Không để người bỏ tiền mua điểm thoát tội
Các đại biểu đề nghị xử nghiêm những phụ huynh đã bỏ tiền mua điểm dù họ là ai, công tác ở đâu và làm rõ con số 1 tỉ đồng chạy điểm
Sáng 27-5, bên lề hành lang Quốc hội (QH), đại biểu (ĐB) Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH - đánh giá việc gian lận thi cử đã là nghiêm trọng nhưng việc cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Sơn La khai nhận 1 tỉ đồng để chạy điểm càng nghiêm trọng hơn.
Ông Hùng nói dù số tiền mà người ta bỏ ra để mua điểm là bao nhiêu đi nữa thì cũng phải xử lý nghiêm. Bởi đã là gian lận thi cử, là tiêu cực, dùng tiền để gian lận thì càng nghiêm trọng. Câu chuyện không phải 1 tỉ đồng hay 1.000 đồng. Dù không đến con số 1 tỉ đồng vẫn phải xử lý đến nơi đến chốn để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật.
"Nhất là đối với giáo dục. Sản phẩm của giáo dục là con người. Vì thế chúng ta muốn xây dựng được con người có đạo đức, tư cách tốt, tương lai của đất nước thì phải xử lý gian lận trong giáo dục thật nghiêm" - ĐB Triệu Thế Hùng cho nêu quan điểm.
ĐB Triệu Thế Hùng nhấn mạnh không chỉ những người trực tiếp sửa điểm mà cả những phụ huynh bỏ tiền ra mua điểm cũng cần bị xử lý, dù là cán bộ công tác ở đâu. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nên nếu ai vi phạm đều sẽ bị xử lý. Đặc biệt với cán bộ, đảng viên thì tính nêu gương phải đi đầu.
Cùng quan điểm, ĐB Chu Lê Chinh (Lai Châu) cho rằng "giá" chạy điểm là 1 tỉ đồng dù ít hơn hay nhiều hơn đều là hành vi tiêu cực trong thi cử và cần được làm rõ, công khai thông tin để người dân biết.
Theo vị ĐB là Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, việc công khai danh tính của thí sinh, kể cả phụ huynh và những cá nhân trong cơ quan quản lý có sai phạm, đều phải được thực hiện theo quy định của pháp luật nhằm tạo sự công bằng trong xã hội, công bằng trong chính sách pháp luật.
Để xảy ra vụ việc nghiêm trọng như vậy, trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch Hội đồng chấm thi, công tác quản lý giáo dục của địa phương ở lĩnh vực này và cơ quan kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động thi cử.
Theo ĐB Chinh, cử tri vẫn chưa thật sự hài lòng với thời gian kéo dài gần 1 năm mà vẫn chưa có kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
"Tôi đề nghị phải làm nhanh và có kết luận chính xác, đúng người, đúng hành vi và tính chất vi phạm, đúng quy định của pháp luật... Trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia năm 2019-2020 sắp đến, cử tri và phụ huynh, học sinh rất mong đợi kết quả và cũng là bài học trách nhiệm cho kỳ thi năm nay, không để tái diễn sai phạm đáng tiếc như năm qua" - ĐB Chinh nói.
Nếu đưa 1 tỉ, tôi không dám nhận!
GS-TS Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) tỏ ra bất ngờ trước số tiền mà phụ huynh bỏ ra để mua điểm cho con. "Nếu đưa cho tôi 1 tỉ đồng, tôi cũng không dám nhận để làm như vậy. Qua đó thể hiện sự xuống cấp, ý thức quá kém của cán bộ Sở GD-ĐT Sơn La. Tôi không tự dưng là ĐBQH, họ cũng không tự dưng làm cán bộ, tất cả là do dân, vì dân, vậy mà làm những điều đó là không được" - ông Trí mong mỏi trong giai đoạn 2 của vụ án, cơ quan chức năng sẽ điều tra, đưa ra ánh sáng những người liên quan đến sự việc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-nguoi-bo-tien-mua-diem-thoat-toi-20190527224946689.htm