Không để người dân bị thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi ở do mưa bão

Sáng 8/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với 26 tỉnh, TP nhằm đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó với tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả bão số 3.

Tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang, các đồng chí Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh chủ trì. Cùng dự có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT, cơn bão số 3 đã gây hậu quả nặng nề đến nước ta. Bão duy trì trên đất liền với thời gian dài kỷ lục, khoảng 12 giờ, sức gió mạnh nhất tại một số nơi lên cấp 14, giật cấp 17.

 Đồng chí Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại điểm cầu Bắc Giang.

Đồng chí Nguyễn Văn Gấu chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại điểm cầu Bắc Giang.

Do sóng to, gió lớn, bão số 3 đã khiến cả nước có 5 người chết, 175 người bị thương; 25 tàu xi măng, một số tàu gỗ nhỏ bị chìm, một số xà lan đứt dây, trôi dạt; nhiều tỉnh, TP mất liên lạc, mất điện diện rộng; hàng loạt cây xanh đô thị bị đổ, gãy. Hàng trăm nghìn ha lúa, hoa màu bị đổ, hư hại; hơn 1 nghìn lồng bè nuôi cá bị cuốn trôi… Ngoài ra, sáng sớm ngày 8/9, tại tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất làm 4 người chết, 1 người bị thương nặng.

Hiện nay, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn ở Bắc Bộ. Tại tỉnh Bắc Giang, bão số 3 khiến huyện Sơn Động và Lục Ngạn có gió mạnh cấp 8 giật cấp 10, tại TP Bắc Giang và nhiều địa phương khác trong tỉnh gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Lũ trên sông Lục Nam dâng cao, nhiều nơi tại Sơn Động, Lục Ngạn bị ngập nặng, chia cắt giao thông. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế.

Mặc dù đã tích cực triển khai các phương án ứng phó với bão số 3 nhưng do đây là cơn bão rất mạnh, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, kèm theo mưa to đến rất to đã làm một số người dân bị thương, gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, nhân dân và sản xuất nông nghiệp trong tỉnh. Về người, Bắc Giang có 1 người mất tích (bị lũ cuối trôi ở Lục Ngạn, chưa xác định được danh tính), một số người khác bị thương.

 Các đại biểu dự tại các điểm cầu.

Các đại biểu dự tại các điểm cầu.

Về nhà ở, có 1 nhà ở TP Bắc Giang bị đổ sập; tốc mái 1.257 nhà ở, tập trung tại các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Việt Yên, Tân Yên, Yên Dũng. Toàn tỉnh đã di dời khẩn cấp 458 hộ gia đình ở Sơn Động, Lục Ngạn, Việt Yên, TP Bắc Giang.

Khoảng 4,8 nghìn ha lúa đang phơi đòng bị đổ; gãy, đổ 2,8 nghìn ha rừng sản xuất, hàng nghìn cây xanh đô thị. Sạt lở một số công trình thủy lợi, đường giao thông, mất điện diện rộng...

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ biểu dương lực lượng tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3. Hoan nghênh các cơ quan chuyên môn đã chấp hành nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng chí cảm ơn nhân dân đã vào cuộc tích cực cùng tham gia phòng, chống bão. Đồng chí yêu cầu trước mắt cần tập trung cứu người, rà soát số người mất tích; cứu chữa người bị thương, lo hậu sự cho người xấu số.

Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám bệnh; khắc phục nhanh sự cố điện, viễn thông, các dịch vụ khác cho sản xuất, kinh doanh.

Khẩn trương thống kê thiệt hại một cách chính xác, khách quan; tập trung phòng, chống hoàn lưu bão, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.

Cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành có liên quan theo thẩm quyền chủ động khắc phục hậu quả sau bão. Các bộ, ngành thực hiện nghiêm quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền hướng dẫn quy định, tiêu chuẩn quy chuẩn để khắc phục hậu mưa bão, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo kịp thời. Công tác dự báo, truyền thông cần tiếp tục duy trì làm tốt.

