Không để sống chung với cờ bạc

LTS: 'Sống chung với lũ' là câu thành ngữ đã quen của người Việt. Và có một loại 'lũ' có sức tàn phá rất lớn mà chúng ta vẫn sống chung với nó hàng ngày một cách bình thản, thậm chí còn không lưu tâm tới sức công phá ấy. Đó chính là cờ bạc, thứ xuất hiện nhan nhản, dưới mọi hình thức, mọi ngóc ngách…

Tâm lý cờ bạc

Quê vợ tôi ở gần biên giới giáp với Campuchia, nơi những sòng bạc mọc lên như nấm ở bên nước bạn. Cứ cuối tuần, ai mang máu đỏ đen giải khuây có thể lên một xe 16 chỗ được sòng bài thuê chở sang bên kia thử vận may.

1. Casino sẵn sàng đưa đón, cung cấp nơi ăn, chốn ở tiện nghi miễn phí trong nhiều ngày, với một mục đích rõ ràng: người chơi phải đánh bạc càng lâu càng tốt. Các sòng này thường có người Việt Nam, lôi kéo người chơi với lời hứa rằng nhiều người đã thắng và mang tiền về rồi. Kể cả không chơi, thì sang tham quan, cũng "có mất gì đâu mà”.

Nhưng có rất nhiều giai thoại kinh khủng liên quan đến những người thua bạc phải trả giá: bị gửi một ngón tay về nhà để cảnh cáo, cũng như đòi tiền chuộc… mạng sống. Ai đi một mình có thể cầm chính mạng mình để đổi lấy vài trăm triệu, thua hết thì gọi về nhà cầu cứu, để giữ lại mạng.

Có người đã phải cầm cố hết ruộng vườn để trả cho vài tuần thua bạc. Không hề có màu hồng như lời hứa “không mất gì đâu mà”.

Tất cả các trò chơi may rủi, dù là trong sòng bạc như roullette, xì-dách, hay máy chơi bài, thậm chí poker… đều dựa trên một số mô hình thống kê và xác suất cơ bản. Nhưng tại sao đám đông lại hay thua, và chủ sòng luôn thắng?

Sự không chắc chắn được tích hợp vào chúng, đó là lý do tại sao trò chơi "thú vị” và có nhiều người sẵn sàng đánh cược, nhưng mặt khác, trò cờ bạc sẽ không tồn tại nếu “nhà cái” không tự tin rằng họ sẽ luôn thắng cuối cùng. Và có một công thức toán học giải thích chuyện này: Giá trị trung bình của một lần cược = (xác suất thắng) x (tiền thắng nếu thắng) + (xác suất thua) x (tiền mất nếu thua). Lợi thế của nhà cái được định nghĩa là số dương của giá trị cược này.

Ví dụ trong trò roullette, có 37 số từ 0 đến 36. Nếu bạn cược 10 USD vào một số, tiền thắng là gấp 35 lần số tiền cược (350 USD) còn xác suất thắng là 1/37. Vậy giá trị trung bình của một lần cược sẽ là (1/37) x 350 + (36/37) x (-10) = -0,27, tức khoảng 2,7% số tiền cược ban đầu (10 USD).

Hiểu đơn giản là nếu bạn chơi đủ 100 lần, thì lợi thế chắc chắn của nhà cái là luôn dương 2,7% số tiền bạn đã cược, với trò roullette. Chính vì thế mà các casino luôn được thiết kế như một ngôi nhà thu nhỏ, với đầy đủ tiện nghi (đồ ăn thức uống, thậm chí là chỗ ngủ lại), với lời hứa rằng ở đây "an toàn”. Anh có thể thử vận may mà không bị tổn thương.

Tâm lý cờ bạc, vì thế, có thể được định nghĩa là phó mặc công việc của mình cho may rủi, trong "sới” của người khác bày ra, mà không tính hết được rủi ro về sự bất lợi của mình trong dài hạn.

