Không để học sinh phải 'gánh' ước mơ của phụ huynh
Các bậc cha mẹ luôn mong muốn con cái mình có một tương lai tốt đẹp và thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng khiến nhiều học sinh cảm thấy áp lực, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý.
“Điểm 8 với bố mẹ em là điểm kém”
Em H.C (THPT Thăng Long, Hà Nội) được bố mẹ đưa đi học thêm ngay từ khi còn nhỏ, dù gia đình em đều theo nghề giáo. “Mỗi khi có kết quả bài thi, nếu như những người bạn của em thở phào nhẹ nhõm vì được 8 thì em lại cảm thấy vô cùng lo lắng, sợ hãi vì không biết liệu bố mẹ có thất vọng về mình không? Với bố mẹ em, 8 là một điểm kém, điểm của em luôn phải trên 9. Em rất ít khi nhận được những lời động viên, quan tâm từ bố mẹ”, H.C tâm sự.
Tương tự, em N.T.T.T (THCS Quang Trung, Hà Nội) đang chịu rất nhiều áp lực từ phía phụ huynh. Cả ngày đi học, vừa từ lớp học thêm về, em lại phải tự học đến 12 giờ khuya. Em T kể: “Ngày hôm nay em phải học tận 4 ca. Bình thường thì một tuần em học khoảng 5 đến 6 ngày như thế và gần như không có hôm nào được nghỉ. Kể cả những hôm được nghỉ ở nhà thì em cũng phải ở nhà để làm bài tập, không được đi chơi với bạn bè. Vì ở lớp, các bạn đều rất giỏi nên nếu không học thì sẽ mất tốp đầu. Đôi lúc em cũng áp lực đến mức chỉ muốn buông bỏ mọi thứ”.
Tuy nhiên, mẹ của em - cô H.L lại cho rằng: “Tôi thấy các cháu học như thế cũng là bình thường thôi. Bản thân tôi cũng là giáo viên và học sinh của tôi cũng mới học cấp một nhưng các cháu cũng dần làm quen với việc học ngoài giờ rồi. Thậm chí, các bạn cùng lớp của con tôi còn phải học nhiều hơn nữa”.
Một số giáo viên chia sẻ: phụ huynh cho con đi học thêm cũng có rất nhiều mục đích. Ngoài việc để con ôn luyện kiến thức phục vụ kiểm tra, thi cử hay cải thiện học lực, nhiều phụ huynh cho con đi học thêm đơn giản do không có thời gian. Họ sợ con ở nhà xem tivi, chơi game nên gửi con vào lớp học thêm “nhờ” cô trông. Một số phụ huynh cũng có tâm lý con đi học thêm mới lĩnh hội được nhiều kiến thức bên ngoài, hay muốn con giỏi thì phải học thêm. Không chỉ gửi con học lớp của giáo viên ở trường công, giáo viên về hưu, nhiều phụ huynh còn gửi con học ở các trung tâm dạy học chưa được cấp phép, với những người giảng dạy chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm…
Mới đây, tâm thư của một phụ huynh ở Hà Tĩnh “Xin trả lại tuổi thơ cho trẻ” vì lịch học thêm dày đặc đã nhận được nhiều ý kiến trên mạng xã hội. Tuy nhiên, không ít người làm trong ngành giáo dục cho rằng việc này không phải do giáo viên mà do chính nhu cầu của phụ huynh cho con đi học thêm quá nhiều.
Thực tế, nhiều phụ huynh mong muốn con mình phải học giỏi toàn diện: “Văn hay, Toán giỏi, nói tiếng Anh như gió”. Đặc biệt, trong cuộc đua của phụ huynh cho con vào trường chuyên, họ cho con học thêm ở nhiều nơi. Nhưng phần đa ý kiến từ các em cho thấy, đang có sự “ngược chiều” giữa phụ huynh và con cái. Trong khi cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng vào con, mong muốn các con có thành tích học tập tốt để hướng tới tương lai tốt đẹp thì các con luôn mong có thời gian để nghỉ ngơi, được tự do theo đuổi những đam mê, sở thích cá nhân. Sự mâu thuẫn giữa hai thế hệ dẫn tới việc không thấu hiểu, đôi lúc bố mẹ còn áp đặt, so sánh con mình với con nhà người ta. Do đó, nhiều trẻ bị áp lực, mất niềm tin vào bản thân và bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực.
