Không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi

Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường triển khai ngay các nhiệm vụ tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa trên địa bàn Thủ đô.

Đa dạng mặt hàng rau xanh được bày bán với giá cả ổn định tại siêu thị MM Mega Market Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Đa dạng mặt hàng rau xanh được bày bán với giá cả ổn định tại siêu thị MM Mega Market Thăng Long. Ảnh: Nguyễn Đăng.

Giá cả ổn định tại hệ thống các siêu thị

Sáng 13/9, ghi nhận tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, rau xanh tại các chợ dân sinh không nhiều chủng loại nhưng số lượng khá nhiều. Giá các loại rau xanh ở mức cao hơn ngày thường từ 1 đến 2 lần, cụ thể: Tại chợ Xuân La (Tây Hồ), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Vân Nội (Hà Đông), giá rau muống tăng từ 10.000 đồng/mớ lên 16.000 đồng/mớ, rau mồng tơi từ 8.000 đồng/mớ lên 13.000 đồng/mớ; cải ngọt, dền 15.000- 16.000 đồng/mớ… Ngoài rau xanh, các mặt hàng tôm, cá cũng tăng thêm 10.000-20.000 đồng/kg;…

Trái với các chợ truyền thống, tại các hệ thống bán lẻ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội, như: Saigon Co.op, WinMart, MM Mega Market Việt Nam, Aeon Việt Nam… những mặt hàng rau và thực phẩm được bày bán đa dạng như ngày thường, giá cả đảm bảo ổn định, không tăng, đặc biệt là thịt lợn đang có giá cả ổn định.

Theo đại diện các siêu thị, những ngày này, lượng khách hàng tới mua sắm tăng tang mạnh so với tháng trước đó. Theo đó, các hệ thống bán lẻ cũng phải chuẩn bị nguồn hàng tương ứng và đảm bảo bình ổn giá.

Chị Tuyết (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Những ngày mưa bão, tại các chợ truyền thống, hầu hết các mặt hàng thiết yếu hàng ngày như rau xanh, thịt, cá, trứng… đều tăng giá cao. Vì vậy, tôi chọn vào hệ thống siêu thị lớn gần nhà như MM Mega Market Thăng Long để yên tâm mua sắm. Tại đây, tôi thấy hàng hóa khá đầy đủ, tươi ngon mà giá cả lại ổn định”.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho biết, việc khan hàng trong những ngày vừa qua là có, nhưng chỉ là cục bộ, trong một khoảng thời gian ngắn do người dân mua ồ ạt một lúc. Còn về cơ bản, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm, rau, củ quả trong dân không hề tăng. Sở dĩ xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá thời điểm mưa lũ là do người dân có tâm lý tích trữ sợ mưa lụt kéo dài.

Ngoài ra, ảnh hưởng của bão và ngập lụt cũng khiến nhiều diện tích rau màu, trang trại bị thiệt hại. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng mua thực phẩm tích trữ, điều này sẽ gây ra tình trạng khan hàng cục bộ, tạo cơ hội cho gian thương tăng giá bán...

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm

Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, do tâm lý sợ ngập lụt, mất điện cục bộ nên nhu cầu mua sắm tích trữ của người dân tăng cao. Tuy nhiên, các cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại... đã kịp thời bổ sung hàng hóa để phục vụ người dân.

Giá các mặt hàng rau, củ, quả tăng nhẹ do mưa, ngập khiến rau bị hỏng và nông dân khó khăn trong công tác thu hoạch và vận chuyển. Tuy nhiên, các mặt hàng này đã được các siêu thị, chủ sạp chủ động điều chuyển từ nguồn hàng các tỉnh phía Nam để đảm bảo nhu cầu thiết yếu của người dân.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, Dương Mạnh Hùng cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường triển khai ngay các nhiệm vụ như:

Tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa các tháng cuối năm 2024. Triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.

Cùng với đó, kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi; phối hợp đảm bảo ổn định thị trường giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản TP.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý theo lĩnh vực, địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng, vật tư phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng…

Thường xuyên báo cáo, cập nhật tình hình thị trường; phân công lãnh đạo công chức Quản lý thị trường (trực 24/24h) theo dõi, nắm bắt, giám sát để kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do bão số 3 (Bão Yagi) gây ra để thu lời bất chính…

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/khong-de-xay-ra-tinh-trang-gam-hang-day-gia-nham-truc-loi-394692.html