Theo định nghĩa này, bất kỳ ai cũng có thể đang là một con bạc: người vào casino đánh bài; người bán hết tài sản để tất tay vào chứng khoán, bất động sản; hoặc đơn giản là ngườ kiếm lời dựa trên một nền tảng nào đó thiếu bền vững.

2.Tôi có một số người bạn kinh doanh trên các nền tảng số và mạng xã hội (Facebook, Google, TikTok.v.v) trong 10 năm trở lại, có thời điểm kiếm được rất nhiều. Và đúng vào thời điểm họ tham lam, quyết định tất tay, thì nền tảng… thay đổi chính sách. Lợi nhuận giảm gần về 0, và nhiều người đã phá sản, dù khi còn đỉnh cao, họ có thể kiếm số tiền bằng người khác kiếm trong một năm.

Thời đại số hóa khiến chúng ta hầu như không có thời gian nghĩ về tính bền vững. Một ai đó giàu lên nhờ làm idol trên TikTok, là một làn sóng người trẻ đua nhau làm TikTok xuất hiện. Một ai đó livestream bán hàng trên Facebook được hàng trăm triệu, là có một làn sóng khác sẵn sàng làm mọi thứ để giàu nhanh trên mạng xã hội này.

Có một điểm chung về tư duy cờ bạc ở đây: chúng ta thử vận may nhưng dựa trên một nền tảng của người khác, nơi mà chúng ta không thực sự có lợi thế về dài hạn. Từ khóa duy nhất lôi kéo chúng ta vào chỉ là làm cái đó thì giàu nhanh được, lại không phải tốn nhiều chi phí, công sức. Giờ thật khó để mọi người nghĩ về một cách kiếm tiền nào đó thật sự bài bản, dựa trên nội lực của chính mình. Khi các giải đấu bóng đá lớn như EURO hay World Cup khởi tranh, thì chuyện cờ bạc, “bóng bánh” lại nóng lên. Nhưng có khi, chính chúng ta đang vướng vào tư duy con bạc một cách ngẫu nhiên, bằng cách đặt cược dễ dãi với các rủi ro.

Phạm An

Bình thường hóa tội phạm

“Bình thường hóa tội phạm” là một vấn đề nhiều quốc gia gặp phải, khi một loại hình tội phạm trở thành thông lệ xã hội và không mấy ai cảm thấy chướng mắt với chúng nữa.

Nhìn từ vệ tinh, thôn Hủng Long, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi chỉ là lác đác những mái nhà tôn lọt thỏm giữa hàng dừa và vườn ruộng. Địa điểm nổi bật chỉ là vài quán cơm phục vụ lái xe trên quốc lộ 1A.

Đức Phổ vốn là một thị xã mà mục tiêu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 cũng chỉ có hơn 35 triệu đồng/năm. Thôn Hủng Long còn là thôn ở xa trung tâm.

Vậy mà trong một quán bi-da trong thôn, sáng ngày 17/3/2022, trên một “sới” bầu cua, chỉ với 4 người chơi, Công an thị xã đã thu được hơn 65 triệu đồng trên tay và trên người các đối tượng.

Buổi sáng; trong không gian công cộng; tổng số tiền cược bằng 2 năm thu nhập bình quân. Nếu ngẫm thật kỹ, nó không thể là tham số thông thường ở bất kỳ quốc gia nào, ngay cả những nước cho đánh bạc hợp pháp. Một sới bạc với tổng tiền cược bằng 2 năm thu nhập trung bình của một người Mỹ (162.000 USD) có thể được tường thuật trực tiếp trên sóng truyền hình. Nhưng tại Việt Nam, đó chỉ là những thông tin thông thường. 65 triệu đồng? Quá tầm thường. Nó là số tiền mà những con bạc khét tiếng của Việt Nam có thể đốt trong vài phút đồng hồ. Nó chỉ tương đương với… một ván cược vài phút của các bị cáo trong vụ RikVip. Có bị cáo vụ đó một ngày đánh tới 33 tiếng bạc, thấp nhất là 50 triệu, cao nhất đến 320 triệu một lần cược.

