Không để trẻ bị xâm hại, bạo hành

Hình ảnh thương tích khắp người bé Su (6 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú quận 12, TP Hồ Chí Minh), trong đó có những vết thương do roi vọt gây ra kèm theo những vết thương do tàn thuốc lá châm vào, đặc biệt là khu vực vùng kín khiến dư luận phẫn nộ về hành vi tàn độc của người cha dượng nghiện ma túy.

Hình ảnh của bé Su hồn nhiên kể lại những lần bị cha dượng hành hạ cho thấy một bộ phận trẻ em đang sống trong một môi trường thiếu an toàn, mà những đối tượng gây ra cái đau về thể xác và tâm hồn cho những đứa trẻ này có vấn đề về cách cư xử giữa con người với con người, giữa người lớn và trẻ nhỏ.

Có nhiều nguyên nhân từ người lớn, nhưng không thể lấy chúng để bao biện cho hành vi bạo lực với trẻ nhỏ.

Trừng phạt gã cha dượng độc ác

Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh bắt khẩn cấp Hà Quốc Việt (sinh năm 1983, ngụ phường Tân Hưng Thuận, quận 12) về hành vi "cố ý gây thương tích" và "hành hạ trẻ em".

Nhìn gương mặt ngơ ngáo vì phê ma túy khi làm việc với điều tra viên, người ta lại càng rùng mình với những hành động ghê rợn, hành hạ đứa con gái riêng của vợ, cháu D.N.C. (còn gọi là bé Su, 6 tuổi) gây thương tích đầy mình, gây ra sự phẫn nộ cho dư luận. Người phẫn nộ nhất có lẽ là ông ngoại dượng của bé Su, ông Đặng Công Hùng (sinh năm 1974, quê Trà Vinh). Cũng là cha dượng nhưng ông Hùng đã bao bọc người con gái riêng của vợ, lo ăn, lo học.

Chân dung người cha dượng bạo hành bé Su và những thương tích trên người bé.

Chân dung người cha dượng bạo hành bé Su và những thương tích trên người bé.

Ông Hùng buồn vì dù hết mực yêu thương nhưng D.T.D. (sinh năm 1994) con gái riêng của vợ ông lại sớm nghỉ học ra đời sớm, cặp kè với nhiều người và mới 17 tuổi, D đã lấy chồng. Sống với chồng chỉ được vài tháng thì D ly dị và có thai với một thanh niên khác ở Bạc Liêu sinh ra bé Su.

Khi bé Su được 3 tuổi thì giữa D. và người thanh niên ở Bạc Liêu xảy ra lục đục, bé Su bệnh tật triền miên, thương cháu ngoại, ông Hùng bàn với vợ lên đón bé Su về nuôi. D. cũng rời khỏi người thanh niên ở Bạc Liêu lên TP Hồ Chí Minh sinh sống và cặp kè, sống chung với Việt như vợ chồng.

Bé Su được vợ chồng ông Hùng nuôi dưỡng, đi đâu ông Hùng cũng dẫn theo, ngay cả việc lên TP Hồ Chí Minh làm việc, bé Su cũng theo ông. Thời gian gần đây ông Hùng không làm tạp vụ trong bệnh viện nữa mà đi phụ hồ, thấy bé Su theo mình cực khổ, tháng 8-2019, ông Hùng gởi bé Su về sống cùng D. và Việt.

"Mỗi lần qua thăm bé Su tôi thấy Việt rất niềm nở, đối xử tốt với bé Su, 2 người bố bố, con con khiến tôi cũng yên tâm nhưng không ngờ thằng Việt lại nhẫn tâm như vậy" - ông Hùng đau đớn.

Công việc phụ hồ khi hết công trình ông Hùng trở về Trà Vinh, khoảng giữa tháng 10-2019, một người tên M chở bé Su về cho ông Hùng với nhiều vết thương trên người, tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Nhìn thấy cháu ngoại tàn tạ, chi chít vết thương trên cơ thể, vợ chồng ông Hùng đau xót.

Qua lời kể non nớt, hồn nhiên của bé Su, ông Hùng cảm nhận được sự đau đớn về thể xác và tâm hồn của cháu ngoại mình khi ở với người cha dượng nghiện ngập, bạo hành nên chở cháu Su lên Công an quận 12 trình báo.

 Ông Hùng đau đớn khi chứng kiến thương tích trên người cháu ngoại.

Ông Hùng đau đớn khi chứng kiến thương tích trên người cháu ngoại.

