Không để thí sinh bỏ thi vì điều kiện khó khăn
Sở GD-ĐT đề nghị các trường nhắc nhở giáo viên lưu ý đến phần tự học trong quá trình ôn tập cho học sinh. Ảnh: THÚY HẰNG
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 do các địa phương tổ chức nên công tác chuẩn bị đang được khẩn trương thực hiện. Ngoài việc bảo đảm an toàn kỳ thi, công tác hỗ trợ thí sinh cũng được đặc biệt quan tâm. Báo Phú Yên đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Văn Cường về nội dung này.
Ông Cường cho biết:
- Theo quy chế thi năm nay, Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương mình. Từ việc thành lập ban chỉ đạo đến phê duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi; chỉ đạo giao nhiệm vụ cho Sở GD-ĐT và các sở, ban ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố về tổ chức kỳ thi, đảm bảo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về kỳ thi do Bộ GD-ĐT ban hành.
Mặc dù năm nay kỳ thi tốt nghiệp THPT do địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm; cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh…, song về cơ bản vẫn trên nền tảng kỳ thi như mọi năm. Tuy nhiên không phải vì thế mà thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, hiệu trưởng các trường chủ quan, lơ là. Phải coi trọng khâu tập huấn nghiệp vụ thi, trong đó thủ trưởng các đơn vị phải nắm thật chắc Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
* Để khắc phục những tồn tại, hạn chế tại kỳ thi THPT quốc gia những năm trước, kỳ thi năm nay sẽ có những quy định chặt chẽ hơn về bảo quản đề thi, bài thi; tổ chức coi thi, chấm thi, công nhận kết quả thi. Ngành Giáo dục đã có những chuẩn bị như thế nào trước yêu cầu này của Bộ GD-ĐT, thưa ông?
- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỉnh thành lập 1 hội đồng thi và 22 điểm thi đặt tại các trường THCS và THPT, THPT trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố với 10.117 thí sinh đăng ký dự thi. Có khoảng 1.500 cán bộ, giáo viên được huy động phục vụ các khâu của kỳ thi. Sở GD-ĐT đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, các trang thiết bị theo quy định của Bộ GD-ĐT, đã khảo sát và chọn nơi làm việc của ban coi thi, ban chấm thi, khu vực bảo quản đề thi, bài thi… đảm bảo an toàn, bảo mật, đúng quy chế.
Thực hiện quy định mới tại quy chế thi, Hội đồng thi của tỉnh bố trí trưởng điểm thi và phó trưởng điểm thi không cùng thuộc một trường THPT; mỗi phòng thi bảo đảm bố trí 2 cán bộ coi thi ở 2 trường THPT khác nhau và đảm bảo nguyên tắc cán bộ coi thi không coi thi quá 1 lần tại 1 phòng thi trong kỳ thi; mỗi cán bộ giám sát phòng thi thực hiện giám sát không quá 3 phòng thi trong cùng 1 dãy phòng thi; trưởng điểm thi, phó điểm thi, cán bộ coi thi, cán bộ giám sát phòng thi không được làm nhiệm vụ tại điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình dự thi. Đến thời điểm này, công tác tổ chức kỳ thi đều được triển khai đúng tiến độ, đúng quy định của bộ về mọi mặt. Các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất như: Tủ đựng đề và bài thi, lắp đặt camera giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng bảo quản đề thi, bài thi.
* Địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi, vậy việc triển khai công tác tổ chức thi có gì khác so với những năm trước, thưa ông?
- Mặc dù kỳ thi năm nay do địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm; cán bộ coi thi là giáo viên của tỉnh…, song về cơ bản vẫn trên nền tảng kỳ thi như mọi năm. Tuy nhiên không phải vì thế mà thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, hiệu trưởng các trường chủ quan, lơ là. Phải coi trọng khâu tập huấn nghiệp vụ thi, trong đó thủ trưởng các đơn vị phải nắm thật chắc Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Quy chế thi năm nay xác định rất rõ yêu cầu, chức trách, cũng như các chế tài đối với tất cả những người tham gia kỳ thi, kể cả đối với cán bộ và học sinh. Đây là những điều kiện rất tốt để hướng tới tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Vì vậy, các đơn vị cần tổ chức tập huấn nghiêm túc tại đơn vị nhằm bảo đảm 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của đơn vị nắm rõ quy chế thi; phổ biến quy chế thi cho 100% học sinh lớp 12 của nhà trường; tránh việc học sinh không nắm rõ quy chế dẫn đến vi phạm trong kỳ thi.
* Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Chỉ thị 09/CT-UBND, ngày 16/7/2020 về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2020, trong đó nhấn mạnh phải đảm bảo 100% thí sinh đều được tham dự kỳ thi, không có thí sinh nào bỏ thi vì khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại. Sở GD-ĐT triển khai yêu cầu này như thế nào, thưa ông?
- Với phương châm không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại, Sở GD-ĐT đã có công văn đề nghị các trường nắm số lượng thí sinh của đơn vị mình tham gia dự thi, phương tiện đi lại, chỗ ăn, chỗ nghỉ (nếu có) trong thời gian tham dự kỳ thi; thống kê số lượng thí sinh đi bằng phương tiện cá nhân, công cộng, đi về trong ngày hay ở lại để xây dựng kế hoạch, phương án đưa thí sinh của trường tham gia dự thi đảm bảo đầy đủ và thuận lợi nhất cho thí sinh. Thành lập ban hỗ trợ, tư vấn từng trường để hỗ trợ thí sinh của trường, đồng thời cử cán bộ, giáo viên cùng đi để quản lý, động viên tinh thần các em và giải quyết vấn đề phát sinh trong kỳ thi.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn giao thông cho thí sinh, các trường phải chủ động phối hợp với Ban đại diện học sinh tổ chức hợp đồng xe đưa, đón học sinh của trường (đối với những trường có thí sinh dự thi ở xa điểm thi) tham dự kỳ thi; đặc biệt quan tâm đến các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, con em dân tộc thiểu số, các gia đình chính sách, hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa và thí sinh cư trú tại các vùng chịu ảnh hưởng thiên tai tham gia dự thi.
Hiệu trưởng các trường phải nắm rõ danh sách, hoàn cảnh của từng thí sinh để có kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn giúp đỡ thí sinh trong việc đi lại, chỗ ăn, chỗ nghỉ trước, trong thời gian diễn ra kỳ thi; nhất quyết không để thí sinh nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại khó khăn.
* Theo Công văn 2219 của Bộ GD-ĐT về tổ chức dạy học và ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2020, đề thi tốt nghiệp THPT có thể ra vào nội dung tự học có hướng dẫn. Như vậy, kiến thức tự học vẫn là nội dung phải thi, điều này có gây khó cho học sinh, thưa ông?
- Việc ôn tập cho học sinh khối 12 chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT được các trường THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện theo từng đối tượng học sinh. Riêng những phần kiến thức đã tinh giản, dù không đưa vào kiểm tra, đánh giá trong chương trình học nhưng vẫn được thầy cô lưu ý cho học sinh. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các trường nhắc nhở giáo viên lưu ý đến nội dung tự học trong quá trình ôn tập cho học sinh. Nếu bản thân người học có ý thức thì kiến thức này rơi vào đề thi cũng sẽ không làm khó được học sinh.
Hiện tại, thời gian ôn tập không còn nhiều, học sinh cũng nên dành thời gian xem qua những kiến thức tự học này.
* Xin cảm ơn ông!
THÚY HẰNG (thực hiện)