Chuyện cờ bạc trở thành chuyện trong nhà ngoài ngõ. Trong báo cáo của Công an thị xã Đức Phổ cuối năm đó về tình trạng đánh bạc trên địa bàn, có 3 nhóm đối tượng chủ yếu được liệt kê: các đối tượng hình sự; các đối tượng làm nghề tự do như đi biển, lái xe, rảnh rỗi giết thời gian; và… các bà nội trợ.

Khi cờ bạc trở thành một thú vui có thể được hưởng ứng bởi phụ nữ làm nội trợ ở nông thôn, ta có thể tự hình dung được mức độ phổ biến của nó. Cờ bạc là một vấn đề xã hội, trên lý thuyết. Nhưng trong thực tế, nó có được cộng đồng coi là vấn đề hay không?

Bình thường hóa tội phạm (crime normalization) là một vấn đề có thể ảnh hưởng lâu dài đến kết cấu xã hội. Buôn người và bóc lột lao động là một ví dụ kinh điển. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, tình trạng người nghèo di cư xuyên quốc gia và bị bóc lột trong tình trạng không mảnh giấy tờ, được nhiều tổ chức quốc tế nhận định rằng đã bị “bình thường hóa”. Cộng đồng, thậm chí một bộ phận chính quyền chấp nhận những đường dây buôn người này, người nghèo này có thể giới thiệu người nghèo kia vượt biên để đi làm chui. Tại Brazil, thậm chí có cả chợ công khai để cung cấp người vượt biên trái phép cho các công xưởng.

Và ta phải đặt câu hỏi, rằng cờ bạc phải chăng đã trở thành một khái niệm được cộng đồng “bình thường hóa” về mặt quan niệm. Khi người ta nhắc đến một người đánh bạc, một người làm chủ lô đề, một người cho vay nặng lãi nhắm đến đối tượng con bạc,… không xuất hiện cảm xúc tiêu cực như khi ta nhắc đến tội phạm giết người, cướp giật hay tham nhũng nữa. Cho dù mức độ tàn phá của loại hình tội phạm này có thể khủng khiếp hơn trộm cắp và cướp giật nhiều lần.

Họ trở thành hàng xóm của chúng ta, họ hàng của chúng ta, thậm chí nếu họ trở nên giàu có, sẽ có những người nhắc đến họ với vẻ ngưỡng mộ. Khá Bảnh trước khi bị bắt có rất nhiều chỉ dấu cho thấy anh ta làm việc liên quan đến cờ bạc, nhưng thứ nhân vật này nhận lại là rất nhiều sự ngưỡng mộ. Khi một ca sĩ nổi tiếng lên mạng khóc về việc mẹ anh đánh bạc đến mức khánh kiệt, những gì anh nhận được chỉ là sự cảm thông, chủ đề thảo luận chỉ là về sự hiếu nghĩa, tuyệt không thấy sắc thái của một vụ án hình sự.

Giữa mùa EURO, có thể bạn sẽ lạc vào một trang web xem bóng đá lậu nào đó (xâm phạm bản quyền cũng là một loại tội phạm đã được “bình thường hóa” ở nước ta). Trên các trang này, kín màn hình là các quảng cáo trang cá cược bóng đá. Các bình luận viên phủi trên các trang này, sẽ tranh thủ các pha bóng chết để đọc quảng cáo về cá cược bóng đá. Họ công khai thảo luận về các kèo, tỷ lệ cược, xin nhau lời khuyên và bông đùa về việc “nhảy cầu” như bao trò đùa trên mạng.

Tất cả đều đã trở thành chuyện trong nhà ngoài ngõ. Nhưng khi mà một xã hội bình thường hóa một hành vi tội phạm, nó để lại những hậu quả mà có thể chính sách sẽ không bao giờ giải quyết nổi. Nếu cộng đồng không tin vào việc bỏ rác đúng chỗ, thì không có lực lượng vệ sinh đô thị nào có thể làm sạch những con phố. Tương tự, không một lực lượng hành pháp nào có thể truy tìm và tiêu diệt một loại tội phạm mà xã hội… coi là bình thường.

