Không để người dân có đất bị thu hồi thiệt thòi
Một trong những vấn đề khiến nhiều người dân bức xúc và khiếu nại nhiều liên quan đến việc bồi thường, thu hồi đất để thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, người dân chủ yếu chưa đồng tình vì giá đất bồi thường còn thấp hơn so với giá đất chuyển nhượng trên thị trường. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều dự án ở Đồng Nai kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành. Các dự án kéo dài tiến độ sẽ khiến vốn đầu tư của công trình bị 'đội' lên, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.
Dự án chậm triển khai là vấn đề được nhiều cử tri quan tâm kiến nghị và được nhiều đại biểu chất vấn tại Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa IX (diễn ra trong 3 ngày, từ 4 đến 6-12). Tại kỳ họp, các đại biểu đã yêu cầu các sở, ngành liên quan và tỉnh có giải pháp giải quyết bức xúc cho người dân có đất bị thu hồi làm dự án, công trình; đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án để tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Phú Cường, các hộ dân trong dự án bức xúc vì giá đất bồi thường thấp so với giá đất mua bán ngoài thị trường là đúng. Muốn giải quyết vấn đề này, các địa phương nơi được giao xác định giá bồi thường cho các dự án phải tính toán mức giá cho phù hợp, gần với giá thị trường để không gây thiệt thòi cho người dân. Nếu làm được như vậy, người dân sẽ đồng tình, sớm giao đất để chủ đầu tư kịp thời triển khai các dự án theo đúng tiến độ. Như vậy, các dự án cũng giải quyết được vấn đề khó khăn hiện nay là giải ngân vốn đầu tư chậm.
Ngoài ra, dự án kéo dài còn do năng lực của đơn vị thi công yếu, quá trình thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan đến dự án phải điều chỉnh mất nhiều thời gian. Về việc này, các cơ quan cấp phép dự án trong quá trình lựa chọn nhà đầu tư, đơn vị thi công phải xem xét kỹ để tránh chọn phải những đơn vị thực hiện có năng lực yếu kém. Lãnh đạo UBND tỉnh cho biết, trong thời gian tới sẽ rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai trên địa bàn tỉnh, xem nguyên nhân từ đâu để có giải pháp cụ thể cho từng dự án. Tuy nhiên nếu nhà đầu tư không đủ năng lực thì tỉnh sẽ thu hồi dự án, mời gọi những doanh nghiệp đủ năng lực khác triển khai tiếp.
Thực tế, thời gian qua UBND tỉnh đã thu hồi 35 dự án chậm triển khai tại các địa phương. Thế nhưng, số dự án kéo dài 7-10 năm tại các huyện, thành phố vẫn còn khá nhiều, đặc biệt khu vực Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, Biên Hòa. Do đó, người dân mong đợi tỉnh sớm rà soát, kiểm tra các dự án chậm triển khai để nhanh chóng có hướng xử lý phù hợp.