Không để trái phiếu doanh nghiệp gây hậu quả

Vấn đề phát hành trái phiếu, giá xăng dầu, sách giáo khoa, là những vấn đề nóng được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Trái phiếu doanh nghiệp chiếm hơn 18% gdp

Những sai phạm trên thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua được đại biểu quan tâm, nêu chất vấn Bộ trưởng Tài chính. Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) nêu mục tiêu tới năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt 25% GDP, nhưng tới cuối 2021 đã đạt hơn 18% GDP (gần 51 tỷ USD). Nếu so với năm 2018, quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng ba lần.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (Bắc Giang). Ảnh: Như Ý

“Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?”

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang)

Đại biểu dẫn chứng vừa qua, sau thanh tra 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thì phát hiện 57 doanh nghiệp thua lỗ, 45 đơn vị có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lớn hơn 10. Trong số 20 doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu nhiều nhất năm vừa qua, có doanh nghiệp phát hành gấp cả chục lần vốn chủ sở hữu. Có doanh nghiệp vốn chủ sở hữu 153 tỷ nhưng phát hành hơn 7.200 tỷ đồng… Theo ông Nghĩa, cần có giải pháp quản lý để 51 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp tồn đọng không phát sinh hậu quả tiêu cực như khủng hoảng nhà đất những năm trước đây.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Như Ý

“Qua kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện nhiều vi phạm, không những trong lĩnh vực chứng khoán mà kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm”

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc

Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, số liệu do Ủy ban Chứng khoán và Vụ Tài chính Ngân hàng cung cấp thì trái phiếu doanh nghiệp tương đương 15% GDP. “Chỉ trừ trường hợp Tân Hoàng Minh hiện nay chưa trả được nợ khi hủy giao dịch, các doanh nghiệp còn lại đều trả được nợ, nghĩa là dòng trái phiếu doanh nghiệp vẫn trung chuyển bình thường”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.

Ðại biểu QH lo rủi ro từ 51 tỷ USD trái phiếu, bộ trưởng trấn an chỉ Tân Hoàng Minh không trả được nợ. Ảnh: Trọng Tài

Ðại biểu QH lo rủi ro từ 51 tỷ USD trái phiếu, bộ trưởng trấn an chỉ Tân Hoàng Minh không trả được nợ. Ảnh: Trọng Tài

Ông Phớc lý giải, trái phiếu phát hành riêng lẻ thì cơ quan Nhà nước gần như không cấp phép và không quản lý, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh. Chỉ khi thấy bất thường thì mới đặt vấn đề cơ quan Nhà nước phải quản lý. Luật Chứng khoán cũng không đưa ra điều kiện phát hành, cần doanh nghiệp có lãi hay cần tài sản đảm bảo. Do đó, trong Nghị định 153 không thể quy định được điều kiện phát hành.

“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, sau đó có trách nhiệm trả lại tiền, nhưng phải phát hành đúng trình tự, quy định của pháp luật. Vừa rồi chúng ta xử lý những trường hợp phát hành không đúng quy định”, ông Hồ Đức Phớc cho hay.

Rà soát các loại thuế, phí

Sáng 8/6, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cùng một số đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Tài chính về vấn đề giá xăng dầu tăng cao, có nên xem xét giảm thuế với xăng dầu hay không? Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Vừa qua, Bộ đã đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, qua đó giảm thu 24.000 tỷ đồng ngân sách.

Theo Bộ trưởng, bây giờ còn dư địa giảm tiếp thuế này là 2.000 đồng/lít. Với các loại thuế khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu… thuộc thẩm quyền Quốc hội. Do vậy, theo ông Phớc, trước mắt Bộ sẽ đánh giá tác động, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội, để có thể giảm thuế, giảm giá xăng dầu.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ trưởng rà soát lại các loại thuế và phí, xem cái nào thuộc trách nhiệm của Quốc hội, phần nào của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cái nào của Chính phủ. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần nghiên cứu các công cụ và giải pháp để hỗ trợ người dân khó khăn, ngư dân khi giá xăng dầu tăng cao. “Giá theo thị trường nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá

Sách giáo khoa cũng được nhiều đại biểu nêu chất vấn Bộ trưởng Tài chính. Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Đoàn Hải Dương) chất vấn, việc kê khai giá sách giáo khoa ra sao, có đưa mặt hàng thuộc diện bình ổn giá hay không? Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lý giải, việc kê khai giá sách giáo khoa vẫn được doanh nghiệp thực hiện. Nhà nước chỉ thẩm định giá với những loại sản phẩm được mua bằng ngân sách. Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT đã họp bàn, thống nhất sẽ báo cáo Thủ tướng, đưa mặt hàng sách giáo khoa vào Luật Giá, nhưng quyết định cuối cùng thuộc thẩm quyền Quốc hội.