Thân thể gầy gò, tỷ lệ thương tích trên cơ thể bé Su lên đến 51% sau khi được đưa đi giám định. Nhìn vào biên bản giám định ghi rõ: đầu có vết sưng, tai trái có vết rách da, môi trên có vết rách chảy máu, má trái có vết bầm tụ máu, vùng ngực có nhiều vết thương, vết bầm tụ máu, phần mông có nhiều vết bầm dài và vết bầm tụ máu, phần trên và xung quanh "vùng kín" cũng có nhiều vết thương, nhiều vết bầm tụ máu… ai cũng rùng mình.

Cơ thể nhỏ thó của bé Su phải chịu đựng nhiều vết thương đau đớn như vậy. Tuy nhiên tại cơ quan điều tra Việt lại khai do bé Su tinh nghịch, tiểu tiện trên nệm nên Việt mới dùng gậy đánh vào mông, chân. Còn các vết thương được cho là bị châm thuốc, đặc biệt là khu vực vùng kín, Việt khai là do lỡ tay ném tàn thuốc vào người bé Su gây thương tích.

Người mẹ trẻ bất lực khi con mình bị chồng hờ bạo hành.

Người mẹ trẻ bất lực khi con mình bị chồng hờ bạo hành.

Trái với lời khai của Việt, D. khai do phụ thuộc kinh tế vào Việt nên những lần Việt đánh con mình D. không thể phản ứng quyết liệt, không dám kể cũng như trình báo với Công an. D. cho hay, nhiều lần Việt đánh bé Su, D. phản kháng thì bị Việt đánh, dí dao vào cổ, 2 mẹ con D. phải quỳ gối xin tha.

Có khi lên cơn nghiện, Việt khóa trái phòng nhốt cả 2 mẹ con D. Vì không chịu nổi cảnh này, đã có lần D. xách gói bỏ đi. Dù bị thương tích đầy trên cơ thể nhưng khi kể lại vụ việc, bé Su vẫn một tiếng bố Việt, hai tiếng bố Việt khiến mọi người xót xa.

"Con bị đau nhiều chỗ lắm vì bị bố Việt đánh, bấm vào tay, vết thương trên miệng là do bố Việt dùng tay táng. Bố Việt bực lên là bắt con quỳ rồi lấy thuốc lá đang hút chích vào người… Bố Việt còn lấy kìm đánh vào chân con… Bố Việt còn nhéo, lấy thuốc lá chích vào háng con…".

Nỗ lực ngăn chặn nạn bạo hành, xâm hại trẻ em

Một vụ án, một câu chuyện buồn. Bé Su là một trong số rất nhiều trẻ em phải sống trong cảnh bạo hành, không chỉ trong chính gia đình mình, mà ngay những nơi có môi trường xã hội lành mạnh, môi trường giáo dục cũng bị hành hạ.

Nhiều vụ bạo hành trẻ em đã xảy ra tại các trường mầm non thời gian qua bị phát giác đã ảnh hưởng tới tâm lý non nớt của trẻ và có thể kéo dài cho đến khi những đứa trẻ này trưởng thành. Một số vụ bạo hành xảy ra gần đây do người lớn thực hiện hành vi trong tình trạng tâm lý bất ổn.

Như trường hợp một bảo mẫu tại một trường mầm non ở TP Hồ Chí Minh, vì đang mang thai, tâm lý bất ổn đã thường xuyên đánh đập những cháu bé được gởi tại đây. Hay hình ảnh những đứa trẻ bị hành hạ bằng các hình thức như đánh, dí đầu vào phuy nước, tát liên tục vào mặt khiến nhiều phụ huynh chứng kiến hình ảnh con mình bị bạo hành phẫn nộ.

Dù vụ việc trôi qua nhiều năm nhưng những hình ảnh, clip ghi lại hình ảnh con mình là N.T.H (lúc 3 tuổi) bị hành hạ trong trường mầm non ở Thủ Đức bị phát tán trên mạng xã hội khiến chị T.T.T.P (ngụ đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, Thủ Đức) vẫn rơm rớm nước mắt khi xem lại.

"Cháu đã dần quên đi việc mình bị hành hạ, tôi đã chuyển trường cho cháu sau khi vụ việc được phanh phui. Nhưng giờ xem lại clip tôi vẫn thấy đau tức ngực" - Chị H. đau xót. Tổng hợp các nguyên nhân có thể bao gồm do sống trong môi trường không lành mạnh, nghiện ma túy, chất kích thích, gia đình khó khăn về kinh tế, cơm áo gạo tiền phải lo từng bữa. Song cho dù là nguyên nhân nào, thì những đứa trẻ cũng vô tội.