Chiến đấu với cờ bạc, như thế, là một nghĩa vụ tập thể. Tiến trình “bình thường hóa” đã diễn ra nhiều thập kỷ, nên nếu bây giờ, có ai đó đề xuất: mỗi khi biết một ai đó đánh bạc hoặc lập sòng, bạn nên tố cáo người đó dù là bạn bè hay người thân, nghe có vẻ hơi phi lý. Nhưng có thể bạn chưa biết, đó là hành vi được Bộ Luật Hình sự xếp vào nhóm “tội phạm nghiêm trọng” và “có tính chất và mức độ gây nguy hiểm cho xã hội lớn”.

Hãy nghĩ theo hướng này: Cùng một tội danh với khung từ 3 - 7 năm tù, nếu bạn biết một người làm tiền giả, một người lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoặc một người… giết hoặc bỏ con mới đẻ, bạn có báo công an không?

Đức Hoàng

Sống chung với cờ bạc

Trong suốt mùa EURO 2024 này, chắc hẳn chúng ta đã quá quen với dòng chữ chạy dưới màn hình TV, cứ khoảng vài phút một lần, được để song ngữ Việt - Anh, đại ý rằng “cá độ là hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam và có thể bị khởi tố hình sự”. Đó là một cảnh báo cần có, cũng giống như cảnh báo về chuyện không xem nội dung trên các nền tảng vi phạm bản quyền. Dạng cảnh báo này là để khơi dậy ý thức tôn trọng pháp luật của cộng đồng, thứ mà vốn dĩ còn chưa được tốt lắm ở Việt Nam.

Nhưng cũng trong suốt mùa EURO 2024, thứ mà chúng ta cũng có thể dễ kiếm tìm nhất chính là những bài báo “soi kèo loạt trận đêm nay”, được đăng tải chính thống bởi không ít tờ nhật báo hoặc các trang thông tin. Và tất cả những tờ báo, trang tin có đăng loại bài viết hướng dẫn cá cược này đều được cấp phép chính thức từ cơ quan chức năng. Rõ ràng, đang có một phi lý tồn tại một cách rất “hợp tình” ở Việt Nam hôm nay, xoay quanh cái gọi là “cờ bạc”.

Hơn 20 năm trước, khi bắt đầu chính thức trở thành một phóng viên thể thao chuyên nghiệp, tôi đã được sống trong làn sóng đấu tranh của báo chí thể thao ngày ấy là “có nên chạy theo cá độ hay không”. Những tờ báo “chạy theo cá độ”, với tiêu chí “soi kèo” luôn có số lượng phát hành lớn hơn hẳn, nếu không nói là gấp mấy lần, những tờ báo đơn thuần chỉ xoay quanh chuyên môn bóng đá nói riêng và thể thao nói chung. Và cuối cùng, phe nghiêm túc đã quy hàng. Khi mà một tờ báo được xem là “Bắc đẩu” của làng báo thể thao Việt Nam cũng “xoay kèo” khi ra báo ngày, chính thức cờ bạc đã thắng thế.

Chúng ta đã phải sống chung với cờ bạc một cách giản đơn như thế, tùy theo hình thái này hay hình thái khác mà thôi. Ở nơi bạn sống, nếu bạn có mối quan tâm, sẽ chẳng khó gì để bạn kiếm ra được một đại lý ghi số đề thường trực. Và nếu chơi đủ lâu để tạo uy tín, bạn hoàn toàn có thể gọi điện, nhắn tin báo số và trả tiền sau. Cờ bạc phục vụ tận nơi là hiện trạng dai dẳng nhiều thập niên rồi. Thậm chí, hệ thống cờ bạc ngầm ấy còn có tốc độ dịch vụ và những hậu mãi tốt hơn cả các nền tảng thương mại điện tử thịnh hành đương thời.

