Không để tái diễn nạn xâm hại trong cơ sở xã hội, thiếu cây xanh, thiếu nhà ở, chỉ tiêu thu ngân sách cao hơn khả năng thu
Đó là các vấn đề nóng được các đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh thảo luận rất sôi nổi vào chiều nay (ngày 7/12) tại Kỳ họp thứ 17, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX đang diễn ra.
Không để tái diễn nạn xâm phạm trong cơ sở xã hội
Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung đặt vấn đề, trong thời gian vừa qua có chuyện rất đau lòng, tội phạm xâm hại trẻ em xảy ra tại trung tâm bảo trợ xã hội. Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung chất vấn, cần xem xét lại công tác quản lý, cơ quan quản lý đã hết trách nhiệm chưa? Sau sự việc có tổng rà soát đánh giá chưa? Các trung tâm xã hội hoạt động hiệu quả như thế nào? Trong thời gian tới cần các giải pháp tổng thể để các trung tâm xã hội hoạt động một cách tốt nhất.
Ông Lê Minh Tấn, giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh đã có phần giải trình xung quanh sự việc. Theo ông Lê Minh Tấn, trong nhiều năm qua TP có nhiều đề án để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, trong đó có đề án, TP thân thiện phụ nữ và trẻ em... TP hiện có trên 2 triệu trẻ em; trẻ em lang thang, trẻ em bị bỏ rơi, các đối tượng yếu thế là 6.300. Đây là những đối tượng yếu thế đang được chăm sóc nuôi dưỡng trong 17 trung tâm. Trong đó, trẻ em lang thang từ các tỉnh thành khác vào TP chiếm tỷ lệ cao. Có 1.874 cán bộ công nhân viên phục vụ trong 17 cơ sở xã hội. Đánh giá chung là trẻ em và các đối tượng được chăm sóc khá chu đáo, để làm công việc cần có tấm lòng. Trong các cơ sở xã hội có nhiều nhóm đối tượng khác nhau, có nhóm không tự chăm sóc được bản thân chiếm trên 60%cần được chăm lo hàng ngày hàng giờ, có người phải thay 8 cái tã trong một ngày... Tuy nhiên, trong thời gian qua đã xảy ra sự việc đáng tiếc, nhân viên xâm hại trẻ em. Việc này đã gây bức xúc trong dư luận. Đây là sự việc ngoài ý muốn, dù sự việc xảy ra ở đâu thì đó cũng là trách nhiệm của đơn vị quản lý, cơ quan quản lý kiểm điểm ban giám đốc.
Nói về các giải pháp để chấm dứt tình trạng đáng tiếc, ông Lê Minh Tấn cho biết Hiện nay vụ án đang bị xử lý, trách nhiệm cán bộ tiến hành tổng kiểm tra rà soát 17 cơ sở, chấn chỉnh nội quy, quy chế, chế độ chăm sóc... không để xảy ra những sự việc đáng tiếc tương tự
Chỉ tiêu thu ngân sách quá cao so với tốc độ tăng trưởng kinh tế
Một số đại biểu đã bày tỏ sự lo ngại về việc thu ngân sách (nguồn thu nội địa) trong năm 2019 đã không đạt chỉ tiêu đề ra (chỉ đạt hơn 98%), cần phải có giải pháp để đảm bảo nguồn thu ngân sách từ nguồn thu nội địa trong bối cảnh nguồn thu ngân sách từ xuất nhập khẩu đang có xu hướng giảm vì hội nhập.
Theo đại diện Sở Tài Chính TP Hồ Chí Minh, thu nội địa của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2011 -2018 có tốc độ tăng trưởng bình quân là 11,3%. Trong khi đó, chỉ tiêu thu ngân sách từ nguồn thu nội địa trung ương giao cho TP tăng bình quân là 21,65%/năm trong giai đoạn 2011 đến 2018. Cũng theo đại diện Sở Tài chính, đánh giá chung, chỉ tiêu thu ngân sách từ nguồn thu nội địa trung ương giao cho TP cao hơn hơn rất nhiều so với tình hình thực tế cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Nằm trong nhóm các vấn đề kinh tế, một số đại biểu cũng bày tỏ lo ngại về sự bền vững trong thu hút đầu tư. Theo số liệu, trong năm 2019, thu hút đầu tư nước ngoài và TP đạt 8 tỷ USD, chiếm 25% tổng nguồn vốn đầu tư của cả nước, tuy nhiên thực tế nguồn vốn mới chỉ đạt 2,7 tỷ USD.
Thiếu cây xanh, thiếu nhà ở cho người thu nhập thấp
Đại biểuMinh Đức đặt vấn đề, qua tiếp xúc cử tri, vấn đề ô nhiễm môi trường đang khiến cử tri rất quan tâm. Nhiều dự án có quy hoạch diện tích cây xanh nhưng khi triển khai đã thực hiện không đầy đủ, không đủ mảng xanh, hiện chỉ đạt 0,5m2 cây xanh/người, trong khi đó theo quy hoạch phải có 5 - 6m2.
Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc, vấn đề mảng xanh trong quy hoạch rất được chú trọng trong các quy hoạch phân khu, các đồ án quy hoạch 1/2000... Tuy nhiên khi đưa vào thực tế có tình trạng, dự án triển khai trước, cây xanh làm sau. Đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc thừa nhận: “ Khu vực cây xanh tập trung, nguồn lực thực hiện rất hạn chế, cả TP chưa có dự án cây xanh nào quy mô. Bây giờ cần cách nào đó, chi vốn thực hiện một vài dự án nhằm tăng tỷ lệ cây xanh lên. Nguồn lực từ ngân sách đầu cho cây xanh hạn chế, trong khi đó lĩnh vực này không có xã hội hóa. Đây là bài toán khó trong điều kiện ngân sách hạn chế. Làm một vài dự án cây xanh tập trung mới có thể tăng được”.
Theo số liệu của Sở Xây dựng, tính đến 2016 TP có 476.000 hộ gia đình chưa có nhà ở, phải ở nhờ người thân, trong đó khoảng 300.000 hộ nhập cư, 20.000 hộ là đối tượng cán bộ công nhân viên... Tại thời điểm khỏa sát năm 2016 có đến 80.000 hộ gia đình cần nhà ở... Trong giai đoạn 2016 – 2020 thành phố chỉ dám đặt đặt mục tiêu xây dựng 20.000 căn hộ (46 dự án), đến cuối năm 2019 đã hoàn thành khoảng 14.200 căn hộ