Dù có qui định chặt chẽ về quyền bảo vệ trẻ em tuy nhiên thực tế cho thấy vẫn còn rất nhiều trẻ em sống trong cảnh bạo lực, bị bạo hành. Nhiều vụ trẻ em bị bạo hành nhưng bị chính gia đình bưng bít thông tin hoặc bị những người bạo hành đe dọa không dám tố cáo.

Hoặc trẻ nhỏ bị bạo hành ở bên ngoài nhưng gia đình thiếu quan tâm dẫn đến việc trẻ bị bạo hành kéo dài. Các bậc phụ huynh là người trực tiếp chăm sóc trẻ nhỏ nhưng thiếu hiểu biết pháp luật, chưa có đủ kỹ năng tôn trọng trẻ em, thường là thiếu kiềm chế cơn nóng giận, dục vọng tức thời.

Những gia đình trẻ rơi vào cảnh ly hôn, trẻ em có lúc trở thành thành phần dư thừa trong gia đình, thiếu thốn tình cảm và trở nên "chướng mắt", rơi vào tình cảnh bất ổn tâm lý, bị hành hạ, không thể tự có khả năng tự vệ. Ngay cả các đoàn thể địa phương cũng không quan tâm sâu sát đến tình hình chung nơi mình quản lý, chỉ đến khi các vụ bạo hành trẻ nhỏ được phanh phui, lúc đó họ mới biết được vụ việc.

 Một phụ huynh có con bị bạo hành đau xót khi xem lại các đoạn clip về con mình.

Một phụ huynh có con bị bạo hành đau xót khi xem lại các đoạn clip về con mình.

Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả, chính sách, pháp luật về phòng chống, xâm hại, bạo hành trẻ em, toàn TP Hồ Chí Minh có hơn 2 triệu trẻ em. Trong số đó, tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại tình dục đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, cách thức mà những người gây ra bạo lực, xâm hại tình dục và hành hạ trẻ em ngày càng tinh vi.

Trong số 782 trẻ em bị bạo hành, xâm hại tình dục tại TP Hồ Chí Minh bị phát hiện thời gian qua, theo thống kê có 6 trẻ tử vong, 6 trẻ bị thương, 14 trẻ bị rối loạn tâm thần, 86 trẻ có thai, 9 trẻ phải bỏ học, phần còn lại các trẻ bị tác động khác về thể chất, tinh thần.

Trẻ bị xâm hại là do các đối tượng lợi dụng sự tin tưởng hay sử dụng sức mạnh, sử dụng "lòng tốt" để dụ dỗ, đe dọa trẻ để đạt mục đích xâm hại của mình. Trẻ bị bạo hành do nhiều nguyên nhân nhưng sự im lặng của gia đình và khả năng nhận thức non nớt của trẻ em, không thể tự mình lên tiếng khiến các vụ bạo hành càng lúc càng gia tăng. Trước thực trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Tư pháp cần nghiên cứu đề xuất thiết lập các đơn vị chuyên biệt về quyền bảo vệ trẻ em.

Ngoài ra UBND TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị các bộ ngành Trung ương có quy định rõ đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi từ cha mẹ, người chăm sóc, trẻ bị xâm hại, bị hành hạ nhưng cha mẹ, người chăm sóc trẻ từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp thì các tổ chức liên quan cần đề nghị tòa án có thẩm quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha mẹ, của người chăm sóc, áp dụng các biện pháp thay thế.

Không khó dự đoán trẻ sẽ ra sao khi trưởng thành mà quá khứ đã là nạn nhân của các vụ bạo hành, xâm hại tình dục. Tâm lý bất ổn, hoảng loạn sẽ đi theo trẻ suốt những năm tháng còn lại. Đã đến lúc cần chung tay bảo vệ trẻ em, quyết liệt đưa ra ánh sáng, xử lý thích đáng những vụ xâm hại, bạo hành trẻ em. Với việc xử lý mạnh tay và hình phạt nghiêm khắc, trẻ em mới có được một môi trường an toàn.

"Trẻ em như búp trên cành", bên cạnh trách nhiệm của cha mẹ, người thân, thì các đoàn thể phải thể hiện rõ trách nhiệm chung tay bảo vệ trẻ, cần có một môi trường thật sự trong sáng để trẻ em trưởng thành mà không bị ám ảnh bởi những vụ xâm hại tình dục, bạo hành.

Huyền Đức

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/khong-de-tre-bi-xam-hai-bao-hanh-568400/