Sau bão cần kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan không bị thiệt hại hỗ trợ cho địa phương bị thiệt hại trên tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Cấp, xuất gạo dự trữ kịp thời song phải chính xác, chặt chẽ.

Qua phòng, chống với bão, kinh nghiệm cho thấy, các bộ, ngành địa phương trên cơ sở chức năng quyền hạn đã chủ động chấp hành chỉ đạo của cấp có thẩm quyền; tích cực, sáng tạo trong phòng, chống, khắc phục hậu quả. Huy động tối đa lực lượng tại chỗ tham gia xử lý tình huống.

Công tác truyền thông, báo chí vào cuộc rất tốt, trong lúc bão to, sóng lớn đã có thông tin kịp thời. Cần biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm trường hợp để xảy ra hậu quả do lỗi chủ quan.

Sau khi kết thúc hội nghị tại điểm cầu T.Ư, tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương thông tin, cơ bản các địa phương, ngành chấp hành nghiêm chỉ đạo, trực ban nghiêm túc ứng phó với bão số 3. Dự báo sau bão, hoàn lưu tiếp tục gây mưa lớn rồi giảm dần. Đồng chí yêu cầu từ nay đến chiều 8/9 cần tập trung cao rà soát, nắm chắc thiệt hại để có biện pháp chỉ đạo khắc phục.

Tập trung khắc phục hậu quả trên tinh thần địa phương nào khắc phục địa phương đó, ngành nào khắc phục ngành đó. Trước tiên, ưu tiên khắc phục sự cố điện. Phải khôi phục hoàn toàn hệ thống viễn thông, bảo đảm thông tin liên lạc; bơm tiêu nước cứu lúa, các trạm bơm phải vận hành hết công suất. Khắc phục công trình hư hại, nhất là trường học, trụ sở trạm y tế, UBND xã, công an xã.

Đồng chí lưu ý, ngày mai (9/9), học sinh bắt đầu trở lại trường, những nơi nào không an toàn thì phải dừng học. Các thủ tục hành chính tiếp tục duy trì bình thường trong ngày mai. Các công ty thủy nông quản lý, vận hành bảo đảm an toàn tiêu úng các khu công nghiệp, ổn định sản xuất nông nghiệp.

Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp tham mưu trích ngân sách dự phòng, quỹ PCTT để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do bão theo đúng quy định.

Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN của tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo địa bàn được phân công, bám sát tình hình và xử lý kịp thời các tình huống.

Đồng tình với chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Văn Gấu thay mặt Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận, biểu dương các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN, các sở, ngành đã tích cực vào cuộc, nỗ lực trong PCTT để hạn chế thiệt hại.

Đồng chí lưu ý, PCTT không được chủ quan, hiện nay nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về gây lũ lớn trên một số sông. Do đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh tiếp tục bám sát các địa phương nắm chắc tình hình để chỉ đạo biện pháp khắc phục hậu quả.

Các địa phương có nguy cơ xảy ra sự cố thiên tai cần đặt an toàn tính mạng của người dân lên trên hết, kiên quyết di dời người dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư ứng cứu nơi xảy ra sự cố.

Ngành Y tế tập trung phương tiện, dụng cụ cứu chữa người bị thương, phòng, chống dịch bệnh sau khi lũ rút. Các lực lượng duy trì nghiêm lịch ứng trực. Về trường học, nơi nào bị tốc mái, cây đổ phải huy động ngay lực lượng vào cuộc dọn dẹp, bảo đảm an toàn mới tổ chức học.

Ngành Nông nghiệp thống kê thiệt hại đầy đủ, chính xác, kiến nghị T.Ư hỗ trợ theo quy định. Các cấp, ngành địa phương xem xét, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong PCTT, động viên, thăm hỏi gia đình có người tử vong, người bị thương.

Tin, ảnh: Trịnh Lan

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/khong-de-nguoi-dan-bi-thieu-an-thieu-mac-thieu-noi-o-do-mua-bao-122700.bbg