Cờ bạc là xấu. Nói câu ấy rất dễ và ai cũng có thể nói được nhưng chúng ta có dễ dàng thoát khỏi nó, hoặc tránh né được nó hay không? Là một người được nuôi dạy rất kỹ lưỡng để tránh xa cờ bạc từ bé, được chứng kiến nhiều nạn nhân của cờ bạc, tôi cũng không thể nói mình hoàn toàn không dính dáng gì đến bài bạc. Những khi vui, kiểu mùng 1 Tết âm lịch, tôi cũng có thể bỏ qua mọi nguyên tắc sống để ngồi xuống chiếu bài với người thân, bạn bè. Sau đó rồi thôi, dừng hẳn. Hoặc cũng có khi, trong chuyến du lịch nào đó, bạn bè rủ chơi vài ván “lấy không khí”, tôi cũng có thể chiều. Ngay sau đó, không còn bất kỳ một ý niệm nào liên quan đến bài bạc nữa.

Nhưng như vậy không có nghĩa rằng tôi vô can, có thể miễn nhiễm với cờ bạc. Cơ bản, tôi hình thành được ý thức không dính vào bài bạc là do được giáo dục bởi cha mình từ nhỏ. Cha tôi ghét cờ bạc tận xương tận tủy nhưng chính ông đã thông qua một lần chơi bài ăn tiền tay đôi với tôi để dạy tôi rằng “cái máu hiếu thắng của nhà mình mà dây vào trò này thì chỉ có nước bán sạch con ạ”. Nói thẳng ra là tôi sợ cờ bạc nên tự tạo ý thức tránh xa nó. Và tất cả những chuyện kể trên đều chỉ để nhấn mạnh vào một điều duy nhất: Chúng ta hoàn toàn có thể sống chung với cờ bạc nếu có thể kiểm soát cờ bạc. Nhưng thực tế, cờ bạc chưa được kiểm soát tốt ở Việt Nam.

Cờ bạc thịnh hành khắp toàn cầu nhưng lịch sử của nó gắn liền với phương Đông lâu đời hơn là phương Tây. Ở Mỹ, đất nước được xem là xứ sở của tự do, ở nhiều bang, cờ bạc vẫn bị coi là bất hợp pháp cho tới tận đầu thế kỷ 20. Và mới chỉ sau hơn 100 năm được đặt vào vòng kiểm soát, ngành công nghiệp sòng bài đã mang lại doanh số khoảng 75 tỷ USD/ năm. Đó là còn chưa kể tới những ngành công nghiệp cờ bạc khác còn mang lại những mức doanh số kinh hoàng hơn như cá cược, xổ số… Và chỉ với hơn 700 sòng bài, số người lao động làm việc ở đó đã lên tới 500.000 người cùng tổng lương là hơn 12 tỷ USD/ năm. Các con số đó cho thấy lợi ích kinh tế của cờ bạc có kiểm soát lớn đến mức độ nào.

Trong khi đó, Việt Nam lại đang nằm ở một trong những vùng rốn của cờ bạc quốc tế là Đông Nam Á. Cách đây 20 năm, thống kê cho thấy doanh thu cá độ bất hợp pháp hàng năm ở riêng khu vực Đông Nam Á đã hơn một nửa tổng doanh thu của ngành công nghiệp dược toàn cầu. Và câu hỏi đặt ra là “tại sao lợi ích kinh tế của nó lớn đến như thế mà các chính phủ, các tập đoàn lại vẫn thất bại trong cuộc cạnh tranh với các mạng lưới cờ bạc chui?”.

Thực tế, nếu coi đó là một ngành công nghiệp với sản phẩm và dịch vụ cụ thể, chúng ta nên so sánh về chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ hơn là so sánh về chính sách. Tính tiện dụng chính là thứ mà mạng lưới cờ bạc chui thắng thế so với các công ty cờ bạc được cấp phép hoặc các công ty cờ bạc do nhà nước quản lý. Như câu chuyện số đề kể trên chẳng hạn, tính linh hoạt rõ ràng ưu việt hơn, khi người chơi có thể nằm đắp chăn ở nhà báo số và có người mang tiền thắng cược tới tận nhà. Thêm vào đó là tính liên thông. Mạng lưới cờ bạc nào cũng liên thông với mạng lưới cho vay nặng lãi. Đây là thứ mà cờ bạc có quản lý của chính phủ chưa làm được. Người chơi xổ số không thể mua vé khi không có tiền. Nhưng con bạc có thể mua vé số đề ngay cả khi không có tiền. Vấn đề cơ bản của khác biệt nằm ở đó và ngay chính các quốc gia xem cờ bạc như một ngành nghề được cấp phép cũng phải đau đầu đối diện với cờ bạc lậu.

