Không để trẻ mồ côi bị bỏ lại phía sau
Đó là thông điệp mà hơn 3 năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh muốn lan tỏa đến toàn xã hội, cộng đồng trong việc cùng nhau chung tay, góp sức làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ, nuôi dưỡng, đỡ đầu cho trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Để chương trình 'Mẹ đỡ đầu' mãi là điểm tựa, là vòng tay yêu thương, là mái ấm gia đình luôn đồng hành với trẻ mồ côi hướng tới tương lai tốt đẹp.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” từ năm 2021 trong toàn quốc, hỗ trợ, nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi do tác động của COVID-19, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã triển khai Chương trình “Mẹ đỡ đầu” trong các cấp hội và hội viên toàn tỉnh gắn với thực hiện Đề án 938 của Chính phủ về “Tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội” mang ý nghĩa nhân văn lớn, thực sự là “cầu nối”, “điểm tựa” đầy tình thương, trách nhiệm, để các trẻ mồ côi với bớt khó khăn, có thêm cơ hội được học tập, phấn đấu trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Để thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” hiệu quả, bền vững và tạo sức lan tỏa mạnh mẽ hơn, ngay từ những ngày đầu triển khai, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội cơ sở chủ động công tác rà soát, lập danh sách tổng hợp trẻ mồ côi, nhu cầu cần giúp đỡ của trẻ... Trên cơ sở danh sách đã rà soát, các cấp hội cơ sở chủ động kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh vận động nhận đỡ đầu các cháu. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng xác minh thông tin của trẻ mồ côi và người nuôi dưỡng đảm bảo đúng yêu cầu của pháp luật và quy định của nhà tài trợ.
Không chỉ chăm lo về vật chất, hội LHPN các cấp trong tỉnh còn đặc biệt quan tâm thăm hỏi, động viên, phối hợp với ngành chức năng, địa phương tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lớp kỹ năng, trò chơi dân gian, thăm tặng quà cho trẻ mồ côi. Qua đó, tạo môi trường lành mạnh, an toàn để các em vui chơi, giải trí, phòng tránh các tệ nạn xã hội.
Cách đây 2 năm, nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Chương trình “Mẹ đỡ đầu - Lan tỏa yêu thương” vui tươi, đầm ấm. Tại chương trình này, các cấp hội đã nhận đỡ đầu 54 cháu với số tiền 391 triệu đồng, trong đó Công đoàn cơ quan Hội LHPN tỉnh đỡ đầu 3 cháu.
Thời gian qua, các cấp hội cơ sở và tổ chức hội phụ nữ ở các đơn vị lực lượng vũ trang, ban nữ công trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các hoạt động kết nối, vận động đỡ đầu, giúp hàng trăm em mồ côi vượt qua khó khăn, vươn lên trong học tập, cuộc sống.
Điển hình như Hội LHPN huyện Hải Lăng đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện tổ chức Chương trình gặp gỡ “Mẹ đỡ đầu - Cùng con chắp cánh ước mơ” thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên công đoàn, các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia.
Tại chương trình, Hội LHPN huyện nhận đỡ đầu và kết nối đỡ đầu 11 em với mức đỡ đầu cho mỗi em là 12 triệu đồng/năm; 17 tổ chức hội phụ nữ cơ sở nhận đỡ đầu và kết nối đỡ đầu 39 em, mức đỡ đầu cho mỗi em từ 1,2 - 4,5 triệu đồng/năm; 35 CĐCS nhận đỡ đầu 38 em với mức đỡ đầu cho mỗi em từ 1,2 - 2,4 triệu đồng/năm.
Đồng thời, trao tặng 100 suất quà cho các em với tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Hải Lăng còn tổ chức Chương trình “Kết nối mẹ đỡ đầu” với 10 em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, mỗi em được đỡ đầu với số tiền 12 triệu đồng/năm. Hội LHPN các xã, thị trấn kết nối và đỡ đầu 17 em mồ côi với số tiền từ 1,2 - 3 triệu đồng/em/năm.
Sau 3 năm triển khai, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã mang lại hiệu quả rất rõ nét, đến cuối năm 2023, các cấp hội phụ nữ huy động được gần 2,3 tỉ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 625/1.505 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức đỡ đầu trung bình từ 1,2 - 2,4 triệu đồng/ năm, có trường hợp đã nhận đỡ đầu 30 triệu/năm/em.
Chương trình “Mẹ đỡ đầu” lan tỏa rộng rãi trong các cấp hội, các ban, ngành cũng như trong cộng đồng dân cư, được các cấp ủy đảng, chính quyền đánh gia cao về tính nhân văn, sự thiết thực và hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” vẫn còn gặp những khó khăn, thách thức bởi số lượng trẻ mồ côi chưa được nhận đỡ đầu trên địa tỉnh còn khá nhiều, đặc biệt là ở huyện miền núi Đakrông.
Để khắc phục khó khăn, thách thức và tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm đó là: Tiếp tục tuyên truyền về ý nghĩa của chương trình “Mẹ đỡ đầu”.
Đẩy mạnh rà soát các hoàn cảnh cụ thể để có giải pháp giúp đỡ kịp thời và đề xuất chế độ hỗ trợ các em mồ côi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chưa được thụ hưởng chế độ hỗ trợ của địa phương theo quy định.
Duy trì kết nối, vận động và mở rộng nguồn lực xã hội giúp đỡ, hỗ trợ trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Mở rộng đối tượng kết nối, đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các đoàn thể, ban, ngành liên quan, các tổ chức, cá nhân trong việc huy động nguồn lực để chăm lo cho trẻ em mồ côi.
Kết quả chương trình “Mẹ đỡ đầu” đạt được trong hơn 3 năm qua đã phần nào giúp hàng trăm em mồ côi cảm nhận được tình thương, mái ấm gia đình và chắp cánh cho nhiều ước mơ, hoài bão của các em về một tương lai tươi sáng hơn.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/khong-de-tre-mo-coi-bi-bo-lai-phia-sau-188380.htm