Không để xảy ra gián đoạn ứng phó với thiên tai khi thực hiện tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không được để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 70/CĐ-TTg ngày 23/5 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ ở Bắc Bộ.
Công điện gửi các Bộ: Quốc phòng, Công an; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Xây dựng và Chủ tịch UBND các tỉnh, TP: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An.
Công điện nêu: Từ đầu tháng 5 đến nay, dù chưa vào giai đoạn cao điểm mùa mưa nhưng đã xuất hiện nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa cường suất lớn gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, nhất là tại một số tỉnh như Lai Châu, Bắc Kạn, Quảng Ninh...

Trong đợt mưa từ ngày 23-24/5 có thể xuất hiện đợt mưa lớn cực đoan, nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Trong bối cảnh các địa phương đang tập trung thực hiện sắp xếp lại đơn vị hành chính, chuẩn bị kết thúc hoạt động của chính quyền cấp huyện để triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai ở cơ sở chưa ổn định, để chủ động phòng, chống thiên tai, bão lũ, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Chủ tịch UBND các tỉnh, TP nêu trên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi sát tình hình, tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp để chủ động ứng phó thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt cục bộ để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiệt hại về tài sản của người dân và Nhà nước. Tuyệt đối không được để xảy ra gián đoạn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với thiên tai khi thực hiện việc sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ, cảnh báo, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, thiên tai cho các bộ, ngành, địa phương và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ đập thủy điện; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường trong công tác chỉ đạo vận hành các hồ thủy điện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện lớn trên hệ thống sông Hồng, đồng thời, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ phát điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, triển khai các phương án bảo đảm an toàn giao thông và các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, xây dựng khi có tình huống thiên tai, kịp thời khắc phục các tuyến giao thông bị sạt lở, chia cắt, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là các tuyến quốc lộ, trục giao thông chính.
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường và cơ quan có liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự phù hợp với sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong tháng 5; chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng trên địa bàn rà soát, xây dựng phương án, chủ động huy động lực lượng, phương tiện để phối hợp với địa phương và các lực lượng có liên quan triển khai công tác ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai theo quy định.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương, nhất là lực lượng công an ở cơ sở xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai hỗ trợ nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống.
Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, Cục Khí tượng thủy văn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), từ đêm nay (23/5) đến sáng 24/5, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 70-150mm, cục bộ có nơi trên 250mm.
Từ chiều tối nay (23/5), ở khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15-30mm, có nơi trên 50mm; từ chiều tối nay đến 24/5, mưa lớn mở rộng hơn, cục bộ có nơi mưa rất to với lượng mưa 40-80mm, cục bộ có nơi trên 150mm.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, khu vực mưa lớn nhất khả năng xuất hiện ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Đáng chú ý cảnh báo trong đợt mưa này là mưa cường xuất lớn trong 1-3 giờ có thể lên đến 100mm, hoặc hơn 100mm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Do đó, nguy cơ cần đề phòng lũ lụt, ngập úng đô thị và các vùng trũng thấp; lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Đặc biệt trong đợt mưa này từ 23-24/5 có thể xuất hiện đợt mưa lớn cực đoạn trong thời gian ngắn từ 1-3 giờ. Ngoài ra còn có một đợt không khí lạnh bị dồn nén, khả năng có tương tác giữa các khối không khí lạnh phía Bắc và khối không khí nóng ẩm phía Nam nên có thể gây ra xung đột.
Theo ông Khiêm, các tỉnh miền Bắc vừa trải qua một đợt mưa lớn nên tại các vùng đồi núi như: Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, đất đá đã bão hòa nước nên nguy cơ trượt lở đất vẫn ở mức cao. Người dân cần đề phòng với các hiện tượng trượt lở tránh gây thiệt hại về người và tài sản vật chất.