Học cách không gây áp lực cho con
Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), khoảng 8 - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Ước tính tại Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết.
Theo ThS. Nguyễn Vân Anh - Chuyên gia tâm lý trẻ em và thanh, thiếu niên, Viện Tâm lý học và Truyền thông, việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng lên con cái dễ khiến các em gặp vấn đề về sức khỏe và tinh thần. Các em có nguy cơ rối loạn về giấc ngủ, rối loạn trong sinh hoạt. Trẻ em sẽ có nguy cơ thiết lập những thói quen sống không lành mạnh, có nguy cơ bị thừa cân, ăn uống không cân bằng dinh dưỡng, nhiều kĩ năng sống bị ảnh hưởng, khó cân bằng giữa thời gian nghỉ ngơi và làm việc, tập thể thao. Nặng hơn, các em có thể nảy sinh cảm giác bất lực, trầm cảm, tự cô lập, chỉ trích.
Để không gây ra áp lực cho con mà vẫn có thể giúp các em tiến bộ trong học tập, theo chị Vân Anh, phụ huynh cần trao đổi một cách cởi mở, thẳng thắn, chân thành với con. Phụ huynh không nên ở vị trí áp đặt, chuyên quyền mà cần giống như một người tư vấn, bạn đồng hành của con. Phụ huynh cần nhìn nhận con cái như một cá nhân đang trưởng thành và đang có những quyết định quan trọng trong cuộc đời mình.
Khi đưa ra một quyết định liên quan đến việc học, phụ huynh nên thảo luận với con. Cha mẹ cần biết con mong muốn được học gì, môn nào là sở trường để từ đó định hướng các con thật rõ ràng. Nếu như cần học thêm, phụ huynh cũng có thể thảo luận với con về địa điểm, giáo viên nào và thời gian học như thế nào cho thích hợp.
Các bậc cha mẹ cũng cần theo dõi sự tiến bộ và có sự ghi nhận kịp thời cho những nỗ lực của con. Khi kết quả học tập không như ý muốn, phụ huynh cũng không nên trách móc, mắng mỏ mà thay vào đó nên khuyến khích, động viên các em tiến bộ trong học tập.
Đồng thời, con cái cũng cần hợp tác, sẻ chia nhiều hơn với cha mẹ. Các em có thể chia sẻ trực tiếp hay viết thư, viết những lời nhắn nhỏ cho cha mẹ để ở những nơi họ thường đi qua hoặc ở nơi sinh hoạt chung của gia đình. Chị Vân Anh chia sẻ: “Không có cha mẹ nào hoàn hảo, kể cả việc làm cha mẹ lẫn con đều cần phải học. Không ai biết rõ phải làm gì ngay từ đầu. Chúng ta cần học cách sống chung, cải thiện việc giao tiếp với nhau hàng ngày”.
Các kỳ thi đang đến gần, trong thời gian này, cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc động viên và hỗ trợ con em mình. Phụ huynh có thể giúp con lựa chọn các ngôi trường phù hợp với năng lực học tập và sở trường của mình, đồng thời thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ vào con em mình. Hành động này không chỉ giúp các em tự tin hơn khi tiến vào kỳ thi, mà còn thể hiện sự gắn kết và yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Chính sự đồng hành và chia sẻ trong giai đoạn này sẽ giúp các em vượt qua áp lực, tiến tới những thành công trong tương lai.
Hơn 10 năm trước, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 17/2012 về dạy thêm và học thêm, trong đó yêu cầu không dạy thêm với học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường. Căn cứ Thông tư trên, UBND các tỉnh, thành phố còn ban hành quy định riêng nhằm chấn chỉnh, nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn. Trả lời các đại biểu Quốc hội về tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của phụ huynh, học sinh thì không thể cấm, còn nếu giáo viên cố tình bớt xén nội dung chính thức để ép học sinh học thêm mới cần nghiêm khắc loại bỏ. Tới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu để Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Việc đưa dạy thêm vào nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện có thể hạn chế tiêu cực trong hoạt động này, tránh ảnh hưởng xấu đến học sinh. Nhưng nhiều ý kiến lo ngại, nếu không có cơ chế quản lý và giám sát, dạy thêm vẫn sẽ là vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội.