Không để hiểu lầm Việt Nam có vũ khí hóa học, giết người hàng loạt
Đối với vũ khí sinh học, vũ khí hóa học và các loại vũ khí giết người hàng loạt là những loại vũ khí bị cấm phát triển theo các công ước quốc tế, trên thực tế không tồn tại và không được thừa nhận tại Việt Nam, nếu đề cập trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến hiểu lầm Việt Nam có các loại vũ khí này.
Với 88,41% số đại biểu Quốc hội tán thành, chiều 25/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Báo cáo giải trình tiếp thu, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến ĐBQH nhất trí sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật số 14/2017/QH14 để kịp thời xử lý các hành vi phạm tội liên quan đến vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến ĐBQH không nhất trí sửa đổi, bổ sung và đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 304 của Bộ luật Hình sự.
Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự và Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực thi hành, đã bộc lộ khoảng trống pháp lý trong việc xử lý hình sự đối với các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, nên các cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xử lý hình sự đối với một số vụ việc vi phạm liên quan đến loại vũ khí này trong thời gian vừa qua. Do đó, cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện pháp luật, tạo cơ sở pháp lý xử lý hình sự đối với các hành vi này.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội xin ý kiến nội dung này. Kết quả có 347 ý kiến đại biểu (bằng 71,84% tổng số ĐBQH) đồng ý sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của Chính phủ. Căn cứ kết quả xin ý kiến, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho sửa đổi, bổ sung.
Cũng theo ông Võ Trọng Việt, một số ý kiến ĐBQH đề nghị chỉ cần nêu khái niệm vũ khí quân dụng là gì, các loại vũ khí cụ thể nên giao Chính phủ quy định; nghiên cứu quy định khái niệm vũ khí quân dụng phải bao quát hết các loại vũ khí đang thông dụng trên thế giới như các loại vũ khí: Laze, cao tần, hóa học, thời tiết, điện tử…
Về nội dung này, UBTVQH cho rằng, dự thảo Luật xây dựng khái niệm vũ khí quân dụng theo hướng vừa giải thích về quy chuẩn, tính năng, tác dụng, cách nhận biết và mục đích sử dụng, vừa liệt kê theo hướng phân loại các nhóm vũ khí quân dụng (đây không phải là liệt kê tên các loại vũ khí quân dụng); đồng thời, cũng thống nhất với quy định khái niệm về súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ tại Điều 3 của Luật hiện hành, bảo đảm phù hợp với các quy định về quản lý, sử dụng, tiếp nhận, thu gom, thanh lý và tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ quy định tại Luật số 14/2017/QH14.
Đối với một số loại vũ khí khác như Laze, cao tần, thời tiết, điện tử… UBTVQH đã đề nghị Quốc hội cho xác định phạm vi điều chỉnh của Luật này chỉ quy định về quản lý, sử dụng đối với các loại vũ khí nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
“Đối với vũ khí sinh học, vũ khí hóa học và các loại vũ khí giết người hàng loạt là những loại vũ khí bị cấm phát triển theo các công ước quốc tế, trên thực tế không tồn tại và không được thừa nhận tại Việt Nam, nếu đề cập trong dự thảo Luật sẽ dẫn đến hiểu lầm Việt Nam có các loại vũ khí này, nên đề nghị không quy định trong Luật. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình”, ông Việt nhấn mạnh.