Không dễ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho nông sản Ðiện Biên
ĐBP - Trong số 65 chỉ dẫn địa lý (CDÐL) được bảo hộ trên cả nước, Ðiện Biên có 1 CDÐL là 'Gạo Ðiện Biên' được bảo hộ từ năm 2014. Song từ đó đến nay công tác xây dựng CDÐL cho các sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn.
Người dân mua sản phẩm gạo mang thương hiệu Tâm Sáng tại Siêu thị Tâm Ðỏ.
Ông Hồ Trung Kiên, Trưởng Phòng Quản lý công nghệ, an toàn, bức xạ, hạt nhân - sở hữu trí tuệ (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hiện nay, ngoài sản phẩm gạo Ðiện Biên đã xây dựng được CDÐL thì nếp tan Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) đã đăng ký nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, tỉnh có một số sản phẩm nông nghiệp điển hình khác có khả năng đủ điều kiện đăng ký CDÐL với các dự án như: Dự án Xây dựng và quản lý CDÐL Mường Ảng cho sản phẩm cà phê của huyện Mường Ảng; Dự án Xây dựng và quản lý CDÐL Tủa Chùa cho sản phẩm chè Shan tuyết của huyện Tủa Chùa. Ðối với sản phẩm gạo, để xây dựng CDÐL cho “Gạo Ðiện Biên”, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tiến hành triển khai dự án Xây dựng CDÐL Ðiện Biên cho sản phẩm gạo Bắc thơm số 7 và IR64 vùng cánh đồng Mường Thanh. Ngay sau khi dự án hoàn thành, đơn vị làm hồ sơ đăng ký gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký CDÐL. Chỉ dẫn địa lý đã tạo điều kiện cho sản phẩm mở rộng và tiếp cận nhiều hơn thị trường quốc tế với chỉ dẫn và nguồn gốc rõ ràng. Ðồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Mặc dù sản phẩm gạo Ðiện Biên đã được bảo hộ CDÐL đối với 2 giống: IR64 và Bắc thơm số 7 cách đây 6 năm nhưng đến nay, toàn tỉnh mới có 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh được dán tem CDÐL trên sản phẩm. Ngoài ra, do vùng sản xuất không lớn, điều kiện sản xuất thay đổi, chất lượng cây giống không đảm bảo, năng suất và chất lượng không ổn định nên chỉ tiêu chất lượng gạo không đáp ứng các chỉ tiêu đã được đăng bạ CDÐL. Ðiều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp khi xin cấp quyền sử dụng CDÐL Ðiện Biên. Bên cạnh đó, hiện nay trên thị trường, sản phẩm gạo Ðiện Biên đang bị gian lận nguồn gốc, xuất xứ rất nhiều gây ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển, thâm nhập thị trường của sản phẩm chính hiệu đã được bảo hộ.
Ðể tháo gỡ khó khăn trong quá trình xây dựng CDÐL cho nông sản, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản pháp quy mới về lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Hàng năm, tổ chức hội nghị, tập huấn hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể kinh tế quy trình, thủ tục đăng ký, xây dựng CDÐL. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng có thể đăng ký CDÐL mà phải đáp ứng được nhiều điều kiện như: Sản phẩm có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDÐL; sản phẩm có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc nước tương ứng với CDÐL quyết định. Ngoài ra, để xác định được sản phẩm cần đăng ký CDÐL cũng phải xem xét các yếu tố: Sản phẩm; chính quyền địa phương; nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện còn thiếu; quy mô sản xuất các sản phẩm đặc sản trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên gặp nhiều trở ngại về việc truy xuất nguồn gốc.
Chính vì vậy, để xây dựng CDÐL thành công cho nông sản Ðiện Biên cần sự phối hợp tích cực của ngành chuyên môn và UBND các huyện, thị xã, thành phố có sản phẩm được xây dựng CDÐL. Ðồng thời, tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm tìm kiếm và kết nối với các doanh nghiệp tại những hội chợ thương mại trong nước để mở rộng thị trường cho sản phẩm.