Không để thành phố đáng sống tổn thương vì 'làn sóng' tin xấu độc

Trong kỷ nguyên số, thông tin lan truyền chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhưng cũng chính sự tiện lợi ấy, nếu không cẩn trọng, có thể trở thành con dao hai lưỡi, gây tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh, môi trường sống của một thành phố. Thời gian qua, lực lượng Công an Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực đảm bảo ANTT vì hình ảnh một thành phố an toàn, đáng sống nhất Việt Nam, song những tin giả, tin đồn thổi trên mạng xã hội lại khiến dư luận hoang mang, đòi hỏi mỗi người dân cần tỉnh táo, có trách nhiệm hơn với hành vi 'like', 'share', đăng tải thông tin.

Hành vi đăng tải thông tin kích động bạo lực, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố.

Hành vi đăng tải thông tin kích động bạo lực, làm ảnh hưởng đến hình ảnh thành phố.

Trong kỷ nguyên số, thông tin lan truyền chỉ bằng một cú nhấp chuột. Nhưng cũng chính sự tiện lợi ấy, nếu không cẩn trọng, có thể trở thành con dao hai lưỡi, gây tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh, môi trường sống của một thành phố. Thời gian qua, lực lượng Công an Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực đảm bảo ANTT vì hình ảnh một thành phố an toàn, đáng sống nhất Việt Nam, song những tin giả, tin đồn thổi trên mạng xã hội lại khiến dư luận hoang mang, đòi hỏi mỗi người dân cần tỉnh táo, có trách nhiệm hơn với hành vi "like", "share", đăng tải thông tin.
“Câu view , câu like" bất chấp

Còn nhớ hồi tháng 10-2021, tài khoản Facebook "Võ Thu Trinh" đăng bài viết kêu gọi "30 người đi đánh nhau ở quảng trường 2-9, công 200.000 đồng/người" lên nhóm "Hội ăn vặt Đà Nẵng". Thông tin này nhanh chóng bị sao chép và lan truyền trên các nhóm khác. Chỉ trong thời gian ngắn, bài viết thu hút hơn 5.000 lượt thích và gần 7.000 lượt bình luận, phần lớn bày tỏ sự lo ngại về một vụ bạo lực lớn giữa trung tâm thành phố. Tuy nhiên, qua điều tra của cơ quan Công an đã xác định đây chỉ là chiêu trò “câu like” nhằm bán hàng online.

Gần đây hơn, ngày 17-2-2025, mạng xã hội Đà Nẵng dậy sóng với bài đăng của chị L. về việc bị một đối tượng lạ mặt xin đi nhờ xe máy rồi sau đó có dấu hiệu mệt nên nghi ngờ bị chuốc thuốc mê. Bài viết nhanh chóng thu hút hơn 11.000 lượt like, 10.000 lượt bình luận và 28.000 lượt chia sẻ và gây hoang mang trong dư luận tại Đà Nẵng. Sau khi điều tra, Công an Đà Nẵng đã xác định và làm việc với nam thanh niên là “người lạ mặt” trong câu chuyện sai sự thật nói trên. Kết quả, hoàn toàn không có chuyện chuốc thuốc mê nào cả. Mọi diễn biến chỉ là sự hiểu lầm thổi phồng. Nhưng thiệt hại là có thật: hình ảnh thành phố an toàn, thân thiện bị ảnh hưởng trong mắt nhiều người.

Cùng với tin giả, tin thất thiệt thì một trào lưu nguy hiểm khác đang bùng phát trên mạng xã hội là việc thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, cầm vũ khí, công cụ hỗ trợ, biểu diễn các tư thế “chân cầm lái, lưng nằm trên yên”, bốc đầu, dàn hàng ngang trên đường… rồi quay clip đăng lên mạng xã hội để khoe "thành tích".

Như vụ việc ngày 4-4-2024, Công an quận Hải Châu (cũ) điều tra vụ nhóm hàng chục thanh thiếu niên mang theo hung khí đuổi đánh nhau trên tuyến đường Bạch Đằng, Như Nguyệt. Hành vi gây rối này được chính các đối tượng quay lại và tung lên mạng xã hội. Ngày 9-11-2024, một nhóm thanh thiếu niên khác lại điều khiển mô-tô lạng lách, đánh võng trên các tuyến phố, quay clip để "câu like". Công an lần lượt mời các đối tượng đến làm việc và xử lý nghiêm theo quy định. Những hành vi vi phạm không chỉ gây nguy hiểm cho xã hội mà còn tạo tâm lý bất an trong cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.

