Không để vấn nạn 'ăn chặn' đe dọa thể thao Việt Nam

Chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm, thể thao Việt Nam rúng động vì hai vụ việc liên quan trực tiếp đến chế độ đãi ngộ vận động viên. Từ suất ăn bị cắt xén của Đội tuyển Bóng bàn trẻ Quốc gia cho đến việc tiền thưởng của tuyển thủ thể dục dụng cụ bị ăn chặn khiến người hâm mộ thể thao và cả xã hội bức xúc. Nếu các bộ ngành liên quan không có hành động quyết liệt và nhanh chóng, ăn chặn trong thể thao sẽ là vấn nạn nguy hiểm, đe dọa sự phát triển của thể thao Việt Nam…

Không phải chuyện mới

Đầu tháng 10/2023, truyền thông phanh phui chuyện các VĐV ở Đội tuyển Bóng bàn trẻ Quốc gia bị cắt xén tiền ăn. Theo quy định của nhà nước, các tuyển thủ trẻ được hưởng chế độ ăn 320.000 đồng/ ngày/ người. Số tiền này được chia ra với mức 100.000 đồng/ bữa sáng, 120.000 đồng/ bữa trưa và 100.000 đồng/ bữa tối. Đội tuyển Bóng bàn trẻ Quốc gia có 8 người, nhưng hình ảnh bữa ăn chính - được ngân sách chi đến 800.000 đồng lại cực kỳ đạm bạc, chỉ có 5 món gồm: đậu rán, cá basa kho, nem rán, một đĩa củ quả luộc và một bát canh cà chua.

Bữa ăn gây sốc của tuyển Bóng bàn trẻ Quốc gia.

Bữa ăn gây sốc của tuyển Bóng bàn trẻ Quốc gia.

Những người thạo giá thị trường và thường xuyên nấu ăn đánh giá số tiền bỏ ra cho bữa ăn trên - bao gồm cả tiền công người nấu chỉ rơi vào khoảng 200.000đ. Điều đó có nghĩa khoảng 600.000đ trong ngân sách nhà nước cấp cho mỗi tuyển thủ đã bị "ăn chặn". Thông tin này khiến người hâm mộ phẫn nộ, đặc biệt khi các VĐV bị ăn chặn là các tuyển thủ trẻ - những người lẽ ra phải nhận được sự chăm sóc tốt nhất để phát triển tài năng.

Tuy nhiên, với những người từng ở trong giới thể thao đỉnh cao Việt Nam, chuyện cắt xén tiền ăn không phải điều gì mới mẻ. "Quyền vương" Trương Đình Hoàng là một trong số các VĐV lên tiếng về vấn đề này. Trên trang cá nhân, võ sĩ quyền Anh nổi tiếng này viết: "Ăn chặn tiền VĐV là câu chuyện thường xuyên xảy ra trong thể thao, nhất là ở những đội tuyển trẻ. Sự hiểu biết của các em lúc ấy chưa nhiều, chưa có tiếng nói trong ngành và tâm lý sợ HLV, sợ đánh, sợ phạt, sợ kỷ luật và sợ bị đuổi về. Hoàng biết, hiện tại tình trạng này còn rất nhiều trong thể thao Việt Nam, nhưng các em và các bạn không dám nói và lên tiếng. Hy vọng qua sự việc lần này, các ban lãnh đạo ở địa phương và đội tuyển quốc gia sẽ sâu sát hơn về vấn đề quản lý, kỷ luật thích đáng các HLV sai phạm. Mong các anh chị, thầy cô hãy yêu thương VĐV như chính con cháu mình. Hãy để các em được nhận những gì xứng đáng với công sức của các em bỏ ra, vì đó là mồ hồi, xương máu và cả tuổi thanh xuân của các em. Và để mọi người nhìn vào ngành thể thao, thấy được đó là một nghề cao quý, quan trọng của đất nước".

Khi vụ việc của Đội tuyển Bóng bàn trẻ Quốc gia vừa lắng xuống, những gì Trương Đình Hoàng tiết lộ nhanh chóng được chứng minh. Lần này, đến lượt tuyển thủ của Đội Thể dục dụng cụ (TDDC) Phạm Như Phương lên tiếng cô và các đồng đội phải chia tiền thưởng cho các HLV. Họ cũng phải nộp các khoản quỹ không tên - không có biên lai chứng từ để được hưởng các chế độ khác, bao gồm việc không tập luyện nhưng vẫn được chấm công vào Chủ nhật.

