Không để thiếu thuốc, vật tư y tế

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân. Một trong những nguyên nhân chính là địa phương, đơn vị chậm đấu thầu thuốc. Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia gặp khó khăn trong việc rà soát số lượng nhu cầu của tất cả cơ sở y tế trên toàn quốc, một số tình huống phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ đấu thầu. Cộng với những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước, ít nhiều có tâm lý lo lắng của các nhà quản lý bệnh viện khi tiến hành đấu thầu mua sắm theo quy định.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 vừa diễn ra, một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ là tập trung làm tốt công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là tiêm vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế. Thủ tướng cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong việc khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản để tháo gỡ khó khăn trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có thể thấy, trong thời gian qua, trước bối cảnh dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác mới phát sinh diễn biến phức tạp, khó lường, để bảo đảm quyền lợi của người bệnh và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị, địa phương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã thường xuyên, liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập ở Trung ương, địa phương vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến việc bảo đảm quyền lợi của người dân khi khám bệnh, chữa bệnh.

Để bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý bảo đảm đủ thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân và chịu trách nhiệm theo thẩm quyền trước các quy định của Đảng, Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế thuộc quyền. Đẩy mạnh và quản lý chặt chẽ việc tổ chức mua sắm, đấu thầu, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, hiệu quả, tránh lãng phí và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Yêu cầu Bộ Y tế có trách nhiệm khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, trong đó tập trung hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Rà soát cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính rườm rà gây phiền hà, khó khăn cho việc thực hiện thủ tục mua sắm thuốc, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ khám chữa bệnh; đẩy nhanh tiến độ cấp phép lưu hành đối với thuốc, trang thiết bị y tế; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế thực hiện theo pháp luật. Kịp thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh không dám chịu trách nhiệm.

Thủ tướng cũng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, hoàn thành trước ngày 15 tháng 9 năm 2022; khẩn trương hướng dẫn kịp thời, kỹ lưỡng các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản về quản lý, sử dụng tài sản công và sử dụng vốn nhà nước để mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế; đặc biệt là các vấn đề về: Xây dựng dự toán mua sắm; thuê tài sản, cung cấp thiết bị sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm và quản lý, sử dụng phí cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế, chậm nhất phải hoàn thành trước ngày 30/9/2022. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị y tế theo thẩm quyền.

Trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, phát hành hồ sơ mời thầu, chuẩn bị hồ sơ dự thầu của nhà thầu gặp khó khăn. Trên địa bàn tỉnh, thời gian qua ngành y tế và các bệnh viện đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, bổ sung nguồn thuốc bị thiếu bằng nhiều hình thức, cơ bản đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh. Tuy nhiên cũng cần tránh tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm” sẽ dẫn đến tác động xấu tới mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân. Điều quan trọng lúc này là ngành y tế và các bệnh viện cần chủ động dự trù kế hoạch mua sắm về danh mục, số lượng thuốc, vật tư y tế để đảm bảo không bị động; đồng thời cập nhật thường xuyên chỉ đạo từ Trung ương và các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành để có phương án xử trí linh hoạt, kịp thời, không để tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh.

Nguyễn Thùy

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-de-hom-nay/khong-de-thieu-thuoc-vat-tu-y-te/186841.htm