Không dễ giảm áp lực cho trọng tài

Nhân kết thúc Lớp tập huấn giám sát trọng tài và trọng tài các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2022 khu vực phía Bắc, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Trưởng ban Trọng tài VFF đều mong mỏi sắp tới các giải bóng đá trong nước sẽ sử dụng công nghệ hỗ trợ trọng tài bằng video (VAR) để giúp trọng tài giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản.

VAR - cỗ máy ngốn tiền

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho hay: “Vừa qua, tôi cùng Chủ tịch FIFA Gianni Infantino và Trưởng ban Dự án FIFA tại châu Á bàn về việc nghiên cứu đưa VAR vào Việt Nam. Tất nhiên, từ ý tưởng đến thực tiễn cần rất nhiều yếu tố. Chúng ta cần tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức thực hiện, rồi cả vấn đề kinh phí. Lãnh đạo VFF và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã trao đổi với FIFA xoay quanh chuyện chuyên môn. Rất mong trong thời gian sớm nhất, bóng đá Việt Nam sẽ có VAR”.

Các trọng tài, trợ lý trọng tài nỗ lực vượt qua bài kiểm tra thể lực ở lớp tập huấn.Ảnh: CẨM TÚ.

Các trọng tài, trợ lý trọng tài nỗ lực vượt qua bài kiểm tra thể lực ở lớp tập huấn.Ảnh: CẨM TÚ.

Ý tưởng sử dụng VAR ở V-League đã có từ cách đây 3 năm. Khi đó, lãnh đạo VPF muốn sử dụng VAR để hỗ trợ trọng tài nhưng rốt cuộc không thể triển khai vì chưa đủ các điều kiện để FIFA cấp phép. Trò chuyện với ông Nguyễn Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Giải pháp truyền hình Thế hệ mới (Next Media), được biết, riêng chi phí đầu tư hạ tầng đã tốn khoảng 100 tỷ đồng, chưa kể chi phí vận hành VAR cho từng trận đấu. Không những vậy, để sử dụng VAR, VFF cần phải đào tạo đội ngũ trọng tài sử dụng công nghệ này lên tới hàng chục người.

Ở châu Á, không phải giải bóng đá quốc gia nào cũng đáp ứng được các điều kiện khắt khe để sử dụng VAR. Tại Thái Lan, ngay từ tháng 1-2018, Ban tổ chức giải Thai-League đã thử nghiệm sử dụng VAR và đến nay, công nghệ này được áp dụng rộng rãi ở xứ chùa vàng. Ở World Cup 2018, chi phí một phòng VAR cho một trận đấu lên tới 780.000USD. Ở Thái Lan, bên trong một phòng VAR trung tâm sẽ có thêm 4 phòng VAR nhỏ, làm được 4 trận đấu cùng lúc nên tiết kiệm rất nhiều chi phí. Tuy nhiên, với các đội bóng ở V-League, khi kinh phí hoạt động còn khó khăn thì việc sử dụng VAR xem ra hơi hoang đường. Đó là chưa kể VPF cũng bị hạn hẹp vì kinh phí, không thể hỗ trợ các đội bóng trong việc đưa VAR vào giải V-League.

Vẫn phải trông chờ yếu tố con người

Kết thúc Lớp tập huấn giám sát trọng tài và trọng tài các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia năm 2022 khu vực phía Bắc, Trưởng ban Trọng tài VFF Dương Văn Hiền mong bóng đá Việt Nam sớm có VAR để giúp trọng tài giảm bớt áp lực khi điều khiển trận đấu. Ông Dương Văn Hiền chia sẻ: “Các trận đấu đã qua ở V-League 2022 diễn ra nhanh, có nhiều tình huống khó. Các trọng tài đã cố gắng nhưng vẫn có sai sót do nguyên nhân khách quan. Trọng tài cũng là con người, vẫn có lúc mắc sai lầm. Nhiều tình huống khán giả phải xem chậm mới thấy, còn trọng tài đứng trên sân với góc nhìn hạn chế, bị che khuất, hay khoảng cách quá xa nên khó bắt chính xác. Tôi cho rằng, sai sót của trọng tài là những lỗi đơn thuần về yếu tố con người. Ở trên sân, trọng tài chỉ có vài giây để quyết định. Nếu có nhiều băng hình, có thêm thời gian, góc nhìn thì ra quyết định dễ hơn. Tôi không có mong muốn nào hơn ngoài việc bóng đá Việt Nam có VAR để hỗ trợ trọng tài hoàn thành nhiệm vụ”.

Mong ước của ông Trần Quốc Tuấn, ông Dương Văn Hiền là chính đáng nhưng nó xa rời thực tế. VAR là cuộc chơi tốn kém khủng khiếp. Thế nên, trong lúc chờ đợi VAR vào cuộc ở V-League, điều cần kíp lúc này là nâng cao chất lượng đội ngũ trọng tài, trợ lý trọng tài và giám sát trọng tài. Được biết, vào giai đoạn cuối mùa giải V-League 2022, với các trận đấu quan trọng, nhạy cảm, VPF sẽ thuê trọng tài ngoại cầm còi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ở những lần thuê trước đây, trọng tài ngoại cũng mắc sai sót. Theo ông Dương Văn Hiền: “Về chuyên môn, trọng tài Việt Nam không kém trọng tài ngoại. Tôi có nghe đến việc đề xuất mời trọng tài ngoại ở các trận đấu khó nhưng việc này chỉ giải quyết vấn đề tâm lý là chính. Nhiều năm trước, chúng ta mời trọng tài ngoại và họ cũng có sai sót nhưng người hâm mộ dễ dàng bỏ qua. Trọng tài ngoại sai, dư luận không phản ứng. Trong khi trọng tài trong nước mà sai thì gặp phải áp lực cực lớn”.

Cuối cùng, người đứng đầu Ban Trọng tài VFF kết luận: “Trận đấu nào trọng tài cũng gặp áp lực, không chỉ các trận quan trọng. Áp lực đến từ dư luận, huấn luyện viên, lãnh đạo đội bóng, cầu thủ và đặc biệt là khán giả. Có lúc trọng tài mắc lỗi, thậm chí chưa chắc sai, nhưng chỉ cần một đội bóng cảm thấy bất lợi thì trên mạng các cổ động viên đã “đánh hội đồng” trọng tài. Tôi không có mong muốn nào hơn ngoài việc bóng đá Việt Nam sớm có VAR để giảm bớt áp lực cho trọng tài”.

MINH CHIẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/khong-de-giam-ap-luc-cho-trong-tai-706179