Vụ bê bối này lẽ ra còn bị giấu nhẹm nếu Phạm Như Phương không bị loại khỏi đội tuyển quốc gia tập trung năm 2024 vì tự ý đi Mỹ mà chưa có giấy chấp thuận của bộ môn. Chia sẻ trên một tờ báo điện tử, Phạm Như Phương tuyên bố giải nghệ và cho biết cô bị gạch tên vì HLV chuyên trách "quên" gửi đơn xin đi nước ngoài của cô lên Bộ môn Thể dục (Cục Thể dục Thể thao). Khi đó, Phương đã có 19 ngày ra nước ngoài - trùng thời điểm đội tuyển duyệt danh sách VĐV tập huấn quốc gia năm 2024.

Quyết định giải nghệ sớm, Phạm Như Phương không còn gì để sợ và cô tiếp tục tố cáo các tiêu cực ở Đội tuyển TDDC, bao gồm VĐV phải nộp lại 10% tiền thưởng huy chương cho HLV để đưa vào quỹ đội; VĐV không đi tập ngày lễ, Chủ nhật vẫn được chấm công và nhận lương. Số tiền này VĐV được giữ 50%, 50% vào túi HLV…

Đáng chú ý, những tiêu cực mà Phạm Như Phương tố cáo vốn được chính cô và gia đình chấp thuận (trong im lặng) từ lâu và chỉ được tiết lộ khi cô quyết định dừng sự nghiệp. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, còn bao nhiêu VĐV cũng rơi vào tình thế phải thỏa hiệp với tiêu cực và chấp nhận chịu thiệt thòi như vậy?

Vấn nạn cần ngăn chặn

Nhiều người trong cuộc như Trương Đình Hoàng xác nhận chuyện VĐV chia tiền thưởng cho HLV không phải điều mới. Đây vốn được xem là hành động báo đáp công ơn HLV của các VĐV mỗi khi đạt thành tích cao. Về tình nghĩa, chuyện này được chấp thuận một cách bất thành văn ở bất cứ tập thể nào.

Các VĐV khi giành chiến thắng lớn không chỉ được nhận tiền thưởng mà còn được hưởng vinh quang, có danh tiếng - điều mà những HLV thông thường không có. Vì vậy, việc họ trích lại 10% tiền thưởng cho HLV có thể được xem là điều hợp tình.

Còn nhiều VĐV bị ăn chặn như Phạm Như Phương?

Còn nhiều VĐV bị ăn chặn như Phạm Như Phương?

Một cựu VĐV TDDC cho biết: "Việc trích phần trăm tiền thưởng cho HLV sau khi giành huy chương đã có từ lâu. Mọi người tự thống nhất với nhau chứ không có quy định hay điều luật nào hết. Khi VĐV giành huy chương, HLV cũng được nhận tiền thưởng riêng nhưng không bằng. Vì vậy, chúng tôi vẫn thống nhất gửi lại 10% cho HLV, cho bộ môn. Số tiền này sau đó được chi tiêu như thế nào thì chúng tôi không quản. Hiện tại, có thể số tiền thưởng ngày càng lớn hơn, việc trích phần trăm có thể khiến các VĐV mất đi khoản tiền đáng kể hơn. Họ lên tiếng, đòi hỏi sự minh bạch cũng là hợp lý".

Tương tự như vậy, việc "chấm công Chủ nhật" cũng không phải là chuyện mới trong giới thể thao đỉnh cao. Tùy theo hoàn cảnh và góc nhìn, đây sẽ là chuyện tiêu cực hay tích cực. Sau Olympic Rio 2016, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I (Nhổn) từng bị cáo buộc gây thất thoát trên dưới 4 tỷ đồng liên quan đến việc "chấm công Chủ nhật".

Từ góc độ tích cực, việc "chấm công Chủ nhật" được nhìn nhận giúp VĐV có thêm "đồng ra, đồng vào" và gia tăng động lực cống hiến. Điều này lý giải tại sao nhiều đội tuyển bảo vệ Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia I khi ấy.