Hãy thử nhìn vào những sòng bài ở Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn hết. Chúng đều được đặt ở các khách sạn 5 sao, các khu nghỉ dưỡng cao cấp mà chỉ có người mang hộ chiếu nước ngoài mới có thể ung dung vào chơi. Người Việt chưa được phép chơi bài ở đó. Nó dẫn tới chuyện người Việt phải qua biên giới để chơi bài ở nước khác và từ đó cũng nhận về nhiều hệ lụy từ đó. Bây giờ, thời đại thậm chí còn cho phép họ chơi bài tại nhà, với các ứng dụng cờ bạc trên điện thoại thông minh. Và từ đó, dòng tiền trong nước tiếp tục đổ ra nước ngoài một cách phi lý mà chính phủ chưa thể nào truy thu được những đồng thuế mà lẽ ra nó phải chảy về ngân sách.

Khoảng hơn 15 năm gần đây, poker trở thành một trò tiêu khiển cờ bạc thời thượng và thậm chí, có kỳ SEA Games nó còn được đưa vào là môn thi đấu chính thức tranh huy chương. Ở Việt Nam, hiệp hội poker cũng được hình thành. Bắt đầu từ đó, đường dây “tổ chức giải đấu” cũng ra đời để trá hình cho các sòng poker ở Hà Nội, ở TP Hồ Chí Minh, nơi mà các con bạc có thể ung dung bước vào với tư cách “vận động viên”. Sự trá hình ấy chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm rất nhỏ mà thôi. Và từ đó, chúng ta nhận ra một sự thật, nếu coi cờ bạc là một loại “lũ” thì cũng có nhiều cách sống chung với lũ khác nhau. Người thường sống chung với lũ mà không nhận được lợi ích nào từ nó; con bạc sống chung với lũ thì thỏa được cơn say, cơn nghiện của mình nhưng có thể mất sạch, thậm chí phải bán thân; và một số ít sống chung với lũ để trục siêu lợi từ lũ cho tới khi họ bị bắt. Nhưng khi có một kẻ trục lợi bị bắt, lập tức có thể có dăm kẻ khác thế ngay vào chỗ đó bởi lợi nhuận từ cờ bạc là siêu béo bở.

Một người thân từng nói với tôi một câu rất tâm đắc rằng “thà nuôi một người nghiện còn hơn nuôi một tay cờ bạc. Một người nghiện không thể một ngày hút cả tỷ bạc nhưng một con bạc có thể một tiếng đồng hồ đốt sạch chục tỷ không tiếc tay”. Điều đó có lẽ là đúc kết từ quan sát rất nhiều trường hợp rồi. Nhưng nó cũng đủ để chúng ta phải đặt ra một câu hỏi: “Phải kiểm soát cờ bạc thế nào để hạn chế tối đa các hậu quả cho nạn nhân và cũng mang lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế?”.

Đây không phải là câu hỏi về chính sách, với chuyện đơn thuần là bao giờ cờ bạc được hợp thức hóa có quản lý sát sao ở Việt Nam. Nó là câu hỏi của việc có chính sách rồi thì tạo ra sản phẩm thế nào để người dân không trở nên “hư hỏng” mà nhà nước có thể thu được lợi ích lớn nhất cũng như giảm thiểu khả năng lộng hành của những đường dây cờ bạc đen vốn dĩ dính líu đến rất nhiều tệ nạn xã hội khác nữa.

Hà Quang Minh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/khong-de-song-chung-voi-co-bac-i736950/