Không để hình thành các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội nhận định, tình hình phạm tội và vi phạm pháp luật trong năm 2022 trên địa bàn TP còn tiềm ẩn nhiều phức tạp, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông; tình trạng các nhóm đối tượng thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng...
Chiều 16/3, Ban Chỉ đạo 138 TP Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở UBND TP Hà Nội đến điểm cầu 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lực lượng chức năng đã kiềm chế, kéo giảm giảm 871 vụ (tỷ lệ 18,1%) tội phạm về trật tự xã hội so với năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19). Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng.
Kết quả điều tra khám phá chung của tội phạm về trật tự xã hội, khám phá án đặc biệt nghiêm trọng đạt cao và vượt chỉ tiêu công tác năm của Công an TP và chỉ tiêu của Quốc hội đề ra; khám phá chung đạt 87,3%, trong đó án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 97,8%. Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm đạt 90,17% (đạt mục tiêu Quốc hội đề ra); tiếp tục duy trì số đối tượng truy nã xuống dưới 4 con số.
Công tác phòng, chống mại dâm được các ngành chức năng, các cấp chính quyền nhiều địa phương quan tâm. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, đấu tranh, triệt phá 137 ổ mại dâm, bắt giữ 581 đối tượng; xử lý hình sự 135 vụ với 171 đối tượng. Về công tác cai nghiện và quản lý người nghiện ma túy, trong năm 2022 các cơ sở cai nghiện đã tổ chức tiếp nhận và cai nghiện bắt buộc cho 1.101 người (đạt 115,9% chỉ tiêu)…
Mặc dù vậy, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhận định, tình hình phạm tội và vi phạm pháp luật trong năm qua vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp. Trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng internet, mạng viễn thông; tình trạng các nhóm đối tượng thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng; tội phạm lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa trên tuyến hàng không để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy; tội phạm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện như bar, karaoke, vũ trường… có xu hướng gia tăng.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, trong năm 2023, Ban chỉ đạo 138 TP đã đề ra 7 nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả tốt nhất. Trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường công tác phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị-xã hội nhằm nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc từ cấp cơ sở; tổ chức thực hiện tốt các biện pháp vận động, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm phát sinh từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương chủ động trong công tác nắm tình hình, dự báo, tham mưu, đề xuất Thành ủy, UBND TP những giải pháp hiệu quả, giải quyết triệt để những vấn đề phức tạp nổi lên trên từng lĩnh vực; xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy, nổ.
Công an TP tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan chủ động trong công tác nắm tình hình; tập trung lực lượng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; không để hình thành các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, tội phạm hoạt động công khai, lộng hành, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND Lê Hồng Sơn cũng yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm túc Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tư, an toàn xã hội năm 2023”.