Không để văn bản nợ đọng, chậm trễ
Hôm qua (6/2), tại Hà Nội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì buổi làm việc với 11 bộ, cơ quan về tình hình xây dựng, trình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực pháp luật từ thời điểm 1/7/2020.
Báo cáo tổng hợp tình hình ban hành văn bản, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Đinh Dũng Sỹ cho biết, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật ngày càng gia tăng.
2017 là năm đã có nhiều cố gắng và không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, nhưng đến năm 2018 và 2019, số nợ đọng gia tăng. Đến nay, các bộ, cơ quan Chính phủ đang còn nợ 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trở về trước, bao gồm 21 nghị định, 3 thông tư.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Pháp luật, thời điểm mùng 1/7/2020, nhiều luật sẽ bắt đầu có hiệu lực và theo quyết định phân công, danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật sẽ có hiệu lực vào 1/7/2020, các bộ phải trình ban hành 62 văn bản, gồm các nghị định của Chính phủ, quyết định quy phạm pháp luật của Thủ tướng và Thông tư của các bộ, trong đó có 35 nghị định, 27 thông tư.
Ông Đinh Dũng Sỹ đề xuất, đối với 24 văn bản hướng dẫn các luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 trở về trước còn nợ đọng, các bộ rà soát, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra các giải pháp, cố gắng chậm nhất phải ban hành trước ngày 15/4. Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng về quyết tâm của các bộ cũng như các giải pháp.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp - Bộ Công an cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đọng văn bản trong năm qua đó là trách nhiệm của các bộ, ngành chưa thực sự cao trong tham gia phối hợp xây dựng văn bản.
“Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành cho ý kiến về dự thảo một thông tư và gửi về Bộ trước ngày 24/10, tuy nhiên đến nay vẫn còn nhiều bộ, ngành chưa gửi. Nếu những bộ, ngành này không gửi ý kiến thì không thể trình được, sẽ bị trả lại để xin ý kiến”- Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh cho biết.
“Ngay khâu gửi xin ý kiến cử người tham gia hàng tháng trời cũng không gửi. Tôi lấy ví dụ 1 thông tư, ngày 24/10 chúng tôi đề nghị gửi kết quả về Bộ Công an, đến 15/11 còn nhiều bộ, ngành chưa gửi, đến ngày 3/12 không gửi, đến hôm nay cũng không gửi. Nhưng nếu những bộ, ngành này không gửi, không thể trình được, bị trả lại để về xin thêm ý kiến”, Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh dẫn chứng và cam kết để các văn bản nợ đọng kịp ban hành chậm nhất ngày 15/4, Bộ Công an sẽ trình các dự thảo trước ngày 15/3, trong đó một nửa các dự thảo sẽ trình trước ngày 15/2. Với các văn bản có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, Bộ sẽ trình dự thảo trước ngày 15/4.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cũng thừa nhận khâu yếu hiện nay là vấn đề phối hợp, chậm ngay từ việc cử người phối hợp.
“Tôi dự họp rất nhiều cuộc thì thấy hầu như là vắng, người được cử đến được khoảng 50% là hiếm lắm”, ông Thừa nói và đề nghị các bộ, ngành phải cử người có hiểu biết sâu dự họp.
Về việc gửi văn bản xin ý kiến các cơ quan liên quan, ông Thừa đề nghị tóm lược và chỉ rõ cần xin ý kiến những nội dung nào chứ không phải gửi sang cả tập tài liệu dày nửa gang tay với mấy chục vấn đề. Để tăng cường trách nhiệm phối hợp của các bộ, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Thủ tướng giao cho Phó Thủ tướng phụ trách các bộ gọi và triệu tập các bộ lên họp để đôn đốc. Nếu Phó Thủ tướng thay mặt Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp sẽ làm được.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, không thể để văn bản nợ đọng, chậm trễ. Phải "tiêu diệt" luôn văn bản nợ đọng, làm như chống dịch nCoV; làm mạnh mẽ, quyết liệt”.
Với văn bản còn nợ đọng, các Bộ trình Chính phủ trước ngày 1/3. Còn văn bản có hiệu lực từ 1/7/2020, cố gắng trình chậm nhất vào 15/4 để hoàn thiện các thủ tục tiếp theo. Cơ quan phối hợp phải trả lời nhanh cho cơ quan chủ trì. Khi đã có ý kiến thành viên Chính phủ, các vụ thuộc Văn phòng Chính phủ phải xử lý, nếu Bộ nào nợ đọng, vụ đó chịu trách nhiệm.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/khong-de-van-ban-no-dong-cham-tre-492637.html