Không để xói mòn các nền tảng vĩ mô đã dày công tạo dựng

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là chính sách ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển tới trong các chỉ đạo của lãnh đạo quốc gia.

Nền tảng vĩ mô

Trong lời phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội 13, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 3 lần đề cập đến yêu cầu “ổn định kinh tế vĩ mô” như là một trong các định hướng chính sách lớn để điều hành nền kinh tế trong 5 năm, 10 năm tới.

Ông nói: “Tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý an toàn nợ công; cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người luôn yêu cầu giữ ổn định kinh tế vĩ mô trong tất cả các nghị quyết 01, hơn ai hết hiểu rõ giá trị của nền tảng này. Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, ông đã tự hào nói rằng, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, Việt Nam đã cùng nhau tạo ra hơn 1.200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm trên “một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”.

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là chính sách ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển tới trong các chỉ đạo của lãnh đạo quốc gia. Ảnh: TTXVN

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vẫn là chính sách ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn phát triển tới trong các chỉ đạo của lãnh đạo quốc gia. Ảnh: TTXVN

“Chúng ta cần tiếp tục phải duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp dưới 4% và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng”, Thủ tướng nói.

Kinh tế vĩ mô có ổn định, giá trị đồng tiền có được giữ vững, lạm phát thấp… thì mới tạo ra nền tảng vững chắc để người dân và doanh nghiệp tin tưởng, bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, giúp phát triển kinh tế nước nhà.

Bài học từ quá khứ

“Những kết quả tích cực từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công đã tạo dư địa quan trọng cho chính sách tài khóa, nên trong năm 2020 mặc dù kinh tế khó khăn do tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, thu ngân sách sụt giảm, chúng ta vẫn chủ động xử lý được các vấn đề cấp bách phát sinh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế” - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Đó là một quá trình rất dài với nhiều đổ vỡ vì lạm phát tăng cao, các bong bóng tài sản bục vỡ, dự án công bùng nổ rồi đắp chiếu... do chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, “vung tay quá trán”.

Báo cáo kinh tế xã hội của Đại hội 12 đầu năm 2016 tóm tắt: “Việc kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững; cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn; cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp; chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP”.

Trước tình hình đó, tháng 11/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Để cụ thể hóa chủ trương đó, ngay trong tháng 11/2016, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ban hành nghị quyết 25 về kế hoạch tài chính quốc gia giai đoạn 2016-2020 và áp đặt những mục tiêu cụ thể về bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài…

Đó là những áp lực rất lớn lên chính sách tài khóa.

Nợ công, bội chi đều giảm

Phát biểu tại Đại hội Đảng 13 trong tuần qua, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bội chi ngân sách đã giảm từ mức bình quân 5,4% GDP giai đoạn 2011-2015 về mức 3,6% GDP giai đoạn 2016-2020, thấp hơn so với chỉ tiêu.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tham luận tại Đại hội Đảng 13. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày tham luận tại Đại hội Đảng 13. Ảnh: TTXVN

Quy mô nợ công đã giảm từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55,8% GDP vào cuối năm 2020; tỷ trọng vay trong nước tăng từ 39% năm 2011 lên khoảng 63% năm 2020. Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân năm 2020 đã được kéo dài lên gần 14 năm, so với 9 năm vào năm 2016…

Bên cạnh đó, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách tăng từ gần 69% trong giai đoạn 2011-2015 lên 82% giai đoạn 2016-2020 và đạt gần 86% đến năm 2020 để đảm bảo tính bền vững, phù hợp với trình độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, tất cả các con số đó góp phần tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia.

“Những kết quả tích cực từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công đã tạo dư địa quan trọng cho chính sách tài khóa, nên trong năm 2020 mặc dù kinh tế khó khăn do tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, thu ngân sách sụt giảm, chúng ta vẫn chủ động xử lý được các vấn đề cấp bách phát sinh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế”, ông Dũng nói.

Ổn định để cất cánh phát triển

TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nhận xét, kinh tế vĩ mô ổn định, ngân sách được củng cố, dự trữ ngoại hối tăng lên, hệ thống ngân hàng ổn định và lãi suất giảm xuống là thành quả tích tụ trong mấy năm vừa qua, giúp khôi phục tăng trưởng, giúp nền kinh tế có sức chống chịu rất tốt trong năm Covid 2020.

Phấn đấu Việt Nam luôn là nền kinh tế năng động, sáng tạo, phát triển nhanh nhưng ổn định, bền vững, không để xói mòn các nền tảng vĩ mô mà chúng ta đã dày công tạo dựng.

Ông Cao Viết Sinh, thành viên tiểu ban văn kiện kinh tế - xã hội Đại hội 13 nhận xét, các năm qua Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ nhiều chính sách, giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân giảm từ 18,6% năm 2011 xuống ổn định ở mức khoảng 4%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Ông nói: “Đến nay, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện đáng kể”.

Về phần mình, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: “Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới là tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính, cơ cấu lại ngân sách, nợ công nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tiếp tục sắp xếp, tinh gọn bộ máy, biên chế cùng với cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách; củng cố dư địa tài khóa, nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia”.

Tư Giang

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/viet-nam-hung-cuong/khong-de-xoi-mon-cac-nen-tang-vi-mo-da-day-cong-tao-dung-709660.html