Mới đây nhất, ngày 5-3-2025, Công an phường Khuê Trung đã triệu tập P.L.A.K (17 tuổi) vì đăng clip cầm kiếm đi trên phố với thái độ thách thức pháp luật. Nam thanh niên này ngang nhiên tuyên bố "đã sợ thì đã không đăng", cho thấy sự liều lĩnh, ngông cuồng đáng báo động trong một bộ phận giới trẻ. Cũng trong tháng 4-2025, nhóm 6 học sinh THCS cầm hung khí diễu phố rồi chụp hình đăng mạng xã hội cho thấy mầm mống bạo lực đang được nuôi dưỡng từ rất sớm nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Một Thiếu niên đăng trạng thái với hàm ý “thách thức” lực lượng chức năng.

Một Thiếu niên đăng trạng thái với hàm ý “thách thức” lực lượng chức năng.

Đấu tranh từ sớm, từ xa với những mầm mống gây rối trên mạng

Trước tình trạng thông tin thất thiệt tràn lan, lực lượng Công an TP Đà Nẵng đã có những hành động hết sức kịp thời và quyết liệt. Từ việc nhanh chóng xác minh người đăng tin giả "đánh nhau" tại Quảng trường 2-9, xác định chủ nhân bài viết "chuốc thuốc mê" thất thiệt, đến việc truy xét các đối tượng gây rối trên đường phố qua các clip mạng xã hội… Công an thành phố đã cho thấy sự chủ động trong công tác nắm tình hình không gian mạng.

Ngoài ra, lực lượng Công an còn thường xuyên vận động người dân tham gia cung cấp clip, hình ảnh vi phạm để xử lý, từ đó phát huy sức mạnh toàn dân trong giữ gìn ANTT. Tính riêng trong năm 2024, Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hình sự, ma túy; không để phát sinh tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động lộng hành, các điểm, tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội.

Theo Thượng tá Lê Văn Tín- Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Đà Nẵng, trên thực tế, số lượng vụ việc gây rối do thanh thiếu niên chỉ là con số nhỏ lẻ. Tuy nhiên, khi mạng xã hội thổi phồng, việc quay clip ở nhiều địa điểm trong một đêm khiến dư luận hiểu lầm rằng thành phố mất kiểm soát. “Chỉ một vài nhóm thanh thiếu niên, nhưng do điều khiển xe qua nhiều quận, huyện rồi bị người dân quay phim đưa lên mạng xã hội nên khiến cảm giác tình hình an ninh trật tự trở nên phức tạp. Bằng việc lập danh sách đối tượng, phối hợp với gia đình, nhà trường, cộng đồng để giáo dục, răn đe thường xuyên, Công an Đà Nẵng đã từng bước kéo giảm nguy cơ phát sinh tội phạm từ gốc", Thượng tá Tín cho hay.

Thực tế, qua điều tra xác minh của lực lượng Công an cho thấy, những vụ việc này tuy gây mất trật tự công cộng nhất thời, nhưng quy mô không lớn, chủ yếu là các nhóm thanh thiếu niên bốc đồng, thời gian xảy ra nhanh và đã được xử lý kịp thời. Đà Nẵng không phải địa phương duy nhất đối mặt với hệ lụy từ thông tin giả mạo, bịa đặt trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cách thành phố xử lý nhanh chóng, minh bạch và quyết liệt trong thời gian qua đã cho thấy một thực tế sâu sắc: Không gian mạng không phải "vùng tối" nằm ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.

Mọi hành vi vi phạm dù diễn ra trên môi trường ảo đều có thể và cần phải bị xử lý nghiêm minh. Không chỉ lực lượng chức năng, mà mỗi người dân, mỗi tài khoản mạng xã hội cũng phải tự trang bị cho mình bản lĩnh nhận diện thật - giả, kỹ năng ứng xử có văn hóa, có trách nhiệm trong không gian số.

MAI VINH

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/khong-de-thanh-pho-dang-song-ton-thuong-vi-lan-song-tin-xau-doc-post312647.html