cho biết: Nhờ sự chủ động trong công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp bình ổn giá nên tình hình giá cả cũng như cung – cầu hàng hóa trên địa bàn tỉnh không có diễn biễn phức tạp. Lượng hàng hóa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của người dân, không xảy ra tình trạng tăng giá bất thường, ngay cả khi giá xăng, dầu biến động lên xuống liên tục từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, qua khảo sát, nắm bắt tình hình kinh doanh tại các siêu thị, các chợ truyền thống quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, phòng cũng chưa ghi nhận việc tăng giá do tác động của chính sách cải cách tiền lương.

Tìm hiểu thực tế tại khu vực chợ Giếng Vuông, hiện nay, giá cả các mặt hàng rau, củ, quả, gạo... vẫn giữ mức giá ổn định so với những tháng trước như: gạo tẻ thường có mức giá dao động từ 15.000 – 16.000 đồng/kg; rau xanh giá bán từ 5.000 – 7.000 đồng/bó (tùy loại)... Riêng một số mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn có sự tăng giá do nguồn cung giảm.

Bà Nghiêm Thị Phụ, tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại số 36 đường Bắc Sơn (khu vực chợ Giếng Vuông), phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, giá thịt lợn có tăng, tuy nhiên việc tăng giá là do tác động của dịch tả lợn châu Phi chứ không phải do tác động của việc điều chỉnh tăng lương. Từ đầu tháng 7, mức giá thịt lợn chúng tôi nhập từ lò mổ là 85.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với tháng 5 (khi tỉnh chưa phát sinh dịch tả lợn châu Phi), vì vậy giá thịt bán ra thị trường cũng tăng.

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi..., mức giá các loại hàng hóa cũng vẫn giữ ở mức bình ổn. Chị Hoàng Thị Thao, Cửa hàng trưởng Winmart+ tại đường Trần Hưng Đạo, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, hệ thống Winmart+ đang có chuỗi 14 cửa hàng tiện lợi. Trước nhiều biến động của thị trường, đặc biệt là chính sách cải cách tiền lương, nhưng hiện tại hơn 2.000 mặt hàng được bày bán tại của hàng từ đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn đến thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, rau củ quả tươi… đều giữ mức giá ổn định, không tăng so với đầu năm 2024. Đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn, do chuỗi cửa hàng tự chủ được nguồn cung nên giá bán vẫn duy trì trong khoảng 108.000 – 195.000 đồng/kg (tùy loại). Không chỉ không tăng giá, hiện chúng tôi còn đang triển khai chương trình giảm giá 20% đối với khách hàng là hội viên của Winmart+ khi mua thịt lợn.

Như vậy đến hiện tại, tình hình giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản ổn định. Tuy nhiên, đây mới là tháng đầu tiên thực hiện chính sách cải cách tiền lương nên vẫn có nguy cơ xảy ra việc tăng giá hàng hóa trong thời gian tới. Bởi ngay trong ngày 4/7/2024, giá xăng, dầu đã có sự điều chỉnh tăng kỳ tiếp theo, chính vì vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền các huyện, thành phố triển khai các biện pháp bình ổn giá. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp; có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, nhất là trong các thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, vật liệu xây dựng, lương thực, thịt lợn và các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác… không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời gian tới, sở tiếp tục phối hợp với các ngành, lực lượng chức năng, chính quyền các huyện, thành phố thực hiện nghiên các biện pháp bình ổn thị trường cũng như quản lý giá hàng hóa theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, phối hợp tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, kiểm tra các yếu tố hình thành giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định; đảm bảo cân bằng cung cầu thị trường, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng xấu đến tâm lý tiêu dùng của người dân

Việc điều chỉnh tăng lương là một niềm vui lớn đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, điều này chỉ thật sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát, điều tiết được thị trường, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu. Chình vì vậy, việc các cấp, các ngành liên quan của tỉnh tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá bất hợp lý là điều quan trọng, góp phần để niềm vui của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được trọn vẹn.

KIM CHI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/khong-de-gia-ca-nhay-mua-theo-luong-5014608.html