Không di dời đường dây trung thế 22kV: Cần người dân hiểu và chia sẻ
Vì di dời rất tốn kém và nhiều vấn đề hệ lụy khác, trước mắt ngành chức năng giữ nguyên hiện trạng đường dây và nâng cao trụ điện bảo đảm an toàn tính mạng, lưới điện, tài sản nhân dân, nên cần người dân hiểu và chia sẻ.
Không thể di dời
Đường dây trung thế 22kV có chiều dài 22km, chạy dọc theo QL1A qua các xã Tân Phúc, Tân Đức, thị trấn Tân Minh, Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân. Cụ thể, đường dây cách tim đường QL1A trung bình 40 – 45m, nằm ngoài hành lang bảo vệ đường bộ quy định đối với quốc lộ là 27m. Đây là công trình truyền tải điện trọng điểm của tỉnh, được đầu tư xây dựng, giai đoạn 1995 – 1997 đến năm 1999 bàn giao cho ngành điện quản lý. Thời điểm này dân cư sống hai bên tuyến QL1A thưa thớt, thậm chí có đoạn không có người ở.
Trải qua gần 30 năm phát triển, dân số tăng lên, cuộc sống của người dân khấm khá, nhu cầu nhà ở theo đó cũng tăng lên. Nhiều người có đất hoặc mua đất muốn xây nhà cao tầng thì không thể, vì vướng đường dây điện. “Tôi mua miếng đất này năm 2007 khi đó không nghĩ xây nhà cao tầng sẽ bị ảnh hưởng đường dây trung thế 22kV. Hiện giờ xây nhà tôi mới thấy bất tiện và nguy hiểm, không dám lợp mái nhà bằng tôn kẽm mà lợp tôn nhựa hoặc tôn xi măng”, anh Nguyễn Văn Hội ở xã Tân Đức cho biết.
Đường dây trung thế 22kV trên mái nhà một hộ dân ở xã Tân Phúc.
Theo huyện Hàm Tân, tổng số hộ dân của 4 xã và thị trấn, có đất ở nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường trung thế 22 kV là 635 hộ; tổng số nhà ở nằm trong hành lang là 202 nhà ở và công trình. Trong đó, có nhiều căn nhà xây dựng sau khi đường dây điện hoàn thành đưa vào vận hành.
Những năm qua, họ kiến nghị ngành chức năng gồm UBND các cấp, Công ty Điện lực Bình Thuận di dời đường dây này đi chỗ khác để thuận lợi sinh sống. Những kiến nghị ấy đã được các ngành chức năng xem xét tháo gỡ. Tuy nhiên qua nhiều lần khảo sát, bàn tính phương án di dời thì nhận thấy việc di dời không khả thi bằng giữ nguyên hiện trạng.
Giữ nguyên hiện trạng
Công ty Điện lực Bình Thuận cho biết, qua khảo sát thấy không có phương án nào khả thi bằng giữ nguyên hiện trạng và nâng trụ đường dây lên cao hơn. Bởi di dời thì giải quyết được hộ này mất hộ kia vì chỗ nào cũng có nhà dân ở và công trình xây dựng. Hơn nữa, chi phí di dời rất lớn vì có liên quan hệ thống viễn thông, truyền hình cáp, đường dây điện hạ thế sau công tơ trên trụ điện vào nhà dân, đền bù giải tỏa, tái định cư và các chi phí khác… Chưa kể quá trình di dời sẽ thay đổi kết cấu lưới điện, đặc biệt là hệ thống đường dây hạ thế, nhánh rẽ, điện kế vào nhà các hộ dân; phải thỏa thuận hướng tuyến, bồi thường, hỗ trợ nhà, đất khi thi công xây dựng đường dây. Ngoài ra, nhà cung cấp dịch vụ khác phải phối hợp di dời hệ thống cáp viễn thông, Internet, truyền hình cáp…
Vì thế người dân cần hiểu, chia sẻ, trước mắt không xây dựng, sửa chữa, cơi nới nhà ở, công trình xây dựng khác trong hành lang bảo vệ an toàn đường điện cao áp khi chưa được phép. “Về lâu dài, địa phương tổ chức quy hoạch sắp xếp lại dân cư trong khu vực có đường dây đi qua. Đồng thời phối hợp với Công ty điện lực Bình Thuận chủ động xây dựng kế hoạch tìm kiếm nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, kết hợp với di dời lưới điện phù hợp với quy hoạch đảm bảo an toàn, ổn định cho người dân”, UBND tỉnh có ý kiến, yêu cầu huyện Hàm Tân và Công ty điện lực Bình Thuận lưu ý.
“Tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu về những khó khăn, bất cập khi di dời đường dây trung thế 22kV di dọc quốc lộ 1A qua các khu dân cư để tạo sự đồng thuận trong nhân dân”, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân chỉ đạo các xã có đường dây đi ngang qua.