Không để rừng 'chảy máu'

Từ điều tra của các nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), vụ phá rừng ở huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được phanh phui vào cuối tháng 4-2020. Đến cuối tháng 5-2020, Công an tỉnh này đã khởi tố vụ án.

Đó chỉ một trong những vụ việc điển hình về nhà báo dấn thân, điều tra tới cùng sự việc, bất chấp hiểm nguy tới tính mạng, sức khỏe. Nhiều vụ được điều tra, khởi tố sau khi các báo đài phản ánh với các bằng chứng xác thực. Vào tháng 5-2019, Công an huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng khởi tố vụ án "Hủy hoại tài sản" đối với vụ hơn 10 ha rừng tại Tiểu khu 292 thuộc địa bàn xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà bị đầu độc đến chết mà Báo Người Lao Động phản ánh qua bài viết "Đủ chiêu bức tử rừng thông"…

Tuy nhiên trên thực tế, còn rất nhiều vụ phá rừng chưa được phanh phui, hoặc được đưa ra nhưng sau đó "chìm xuồng" hoặc xử lý không như người dân mong đợi. Dù từ giữa năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa tất cả rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác, kể cả dự án được phê duyệt, chưa triển khai, nhưng từ đó đến nay rừng vẫn tiếp tục bị xâm hại, nhiều cánh rừng bị chặt phá, biến mất khỏi thực địa…

Thủ phạm các vụ phá rừng, dĩ nhiên là lâm tặc. Song tiếp tay cho lâm tặc hoặc đích thân làm lâm tặc lắm khi lại là cán bộ kiểm lâm. Trong vụ án Phượng "râu" phá rừng ở giáp ranh hai tỉnh Đắk Lăk, Đắk Nông, ông Bùi Văn Khang, lúc giữ chức Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn, ký xác nhận không đúng quy định nhiều bảng kê lâm sản từ tháng 4 đến tháng 9-2017 và được "lại quả" nhiều lóng gỗ cùng hàng trăm triệu đồng.

Cũng có khi kẻ phá rừng lại là người di dân tự do, phá rừng để lấy đất canh tác và cả người được giao khoán đất rừng. Năm 2007, 13 hộ dân ở xã Ea Bung (huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk) nhận giao khoán hơn 1.735 ha rừng. Đến nay, rừng đã mất trắng, đất rừng cũng bị người dân lấn chiếm. "UBND huyện giao rừng cho nhóm hộ quản lý bảo vệ nhưng suốt 12 năm qua không hề chi trả một khoản kinh phí nào thì làm sao chúng tôi bảo vệ được rừng" - một trưởng nhóm hộ nhận giao khoán đã nói như vậy.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, tháng 5-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk việc thành lập Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ rừng. Trước đó, năm 2017, Tỉnh ủy Đắk Nông đã thành lập ban chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy đứng đầu tập trung xử lý, ngăn chặn đà suy giảm của rừng tự nhiên trên toàn tỉnh. Sự ra đời của các ban chỉ đạo này đã có những kết quả nhất định, nhất là vai trò quản lý và địa chỉ trách nhiệm khi xảy ra những vụ phá rừng.

Tại hội nghị tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng các tỉnh Tây Nguyên vào ngày 22-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất rừng, từng bước khôi phục, phát triển rừng để đến năm 2030, diện tích rừng đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỉ lệ che phủ rừng lên 49,2%.

Để đạt mục tiêu, phải có sự phối hợp vào cuộc của các lực lượng chức năng, phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án phá rừng với bản án nghiêm khắc, không nương nhẹ, bao che những kẻ hủy hoại rừng.

HOÀNG HOA

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/khong-de-rung-chay-mau-20200622225057944.htm