Không để thiếu hàng hóa trong mùa mưa bão
Ứng phó với thiên tai, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ động dự trữ, điều phối hàng hóa phù hợp với đặc thù địa hình cũng như nhu cầu thực tiễn tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra mưa lũ, sạt lở đất.
Sạt lở đất, lũ ống, lũ quét vài năm trở lại đây diễn ra với tần suất cao hơn, mức độ ngày càng phức tạp, khó lường. Trước tình hình đó, việc dự trữ đầy đủ hàng hóa thiết yếu tại chỗ đã được các địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, được triển khai từ đầu năm.
Tại xã Mường Lạn, với địa hình hiểm trở, nhiều bản làng nằm sâu trong vùng lõi, đường vào nhỏ hẹp, dốc cao, trơn trượt. Mỗi khi mưa lớn kéo dài, nguy cơ sạt lở, chia cắt là điều luôn hiện hữu. Có những năm thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét liên tiếp đổ về, khiến một số bản bị cô lập hoàn toàn trong nhiều ngày, đời sống người dân vì thế rơi vào cảnh thiếu thốn, khó khăn. Chưa kể, đợt mưa lớn kéo dài vừa qua cũng đã làm nhiều đoạn đường dẫn vào trung tâm xã bị sụt lún, đứt gãy, ảnh hưởng quá trình lưu thông của người dân.

Các mặt hàng thiết yếu được chị Quàng Thị Thoại, chủ cửa hàng tạp hóa ở bản Lạn, xã Mường Lạn chuẩn bị trước mùa mưa.
Ông Đào Duy Thạch, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Lạn cho biết: Với tinh thần chủ động sớm, chúng tôi đã phối hợp với các hộ kinh doanh trên địa bàn rà soát và đề nghị có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu từ đầu mùa mưa. Ngoài ra, xã cũng tuyên truyền cho người dân tự dự phòng tại chỗ lương thực, thuốc men, các nhu yếu phẩm cần thiết. Với các bản xa, xã phối hợp lực lượng dân quân, công an chuẩn bị sẵn sàng hậu cần, phương tiện hỗ trợ khi cần thiết. Mục tiêu là không để bất kỳ hộ dân nào thiếu đói hoặc không có thuốc chữa bệnh trong mùa mưa lũ.
Với địa hình phức tạp, giáp biên giới, nguy cơ bị cô lập khi mưa lớn kéo cũng dài luôn hiện hữu tại xã Nậm Kè, nhất là các bản Pá Mỳ 1, Pá Mỳ 2 của xã Pá Mỳ cũ. Dự báo sớm tình hình, ngay từ đầu mùa mưa, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, công an, lực lượng dân quân, y tế cơ sở cùng các hộ kinh doanh chủ động xây dựng phương án hậu cần theo phương châm “4 tại chỗ”. Ông Vàng A Câu, chủ cửa hàng tạp hóa tại trung tâm xã chia sẻ: Khi có chỉ đạo, gia đình tôi chủ động gom hàng về sớm hơn mọi năm. Mấy hôm mưa vừa rồi là thấy rõ hiệu quả vì xe chở hàng lên bị tắc, nếu không có hàng sẵn thì dân vào mua cũng chẳng biết lấy đâu ra. Mình làm ăn nhưng cũng phải có trách nhiệm với bà con trong bản, nhất là lúc thiên tai xảy ra.

Mưa lớn kéo dài khiến các tuyến đường trên địa bàn xã Búng Lao ngập nước.
Trên cơ sở kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai năm 2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương xây dựng phương án cụ thể phù hợp với điều kiện thực tiễn từng khu vực. Các mặt hàng được ưu tiên dự trữ bao gồm: Lương thực, thực phẩm thiết yếu (gạo, lương khô, mì tôm, muối, đường, nước đóng chai...), xăng dầu các loại, vật tư xây dựng (tấm lợp, đinh, dây thép…). Đối với các đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng được khuyến khích chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ nguồn hàng, vừa để duy trì hoạt động bình thường trong mùa mưa lũ, đồng thời sẵn sàng cung ứng khi được huy động phục vụ công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bà Lê Thị Tố Quyên, Phòng Kinh doanh, Công ty Xăng dầu Điện Biên cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu ổn định trong mọi tình huống, đồng thời chủ động tăng lượng dự trữ tại các cửa hàng vùng sâu, vùng xa như: Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên cửa hàng cũng được tập huấn kỹ năng ứng phó sự cố, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm, gián đoạn cung ứng trong mùa mưa bão.

Cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm là thực phẩm tại xã Mường Ảng.
Cùng với việc chủ động dự trữ, để ổn định thị trường hàng hóa thiết yếu trong mùa mưa bão, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát giá cả và kiên quyết ngăn chặn triệt để tình trạng đầu cơ, găm hàng nhằm trục lợi. Trọng tâm là triển khai đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, qua đó kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ ổn định mặt bằng giá cả và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Ông Lò Văn Âu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (Sở Công Thương) cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường tích cực phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền cơ sở tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối và trung tâm thương mại ở các xã. Đơn vị đã yêu cầu các hộ tiểu thương phải thực hiện nghiêm việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong mọi tình huống, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, nâng giá trái phép khi xảy ra thiên tai, biến động thị trường.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường không chỉ giúp phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, giữ ổn định mặt bằng giá cả mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương), hiện nay công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong mùa mưa bão đang được các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai chủ động, sát thực tiễn.
Tuy nhiên, trong điều kiện thiên tai, thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng cả về tần suất và mức độ, việc chuẩn bị đầy đủ, kịp thời hàng hóa thiết yếu, xây dựng và vận hành linh hoạt các phương án ứng phó không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp và tinh thần chủ động, tự lực của mỗi người dân. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng lực phòng, chống và thích ứng với thiên tai trong tình hình mới; bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.