Không để tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ảnh hưởng đến khám, chữa bệnh

Những ngày gần đây, thông tin thiếu thuốc, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập trên cả nước, đặc biệt là thuốc, vật tư y tế trong danh mục Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả gây xôn xao dư luận, ảnh hưởng tâm lý khám chữa bệnh (KCB) của người dân trên địa bàn. Phóng viên Báo Phú Thọ đã tìm hiểu thực tế tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh để thông tin khách quan giúp nhân dân nhất là người bệnh yên tâm khám, điều trị.

Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn hiện quản lý danh mục hàng trăm đầu thuốc và vật tư y tế đáp ứng nhu cầu khám, điều trị bệnh cho người dân trên địa bàn.

Thực tế cơ sở

Nhập viện trong tình trạng cấp cứu, tay phải có vết thương hở, không ngừng chảy máu, ông Hoàng Xuân Thành (62 tuổi) ở khu Tân Lực, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn chẩn đoán đứt mạch máu bàn tay phải. Sau quá trình cấp cứu, phẫu thuật nối mạch máu, gân, cơ và các dây thần kinh trên mu bàn tay, ông Thành được chuyển đến Khoa Ngoại để điều trị, theo dõi hậu phẫu. Là đồng bào dân tộc Mường, ông Thành được hưởng BHYT theo chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số. Ông cho biết: “Tôi nhập viện từ ngày 17/6 đến nay, trong suốt quá trình chữa trị, tôi luôn được các y, bác sĩ hướng dẫn, chăm sóc tận tình, được cấp phát thuốc đầy đủ, đúng giờ và không phải mua thêm bất kỳ loại thuốc nào bên ngoài”.

Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn hiện có hơn 290 giường bệnh. Trong năm tháng đầu năm, Trung tâm tiếp nhận gần 32.000 lượt người khám, điều trị nội trú. Trong đó, tỉ lệ bệnh nhân KCB BHYT đạt trên 98%, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo. Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ KCB, Trung tâm luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc thiết yếu phục vụ KCB và vật tư y tế trong danh mục BHYT.

Điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê từ ngày 2-6, ông Nguyễn Đăng Chọn (72 tuổi) ở khu Phùng Xá, xã Minh Tân trải qua hai lần phẫu thuật loại bỏ áp-xe ở tay trái cho biết: “Ngoài một số vật tư không có trong danh mục BHYT được hướng dẫn mua tại trung tâm, hiện tôi vẫn đang sử dụng thuốc được cấp phát theo chế độ BHYT để điều trị và không phải mua thuốc bên ngoài…”.

Đồng chí Hà Xuân Hoa- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê cho biết: Khoa Dược của Trung tâm hiện đang quản lý danh mục trên 373 đầu thuốc và 374 vật tư y tế. Để đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu và quyền lợi của người bệnh, hàng năm Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch dự phòng và lập hồ sơ mời thầu thuốc, vật tư y tế theo đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại, các nhà thầu đảm bảo cung ứng đúng, đủ số lượng, chất lượng thuốc, vật tư y tế theo đúng hồ sơ đấu thầu không để chậm trễ, gián đoạn việc cung ứng thuốc làm ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người dân…”.

Anh Ngô Ngọc Việt Anh (46 tuổi) ở thị trấn Thanh Sơn, được chuyển từ tuyến dưới lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ ngày 22/6 trong tình trạng sức khỏe yếu và được các bác sĩ chẩn đoán bị suy tụy cấp. Trong quá trình cấp cứu và điều trị, ngoài các loại thuốc được cấp phát theo BHYT, gia đình anh Anh đề nghị các bác sĩ tư vấn một số thuốc ngoài BHYT chi trả để nâng cao hiệu quả điều trị… Bệnh viện Đa khoa tỉnh trung bình mỗi ngày tiếp nhận hàng nghìn lượt người đến khám và điều trị nội trú. Hiện Bệnh viện vẫn cơ bản đáp ứng nhu cầu cung cấp thuốc, vật tư trong khám, điều trị bệnh. Tuy nhiên đối với một số bệnh phức tạp, có hiện tượng thiếu một số thuốc, vật tư y tế chủ yếu là các loại thuốc, hóa dược, sinh phẩm, vật tư điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao hiện đang khan hiếm trên thị trường.

Chăm sóc bệnh nhi tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê.

Đảm bảo nhu cầu, quyền lợi của người dân

Thực tế tại các cơ sở KCB công lập trên địa bàn tỉnh có xảy ra tình trạng thiếu một số thuốc, vật tư y tế nhưng đó là thuốc, vật tư phục vụ điều trị chuyên sâu, kỹ thuật cao. Nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến kéo dài, đặc biệt hai năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng nặng nề, khiến nguồn nguyên liệu sản xuất khan hiếm, giá thuốc và vật tư y tế có nhiều biến động, do đó việc mua sắm thuốc, vật tư y tế, hóa chất, các sinh phẩm cho phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Để đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, căn cứ kế hoạch công tác dược năm 2022, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch cung ứng thuốc đủ, kịp thời, có chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận thuận lợi và hưởng thụ bình đẳng dịch vụ cung ứng thuốc. Trong đó, cung ứng thuốc thiết yếu đủ, kịp thời, sẵn có, đảm bảo chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, không để người bệnh điều trị nội trú tự mua thuốc. Đảm bảo sẵn sàng và đủ cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện dụng cụ, vật tư y tế tiêu hao phục vụ kịp thời nhu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, thảm họa, phục vụ các hoạt động lễ hội, các hoạt động cộng đồng trên địa bàn tỉnh khi có tình huống xảy ra. Đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, tăng cường hiệu lực công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực dược đối với thị trường thuốc. Các đơn vị y tế thuộc hệ dự phòng và hệ điều trị (bao gồm cả các trạm y tế tuyến cơ sở) triển khai thực hiện cung ứng thuốc theo đúng quy định pháp luật. Thực hiện việc mua sắm thuốc đúng các quy định về đấu thầu thuốc, các quy định pháp luật khác liên quan. Việc tổ chức mua sắm phải công khai, minh bạch và nhằm mục tiêu lựa chọn được thuốc có chất lượng tốt, tối ưu trong cạnh tranh về giá. Trường hợp thực hiện mua sắm theo kết quả đấu thầu tập trung, nghiêm túc thực hiện hướng dẫn của đơn vị mua sắm tập trung, thực hiện việc báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu…

Tại cuộc họp khẩn Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành về các giải pháp đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế và bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành Y tế mới đây, Bộ Y tế đã nhận định những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng trên. Đáng chú ý là tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra, nên tại một số địa phương và đơn vị không dám đấu thầu, mua sắm. Về phía các doanh nghiệp, nhà cung cấp cũng có tâm lý e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp. Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, gây áp lực đến kế hoạch phân bổ tài chính dẫn đến việc đấu thầu, mua sắm của các đơn vị sự nghiệp công lập bị chững lại… Trước thực trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế, phối hợp với các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm, quyết liệt khắc phục tình trạng này, tất cả vì sức khỏe, tính mạng của người dân.

Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, các cấp ngành, địa phương đã và đang triển khai các biện pháp cấp bách nhằm chấm dứt tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trên cả nước, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi chính đáng của người dân.

Thúy Hằng - Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//phong-su-ghi-chep/khong-de-tinh-trang-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-anh-huong-den-kham-chua-benh/185245.htm