Tranh luận, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Đoàn Kiên Giang) “không hiểu vì sao” hai năm qua, Ủy ban Văn hóa Giáo dục và Bộ GD&ĐT nhiều lần kiến nghị Bộ Tài chính nhưng chưa thấy trả lời về đề xuất quản lý khung giá sách giáo khoa. Theo đại biểu, việc này không phải trách nhiệm của riêng Bộ trưởng, nhưng cử tri và đại biểu mong muốn được giải thích rõ là có khó khăn gì trong việc đưa giá sách giáo khoa vào diện bình ổn giá không? Cùng mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) kiến nghị, cần sớm đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt và cần thẩm định giá, đồng thời trợ giá cho học sinh vùng khó khăn càng sớm càng tốt. “Luật Giá sắp tới cần phải sửa đổi điều này một cách tốt nhất, phục vụ cho các gia đình có con đi học”, ông Trí đề nghị.

Bộ trưởng Tài chính một lần nữa khẳng định, việc trợ giá sách giáo khoa cho học sinh vùng sâu, vùng xa là “rất có ý nghĩa”. Song việc này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tư lệnh ngành Tài chính cũng “hoan nghênh” việc sách giáo khoa phải kê khai giá trong Luật Giá.

Cổ phần hóa tắc vì đất đai

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TPHCM) chất vấn Bộ trưởng nhận diện thế nào và giải quyết ra sao về việc xử lý nhà đất khi cổ phần hóa chậm, nhiều khó khăn, kéo dài do yếu tố pháp lý đất đai phức tạp? Một số đại biểu cũng đặt vấn đề, vướng mắc trong sắp xếp, xử lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước có diện tích đất lớn tại nhiều địa phương, đây có phải nguyên nhân chính gây vướng mắc trong thoái vốn, cổ phần hóa?

DN nhập xe biếu tặng kê khai giá thấp: Đang được xác định lại để truy thu thuế

Sáng 8/6, đề cập đến hiện tượng xe biếu, tặng mà báo chí phản ánh trong thời gian qua, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho rằng, đây thực chất là cách “lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước”. Bà Nguyên đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vấn đề trên. Trả lời câu hỏi này, ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính nói rằng, theo quy định xe nhập khẩu phải có đại lý chính hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều loại xe vì số lượng bán được ít nên không có đại lý. Lợi dụng lỗ hổng này, các doanh nghiệp chuyển sang hình thức biếu, tặng. “Xe được biếu, tặng theo quy định hiện hành không được giảm bất cứ một loại thuế nào, cũng không được miễn bất cứ một loại thuế nào, kể cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt hay thuế thu nhập đều phải nộp”, ông Phớc nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có việc doanh nghiệp kê khai theo giá thấp nhưng cơ quan hải quan đã căn cứ vào quy định đối với bảng giá của ngành để xác định lại và truy thu thuế. Sau khi báo chí nêu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có chỉ đạo là Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an kiểm tra và điều tra việc này. “Chúng tôi đã giao cho Tổng cục Hải quan và đã làm việc với C03 của Bộ Công an, đã tổ chức họp nhiều lần và kiểm tra. Đến hôm nay vẫn chưa có kết quả”, ông Phớc thông tin.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đã chỉ đạo ngành Thuế và Hải quan kiểm tra, rà soát lại xem có thất thu thuế hay không và việc định giá xe có chính xác hay không.

Giải trình, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận thất thoát trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp vừa qua chủ yếu từ đất, điển hình như vụ việc tại Tổng Cty Nông nghiệp Sài Gòn, Tổng Cty Tân Thuận... Theo quy định, việc chuyển mục đích sử dụng đất do UBND tỉnh, thành phố phê duyệt. Khi thuê đất, doanh nghiệp sẽ nộp tiền một lần. Đến khi chuyển sang công ty cổ phần, họ lại xin chuyển mục đích sử dụng đất lần nữa. “Khi đó giá đất được tính lại, nhưng do không sát giá thị trường nên gây thất thoát ở khâu chuyển mục đích sử dụng đất từ Nhà nước sang tư nhân”, Bộ trưởng cho hay.

LUÂN DŨNG - VĂN KIÊN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khong-de-trai-phieu-doanh-nghiep-gay-hau-qua-post1444707.tpo