Không để tội phạm sử dụng súng gây án

Vụ án 2 nghi phạm nổ súng cướp Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) vào chiều 22-11 đang gây xôn xao dư luận. Tuy các nghi phạm không lấy được tiền, nhưng một bảo vệ của ngân hàng trong quá trình đuổi bắt đối tượng đã bị đâm và tử vong sau đó. Vụ việc một lần nữa cảnh báo tình trạng tội phạm sử dụng súng để phạm tội ngày càng manh động.

Hiện trường vụ cướp Ngân hàng BIDV chi nhánh Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) vào chiều 22-11. Ảnh: camera an ninh

Hiện trường vụ cướp Ngân hàng BIDV chi nhánh Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) vào chiều 22-11. Ảnh: camera an ninh

Trong khi trên thực tế, việc mua bán, sử dụng, tàng trữ súng trái phép vẫn còn diễn ra. Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng còn mua các linh kiện riêng lẻ để đem về chế tạo, lắp ráp súng để đem bán thu lợi bất chính. Từ đầu năm 2023 đến nay, tại địa bàn Đồng Nai, lực lượng công an đã phát hiện một số “lò” sản xuất súng, hung khí tại TP.Biên Hòa và H.Tân Phú. Nhờ đó, ngăn chặn nguy cơ nhiều đối tượng mua súng và hung khí tại các “lò” sản xuất này để đi gây án hoặc làm mất an ninh trật tự.

Thời gian tới, để ngăn tội phạm dùng súng gây án, các ngành chức năng cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài việc kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép thì việc huy động người dân trong việc phát hiện, tố giác loại tội phạm này rất cần thiết. Có như vậy mới kịp thời phát hiện các hành vi sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép ngay từ cơ sở để ngăn chặn, phòng ngừa.

Bên cạnh đó, trước tình hình tội phạm sử dụng súng cướp ngân hàng xảy ra tại một số tỉnh, thành trên cả nước, ngành chức năng cần tăng cường công tác bảo vệ, giữ gìn an ninh trật tự tại các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân; thường xuyên tập huấn các biện pháp xử lý, cũng như bảo vệ an toàn cho nhân viên, hành khách khi xuất hiện đối tượng cướp ngân hàng. Song song đó, cần có hướng dẫn nhân viên bưu điện cách nhận biết và xử lý khi phát hiện những hàng hóa gửi đi là súng, hung khí; không để tội phạm lợi dụng các kênh vận chuyển hàng hóa của ngành Bưu điện và các công ty vận chuyển phát nhanh khác để hoạt động.

Đặc biệt, mỗi người dân cần có ý thức tuân thủ pháp luật, không sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép; giao nộp hoặc vận động người thân quen giao nộp khi phát hiện các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong nhà. Có như vậy mới ngăn ngừa hiệu quả hành vi sử dụng súng để vi phạm pháp luật.

Đặng Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202311/khong-de-toi-pham-su-dung-sung-gay-an-aa362b6/