Không để 'giặc lửa' tấn công Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao, nhất là khi thời tiết đang chuyển biến ngày càng tiêu cực.
Với diện tích khoảng 26.000 ha, Vườn Quốc gia Bù Gia Mập thuộc huyện Bù Gia Mập, Bình Phước được ví như là “lá phổi xanh” của miền đất đỏ. Tuy nhiên, Vườn Quốc gia này đang đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao, nhất là khi thời tiết đang chuyển biến ngày càng tiêu cực.
Diễn biến thất thường của thời tiết khiến mùa khô năm nay ở khu vực Đông Nam Bộ kéo dài lê thê. Nắng nóng, trời hanh khô khiến nhiều cây trong cánh rừng nguyên sinh Bù Gia Mập trụi lá, hồ chứa nước phòng cháy chữa cháy đang cạn dần, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp 5.
Gạt dòng mồ hôi đang chảy dài trên má, kiểm lâm viên Điểu Chót cho biết, những ngày qua, anh em kiểm lâm như ngồi trên đống lửa, vì với thời tiết cực đoan hiện nay, thì có thể xảy ra hỏa hoạn bất cứ lúc nào.
“Hằng ngày đều điều động anh em đi trực cháy, mỗi người canh gác một hướng. Chỗ nào mà nhạy cảm nhất thường cháy rừng thì chúng tôi sẽ tập trung bảo vệ ở đó. Đồng thời nhắc nhở anh em khi gặp bà con vào rừng sẽ nhắc nhở họ đừng để tình huống cháy rừng xảy ra”, kiểm lâm viên Điểu Chót cho hay.
Với vị trí gần vùng đệm có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và sản xuất từ lâu đời, vườn Quốc gia Bù Gia Mập luôn phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng do phong tục canh tác của người dân địa phương. Cho nên, tạo sinh kế để họ ổn định cuộc sống nhờ rừng, là cách bảo vệ “sinh mệnh” của “lá phổi xanh” vùng đất đỏ trước nguy cơ giặc lửa.
Hiện có hơn 300 hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng, chủ yếu là người con của dân tộc S’tiêng, Mơnông ở 2 xã Bù Gia Mập và Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập và xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Họ chính là vệ tinh của cán bộ kiểm lâm trong công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động trong rừng.
Gắn bó với rừng từ nhỏ và cũng là một trong những hộ nhận khoán bảo vệ Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, ông Điểu Ma Giang ở thôn 3, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập cho biết, ông rất thích công việc bảo vệ rừng, dù đây là một công việc rất gian nan.
“Đầu tiên làm rất khó khăn, bây giờ, dân trí của người dân cũng đã được nâng cao. Trong mùa khô này, mỗi công dân có nhiệm vụ phát dọn khoảng 6-7 km đường ranh để ngăn lửa nếu xảy ra cháy. Cùng với đó, chúng tôi phối hợp với thôn ấp tuyên truyền cho bà con hạn chế vào rừng kiếm đọt mây, lá nhíp trong mùa khô này”, ông Điểu Ma Giang chia sẻ.
Ông Vương Đức Hòa, Giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, nhờ việc giao khoán rừng, đời sống nhiều bà con được cải thiện đời. Nhờ đó, nhiều năm liền toàn lâm phần không để xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy, không xảy ra cháy rừng.
“Trong nhiều năm qua, vườn quốc gia Bù Gia Mập không để xảy ra cháy rừng. Về ngăn chặn khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã thì lực lượng kiểm lâm cùng với cộng đồng nhận khoán đã tăng cường công tác quản lý, ngăn chặn khai thác cũng như săn bắt động vật hoang dã, trong nhiều năm qua cho thấy số liệu giảm hẳn về việc khai thác lâm sản. Đặc biệt, các cây gỗ quý hiếm như gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương”, ông Hòa cho hay.
Đối mặt với thời tiết cực đoan như hiện nay, cán bộ kiểm lâm và các cộng đồng bảo vệ rừng ở đây luôn đề cao tinh thần cảnh giác, quyết tâm không để “lá phổi xanh” của miền đất đỏ bị “giặc lửa” tấn công ./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/tin-24h/khong-de-giac-lua-tan-cong-vuon-quoc-gia-bu-gia-map-1051057.vov