Nhưng ở góc độ khác, khi việc sử dụng ngân sách bị biến tướng, "chấm công Chủ nhật" sẽ trở thành một trong những chiêu để những người có quyền hành bòn rút tiền đầu tư vào thể thao. Và chuyện này thậm chí xảy ở cấp cơ sở. Đầu năm 2023, thể thao TP Hồ Chí Minh từng xử lý vụ việc với những chiêu trò tương tự.

Khi đó, Thanh tra quận 1 xác định, Trung tâm Thể dục thể thao quận 1 là đơn vị trực tiếp quản lý, huấn luyện, đào tạo đội bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh từ năm 1997 đến nay nhưng nhiều năm qua các cá nhân liên quan đã ăn chặn tiền của vận động viên, lập khống hồ sơ để trục lợi.

Kết quả thanh tra về quản lý, ăn, ở, tập luyện, tuyển chọn, cho ra - vào tuyển bóng đá nữ… phát hiện nhiều sai sót. Cụ thể, có tình trạng VĐV không còn tham gia tập luyện, rời khỏi đội tuyển nhưng Ban chuyên môn bóng đá nữ vẫn lập hồ sơ đánh giá chuyên môn khi thực hiện cho ra, vào tuyển và cử đi tham gia đấu giải. Chưa kể việc chấm công tập luyện, dinh dưỡng đều có tình trạng sai phạm, khai khống.

Từ năm 2020 đến 2021, Trung tâm TDTT Thống Nhất đã chi trả tiền công tập luyện và tiền dinh dưỡng cho các VĐV bóng đá nữ TP Hồ Chí Minh được xác định là đã không còn tham gia tập luyện, rời khỏi đội và HLV không tham gia huấn luyện bóng đá nữ là hơn 1,9 tỷ đồng. Tiền công, tiền dinh dưỡng của các VĐV bị chiếm đoạt 102 triệu đồng, các khoản tiền thưởng cũng bị ăn chặn 221 triệu đồng.

Từ thực tế này, các nhà quản lý cần chú ý và nhìn nhận nghiêm túc để có giải pháp, bởi lẽ chuyện ăn chặn trong thể thao có thể trở thành vấn nạn ngay từ những đội thể thao cấp địa phương.

Thể thao Trung Quốc cũng rúng động vì bê bối ăn chặn tiền thưởng

Đầu tháng 2/2024, Yu Lihua - HLV bắn súng giúp học trò giành huy chương vàng Olympic cho biết, ông đã bị ăn chặn 40% số tiền thưởng đáng ra ông phải được nhận.

Tại Thế vận hội Tokyo 2021, ông Yu Lihua giúp nữ xạ thủ Yang Qian lập kỷ lục Olympic, giành huy chương vàng, đem vinh quang về cho bắn súng Trung Quốc. Ngày 2/2/2024, ông Yu Lihua bất ngờ lên mạng, viết tâm thư yêu cầu được trả tiền thưởng, tố cáo ban lãnh đạo Cục Thể thao Ninh Ba và Trường Thể thao Ninh Ba đã ăn chặn tiền thưởng Olympic của ông.

Ông viết trên trang cá nhân: "Họ là những kẻ đã phớt lờ Yang Qian. Nhưng cuối cùng khi chúng tôi mang vinh quang về thì họ lại ngồi văn phòng và ăn chặn tiền của chúng tôi. Họ được thăng chức và trở nên giàu có, 40% tiền thưởng thuộc về tôi đã bị lấy đi".

Mới nhất, nhiều VĐV cử tạ và lực tạ Hong Kong (Trung Quốc) nói rằng họ phải sống trong địa ngục trần gian vì bị Liên đoàn Cử tạ cắt tiền thưởng. Đô cử Masahito Kitsui cho rằng Liên đoàn đã ăn chặn hơn 25.000 USD (khoảng hơn 600 triệu đồng) mà anh đáng lẽ được nhận. Trong khi đó, kỷ lục gia của cử tạ Hong Kong (Trung Quốc) Raymond Fong Chai-chi nói rằng Liên đoàn đã ép anh phải trả hơn 120.000 USD phí huấn luyện để được nhận khoản trợ cấp giai đoạn 2019-2022.

An Khánh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/khong-de-van-nan-an-chan-de-doa-the-thao-viet-nam-i725045/