Không để lãng phí nguồn lực phát triển

TP Hà Nội đang xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị chức năng trước khi tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.

Bản đồ (dự kiến) phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 TP Hà Nội.

Bản đồ (dự kiến) phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 TP Hà Nội.

Còn 2.500ha đất chưa sử dụng

Đại diện Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, Bộ NN&PTNT (một trong những đơn vị thuộc liên danh tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô) cho biết, về hiện trạng sử dụng đất, đến năm 2022 trong tổng diện tích tự nhiên TP Hà Nội là 335.984ha thì có 179.428ha đất nông nghiệp, 136.000ha đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng còn tới 2.500ha.

Nhìn vào cơ cấu sử dụng đất cho thấy, gần như toàn bộ diện tích đất trong tổng diện tích tự nhiên của TP đã được được vào sử dụng cho các mục đích kinh tế, chỉ còn khoảng 0,75% diện tích chưa được sử dụng, trong đó bao gồm cả những dự án đã được giao đất nhưng chưa kịp thời đưa vào sử dụng.

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP và các quận, huyện, thị xã được lập, phê duyệt đã góp phần tích cực vào việc phân bổ, sử dụng tài nguyên đất đai ngày càng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, bền vững. Đồng thời trở thành căn cứ để tiến hành thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. TP Hà Nội được mở rộng, có quỹ đất lớn và thuận lợi để quy hoạch, phát triển đô thị, nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước quan tâm. Ngoài ra, TP cũng thực hiện trích đo bản đồ địa chính phục vụ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, lập quy hoạch chi tiết, lập dự án, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất theo định kỳ kiểm kê đất đai…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, việc thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất với một số mục đích sử dụng còn thấp. Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP và các quận, huyện, thị xã chậm so với quy định về thời gian của kỳ quy hoạch, kế hoạch. Một số địa phương chưa có được bản đồ địa chính đo vẽ chính thức, gây khó khăn, hạn chế trong quản lý đất đai. Việc cập nhật thông tin biến động, chỉnh lý biến động trên bản đồ, hồ sơ địa chính chưa đều đặn.

Theo GS Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trước thực trạng khai thác sử dụng đất đai còn nhiều hạn chế, lãng phí trong thời gian qua, Hà Nội cần đánh giá rõ để từ đó có cơ sở điều chỉnh trong giai đoạn tới. Muốn có không gian phát triển mới, cần đánh giá kỹ xem có đủ quỹ đất, nguồn lực để thực hiện. Như việc di dời các trường học, bệnh viện khỏi nội đô thì xác định quỹ đất ở đâu để di dời những cơ sở đó? Hay như việc xây dựng trung tâm hành chính TP tại khu phía Bắc, sân bay tại phía Nam… đều cần xác định xem có đủ quỹ đất để xây dựng. Hà Nội là một địa bàn rất đặc thù, do đó rất cần cơ chế riêng trong việc khai thác, sử dụng đất đai để đất đai thực sự là nguồn lực cho phát triển.

Hạn chế chuyển đổi đất nông nghiệp sang khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị

Trong phương án phân bổ đất đai đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô, đơn vị tư vấn cho hay, quan điểm của TP là sử dụng tiết kiệm, hợp lý và hiệu quả quỹ đất, bảo đảm hài hòa giữa các mục đích sử dụng đất gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở từng thời kỳ.

Một điều cần lưu ý là số liệu về các loại đất thống kê trên giấy và trên thực tế đang sử dụng ở nhiều khu vực chưa chắc đã giống nhau, thậm chí rất khác nhau, nhất là đất nông nghiệp. Do đó, các đơn vị tư vấn cần khảo sát, đánh giá đúng thực tế, từ đó giúp TP có phương án quy hoạch khoanh vùng đất đai trong giai đoạn tới được hiệu quả, chính xác.

PGS.TS Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Phát triển (Bộ KH&ĐT

Tại các quận nội thành, quỹ đất hạn chế, mật độ dân số đông; ở ngoại thành, nhất là khu vực phía Tây, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang diễn ra nhanh chóng. Do đó, TP xác định chỉnh trang các khu dân cư hiện trạng, mở rộng diện tích đất ở thông qua xây dựng khu dân cư mới quy mô tập trung. Diện tích đất công được bảo vệ để dự trữ cho các mục đích công cộng.

Bên cạnh đó, TP cũng xác định ổn định quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp, bảo đảm ổn định diện tích đất trồng lúa, duy trì và bảo vệ diện tích rừng hiện có, phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp theo quy hoạch được phê duyệt. Hạn chế đến mức thấp nhất chuyển đổi đất nông nghiệp trồng 2 vụ lúa sang phát triển các khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị.

Khai thác sử dụng đất đi đôi với cải tạo, bồi bổ, làm giàu quỹ đất, gắn lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường đất, cảnh quan thiên nhiên. Bảo đảm quỹ đất cho nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình phúc lợi công cộng, phát triển đô thị, khu dân cư nông thôn. Bố trí quỹ đất hợp lý để phát triển các khu, cụm công nghiệp tại những vị trí phù hợp và phải bảo đảm vệ sinh môi trường. Bảo đảm quỹ đất cho an ninh, quốc phòng, việc khai thác sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội cần phải gắn với vấn đề quốc phòng, an ninh, quán triệt phương châm kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, địa phương, sử dụng và khai thác đất một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất, trên cơ sở diện tích cần chuyển đổi mục đích sử dụng giữa các loại đất thì diện tích cần phải thu hồi để thực hiện dự án, công trình trên toàn địa bàn TP là hơn 37.600ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi hơn 26.000ha và đất phi nông nghiệp phải thu hồi 11.600ha. TP cũng xác định diện tích chuyển mục đích sử dụng đất như sau: đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp 26.000ha; đất phi nông nghiệp không phải đất ở chuyển sang đất ở 1.179ha

PGS. TS Bùi Tất Thắng – nguyên Viện trưởng Viện Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng, trong quy hoạch tích hợp Thủ đô lần này, mọi lĩnh vực đều diễn ra trên mặt bằng đất đai, do vậy đây là lĩnh vực cần được nghiên cứu kỹ, dày công hơn. Hà Nội cũng như một số TP lớn khác, từ 10 - 30 năm tới, thực chất là quá trình bố trí lại không gian, chuyển đổi từ đất đai nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phục vụ đô thị hóa.

Do đó, cần có sự phân tích, bóc tách rõ ràng để tính được hiệu quả, hiệu suất sử dụng của từng loại đất như đất nông nghiệp, đất công nghiệp, đất dịch vụ… Trên cơ sở đó có phương án chuyển đổi các loại đất hiệu quả sử dụng thấp sang những lĩnh vực cần đất để xây dựng như giao thông, y tế, giáo dục...

Vũ Cúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-lang-phi-nguon-luc-phat-trien.html