Không để trẻ nghiện game

Mới đây, tin một học sinh lớp 11 ở xã Quỳnh Tam, Quỳnh Lưu (Nghệ An) bắt chước trò chơi điện tử giấu em bé 5 tuổi tại nhà hoang trong rừng, khiến bé đói khát trong nhiều giờ rồi tử vong… làm xôn xao dư luận.

Càng buồn hơn khi nghe hành vi trên lại từ một thiếu nhi nghiện game online, bởi từ lâu trò chơi hấp dẫn này đã thu hút nhiều trẻ em khi có các công cụ như máy tính, điện thoại kết nối mạng internet. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nghiện game là một tình trạng sức khỏe tâm thần và thuộc nhóm rối loạn do những hành vi có tính nghiện ngập, có ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống. Việc một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ quá ham mê game thì đã thấy ở nhiều nơi và cũng đã gây nên những hệ lụy không hề nhỏ. Vì vậy, xã hội cũng như gia đình cần có nhận thức đúng đắn về game để có thái độ ứng xử cần thiết.

Trước hết, cần nhận rõ game có nội dung giáo dục tốt và giải trí lành mạnh được sử dụng đúng mức sẽ đem lại nhiều lợi ích như tăng cường sự phối hợp giữa tay - mắt, mở mang trí tuệ, kỹ năng giải quyết vấn đề, giúp con người kết nối hoặc hỗ trợ cho hiểu biết, kiến thức, tình trạng sức khỏe cũng như nhiều vấn đề lành mạnh trong đời sống. Nhưng game cũng có thể coi như con dao hai lưỡi nếu có nội dung độc hại và người chơi quá ham mê dẫn đến trạng thái nghiện, nhất là đối với trẻ nhỏ. Vì thế các bậc cha mẹ và những người xung quanh cần biết những biểu hiện nghiện game như thời gian chơi game nhiều hơn 3 giờ/ngày liên tục trong một tháng trở lên; có xu hướng tăng dần; không kiểm soát chơi game được, ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả học tập, làm việc, vệ sinh cá nhân, quan hệ gia đình, bè bạn; có hành vi nói dối, lừa đảo, trốn học, trộm cắp, vi phạm pháp luật

Để trẻ chơi game mà không dẫn đến nghiện ngập, cha mẹ và những thành viên khác trong gia đình phải quan tâm từ khi trẻ tiếp xúc với trò chơi này. Từ thực tế đó có thể nhận ra biểu hiện ham chơi quá mức của trẻ và kịp thời uốn nắn (như chơi quá 1 giờ/ngày; xao nhãng học hành, công việc, tư tưởng, tâm thần không ổn định…). Qua đó có giải pháp điều chỉnh mức độ ham chơi hoặc "cắt cơn nghiện". Điều quan trọng là cha mẹ cần thường xuyên theo dõi đến mức độ nào đó thì cần có biện pháp hạn chế hoặc tách trẻ ra khỏi thế giới game một cách khéo léo. Một phương pháp được nhiều gia đình vận dụng thành công trong việc phòng ngừa nghiện game là cha mẹ gần gũi trẻ, phân tích cho chúng hiểu lợi hại của game, không cấm cản mà có lịch học, lịch chơi (trong đó có game) cho con em. Nếu trẻ có biểu hiện nghiện nặng hơn ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý thì cần có sự can thiệp kịp thời của y tế.

Công việc khó khăn và tế nhị này cần có sự phối hợp ba môi trường giáo dục là nhà trường, gia đình và xã hội, hướng trẻ em vào những trò chơi có ích, hỗ trợ học tập và rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống… để trở thành con ngoan, trò giỏi và công dân tốt cho xã hội sau này.

NGUYỄN THẾ TRƯỜNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/khong-de-tre-nghien-game-193539