Không để 'tín dụng đen' lộng hành

Sau 3 năm thực hiện Đề án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm phát luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”, trên địa bàn tỉnh đã có gần 100 đối tượng bị khởi tố, nhiều cơ sở kinh doanh bị yêu cầu dừng hoạt động. Kết quả trên cho thấy sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng với quyết tâm không để “tín dụng đen” lộng hành.

Đối tượng Bùi Thanh Dương, phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên có hành vi cho vay lãi nặng, bị Công an thành phố Phúc Yên phát hiện, điều tra, xử lý hồi tháng 9/2021

Đối tượng Bùi Thanh Dương, phường Trưng Trắc, thành phố Phúc Yên có hành vi cho vay lãi nặng, bị Công an thành phố Phúc Yên phát hiện, điều tra, xử lý hồi tháng 9/2021

Theo thống kê, rà soát của các cơ quan chức năng, đến hết tháng 12/2018 toàn tỉnh có 340 cơ sở kinh doanh cầm đồ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự, 102 cơ sở kinh doanh khác hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”.

Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, tại Vĩnh Phúc, các hoạt động cho vay lãi nặng núp bóng các giao dịch dân sự diễn ra công khai, nở rộ, kéo theo hệ quả là sự gia tăng của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan như cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…

Trước thực tế đó, thực hiện Chỉ thị số 12 ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Công an tỉnh đã xây dựng và triển khai Đề án về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”.

Để thống nhất nhận thức và hành động, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch, tổ chức hội nghị triển khai, phân công nhiệm vụ đến các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường nhằm quán triệt tinh thần chỉ đạo và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để nâng cao hiệu quả công tác phòng, ngừa, đấu tranh.

Với phương châm “phòng ngừa là chính”, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, trang thông tin điện tử, loa truyền thanh xã.

Hàng chục nghìn cuộc họp tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tổ chức tại các thôn, làng, tổ dân phố, tổ liên gia tự quản có nội dung phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan “tín dụng đen”.

Giai đoạn 2019-2020, toàn lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, điều tra xác minh 81 vụ với 207 đối tượng liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”; đã khởi tố 61 vụ với 178 bị can; trong đó, có 28 vụ với 56 bị can về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt vi phạm hành chính 9 vụ/10 đối tượng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra gần 1.400 lượt đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở hoạt động kinh doanh liên quan đến “tín dụng đen”, phát hiện, xử lý 189 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt trên 254 triệu đồng.

Ngoài ra, còn phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với 21 cơ sở vi phạm; vận động, yêu cầu 73 cơ sở dừng hoạt động; yêu cầu dừng hoạt động đối với 98 cơ sở.

Riêng trong năm 2021, đã phát hiện, tiếp nhận điều tra, xác minh trên 30 vụ, với trên 50 đối tượng liên quan đến hoạt động này. Trong đó, khởi tố 16 vụ, với hơn 30 bị can. Đáng chú ý, còn phát hiện các vụ liên quan đến "tín dụng đen" về hành vi cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật và hủy hoại tài sản.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 162 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ và 44 cơ sở kinh doanh tài chính với 304 đối tượng liên quan. Trong đó, 170 cơ sở có giấy phép kinh doanh với 250 đối tượng liên quan.

Thời gian tới, tình hình hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục có những diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện, thu thập chứng cứ trong đấu tranh, điều tra, xử lý tội phạm.

Sau khi nhiều đối tượng bị khởi tố, điều tra theo Điều 201 Bộ luật Hình sự, chắc chắn sẽ có nhiều thủ đoạn hoạt động mới nhằm trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan điều tra.

Các đối tượng người nước ngoài, đối tượng sử dụng công nghệ cao để hoạt động cho vay trực tuyến, vay ngân hàng có chiều hướng gia tăng, có thể thực hiện các hành vi vi phạm ở nhiều địa bàn, nhiều địa phương khiến việc đấu tranh, ngăn chặn, điều tra, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen”, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời phát huy những kết quả đạt được, các cấp có thẩm quyền quan tâm, nghiên cứu, sửa đổi Điều 201 Bộ luật Hình sự về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo hướng tăng chế tài xử phạt để đảm bảo răn đe các đối tượng có ý định phạm tội.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung, đổi mới quy trình huy động và cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn và phù hợp quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Các cấp, ngành, cơ quan có liên quan nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và quản lý nhà nước về việc cấp giấy phép kinh doanh các lĩnh vực nhạy cảm, có điều kiện về ANTT… nhằm hạn chế những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, lợi dụng các hoạt động kinh doanh để thực hiện hành vi phạm tội.

Bài, ảnh: Khánh Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/an-ninh-quoc-phong/73518/khong-de-%E2%80%9Ctin-dung-den%E2%80%9D-long-hanh.html