Không để sốt xuất huyết, bệnh do virus Zika bùng phát
Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã ghi nhận một trường hợp mắc bệnh do virus Zika là bệnh nhân nam, 25 tuổi, địa chỉ phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.
Khống chế kịp thời
Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng (CDC) cho biết, bệnh nhân là Nguyễn Hữu Nhật (SN 1995, làm việc tại Nhà máy Thép Hòa Phát, Khu Công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu). Bệnh nhân ở trọ tại K856/36 Tôn Đức Thắng, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.
Ngày 29/4, bệnh nhân đến khám tại Trung tâm Y tế (TTYT) quận Liên Chiểu với biểu hiện sốt 38,5oC, đau khớp, đau cơ, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn. Bệnh nhân được chỉ định lấy mẫu xét nghiệm theo dõi Zika, kê đơn thuốc và hẹn 2 ngày sau tái khám. CDC Đà Nẵng đã lấy mẫu xét nghiệm virus Zika gửi Viện Pasteur Nha Trang. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus Zika. Sau khi uống thuốc 2 ngày, bệnh nhân hết sốt nhưng có thấy ban đỏ và tê ngón tay út. Hiện tại sức khỏe bệnh nhân bình thường.
Được biết, từ đầu năm đến nay, CDC Đà Nẵng và TTYT quận Liên Chiểu đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện giám sát trọng điểm tại quận Liên Chiểu với 87 kết quả xét nghiệm, trong đó có 1 trường hợp dương tính, 86 trường hợp âm tính với virus Zika.
Lồng ghép chống virus Zika, sốt xuất huyết cần bảo đảm chống dịch COVID-19
Hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika phát triển mạnh. Để kịp thời triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh: Triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy), bảo đảm tất cả các hộ gia đình tại vùng dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải... là nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy.
Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông trước và trong khi triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi để người dân biết, phối hợp thực hiện. Thực hiện lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur khu vực để tiến hành xét nghiệm khẳng định nhằm đánh giá sự lưu hành của virus Zika để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống.
Tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại ổ dịch đúng kỹ thuật, 2-3 lần cách nhau 1 tuần để xử lý triệt để các ổ dịch. Các tỉnh bảo đảm 100% các hộ gia đình và 100% các phòng, các tầng trong nhà được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Xác định các điểm có nguy cơ sốt xuất huyết cao của địa phương và tổ chức chiến dịch phun hóa chất chủ động đợt 1 theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn chuyên môn của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Đồng thời, Sở Y tế các tỉnh tổ chức tập huấn về công tác giám sát bệnh nhân, giám sát côn trùng, kỹ thuật phun hóa chất, diệt lăng quăng (bọ gậy), xử lý ổ dịch, kỹ năng truyền thông cho cán bộ y tế dự phòng, cộng tác viên. Tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân cho cán bộ y tế làm công tác điều trị bao gồm cả hệ thống y tế tư nhân tại tất cả các tuyến.
*Tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika đưa đi xét nghiệm nhằm đánh giá sự lưu hành của virus này để có biện pháp phòng chống hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tổ chức phun thuốc diệt muỗi tại các ổ dịch đúng kỹ thuật. Đảm bảo 100% gia đình, 100% các phòng, tầng trong các gia đình được phun hóa chất theo chỉ định của ngành y tế. Tổ chức việc thu dung bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong.
*Bệnh do virus Zika là bệnh có chung véc-tơ truyền với sốt xuất huyết hiện vẫn ghi nhận rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam trong các năm gần đây. Kể từ khi ghi nhận trường hợp bệnh do virus Zika đầu tiên vào tháng 3/2016 tại Khánh Hòa, đến nay cả nước đã ghi nhận 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố và có 3 trường hợp tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh. Trong những tuần gần đây, số mắc có xu hướng gia tăng tại các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh.