Không để lợi ích nhóm trong cổ phần hóa
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 161/NQ-CP về đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước...
Nghị quyết nêu rõ một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Trong đó mỗi Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo. Xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành các chuỗi giá trị, tiên phong trong việc thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0; chủ động hơn nữa trong hội nhập, vươn ra thị trường quốc tế; lấy thị trường nội địa làm trọng tâm, làm bàn đạp để vươn mình hội nhập, kết nối với chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu.
Nhà nước phải nắm cổ phần lĩnh vực thiết yếu
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cần góp phần tích cực trong cơ cấu lại nền kinh tế, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo an ninh cho nền kinh tế (an ninh năng lượng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường...). Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì Nhà nước phải nắm cổ phần chi phối.
Các lĩnh vực điện lực, lương thực, viễn thông, các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và một số doanh nghiệp phúc lợi phục vụ nhân dân thì Nhà nước phải nắm cổ phần. Doanh nghiệp nhà nước phải có chiến lược, dẫn dắt thúc đẩy phát triển một số lĩnh vực như công nghệ 5G, Chính phủ điện tử, thành phố thông minh... nhận thức rõ vai trò, vị thế của doanh nghiệp nhà nước trong vấn đề này để đổi mới, nâng cao hiệu quả và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp tục phát huy vai trò, đổi mới mô hình tổ chức và phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng, các tổ chức đoàn thể trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước quy định rõ trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước khi để xảy ra thua lỗ, tổn thất trong hoạt động và vi phạm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có liên quan và một số nội dung.
Trong đó, khẩn trương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trực thuộc theo đúng quy định tại Quyết định số 707/QĐ-TTg; kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan về việc chậm phê duyệt phương án theo quy định.
Khẩn trương chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thực hiện báo cáo kê khai, đề xuất phương án xử lý nhà, đất, trên cơ sở đó tổng hợp, lập phương án báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt; rà soát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất bảo đảm thực hiện đúng chế độ quy định, không để xảy ra thất thoát, lãng phí.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trong việc kiểm tra hiện trạng nhà, đất; khẩn trương có ý kiến về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn để bảo đảm tiến độ phê duyệt phương án xử lý.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện nghiêm việc đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán; bàn giao các doanh nghiệp thuộc diện phải bàn giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo đúng quy định của pháp luật;...
Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước vừa đảm bảo yêu cầu chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo tối đa hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát, điều chỉnh lại các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới; trong đó, xây dựng các giải pháp ứng phó rủi ro, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19, đề xuất, kiến nghị cụ thể giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi dịch kết thúc.
Quan tâm đối với người lao động, sắp xếp, bố trí lao động hợp lý, bảo đảm công ăn việc làm, thu nhập ổn định, chăm lo đời sống cho người lao động. Trường hợp bất khả kháng phải cắt giảm tạm thời số lượng lao động, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ, trợ cấp phù hợp.
Không để lợi ích nhóm trong cổ phần hóa
Các địa phương phát huy thế mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tầu cho phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng và thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển bền vững, đồng bộ. Thúc đẩy liên kết nội vùng, liên vùng và quốc tế, tạo cơ sở phát triển mô hình tổ chức lãnh thổ, tổ chức sản xuất kinh doanh mới; hình thành các cụm ngành, chuỗi giá trị sản xuất và cung ứng liên thông.
Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện nhất quán và triệt để cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung giải quyết các điểm bất cập làm cản trở doanh nghiệp phát triển; phục hồi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy; xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị mới;..
Nâng cao vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm trong việc triển khai cổ phẩn hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/khong-de-loi-ich-nhom-trong-co-phan-hoa-20201102194036654.htm